Doanh nghiệp bớt háo hức
Điện mặt trời áp mái là hệ thống các tấm panel pin mặt trời được làm từ vật liệu bán dẫn có chức năng chuyển hóa năng lượng bức xạ nhiệt sang năng lượng điện. Việc lắp đặt khá đơn giản, khiến giải pháp này được tìm hiểu khá nhiều trong thời gian qua.
Tuy nhiên, thực tế không đơn giản như vậy. Chủ một nhà xưởng đóng tại quận Bình Tân (TP.HCM) cho biết, ban đầu, ông đã chủ động tìm các nhà cung cấp vì việc này có thể tạo thêm thu nhập cho xưởng. Với hơn 6.000 m2 diện tích, ông ước tính phải tạo công suất 1 MW, nhưng khi tính toán lại không phải vậy, nên ông không còn háo hức như trước.
Theo đó, các nhà đầu tư sẽ lắp đặt hệ thống điện áp mái và trả cho ông 25 triệu đồng/tháng từ nguồn điện mà hệ thống này mang lại. Thời hạn hợp đồng là 15 năm, sau thời gian đó, hệ thống điện mặt trời áp mái sẽ thuộc quyền quản lý của ông.
“Nghe có vẻ hấp dẫn, nhưng sau khi phân tích kỹ lại thấy không như vậy”, vị này nói.
Thứ nhất, số tiền chi trả hàng tháng không bao gồm bảo hiểm hàng hóa, máy móc bên dưới nếu có hư hỏng xảy ra, tức là ông có trách nhiệm phải duy trì bảo hiểm hàng hóa trong suốt thời hạn hợp đồng.
Thứ hai, sau thời hạn cho thuê, khả năng tích trữ năng lượng của tấm panel như thế nào thì bên cung cấp cũng không chắc chắn, nên việc giữ lại là không cần thiết.
Thêm vào đó, theo vị này tìm hiểu, các tấm pin khi hết thời hạn sử dụng thì xử lý rất khó vì có thể gây ô nhiễm môi trường, trong khi không có gì đảm bảo doanh nghiệp cung cấp sẽ tồn tại đến thời điểm hết hạn hợp đồng.
Sau khi tiếp xúc với nhiều bên, cùng với những thắc mắc chưa có lời giải đáp như trên, ông từ bỏ ý định lắp đặt điện mặt trời áp mái cho nhà xưởng mình.
Trên thực tế, khâu xử lý tấm pin khi hết vòng đời sản phẩm là điều đang được dư luận quan tâm. Ông Trần Thanh Hải, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Phát triển khu công nghiệp (Sonadezi) cho biết, có hai điều ông luôn đề nghị các đối tác triển khai điện mặt trời áp mái phải lưu ý. Đó là việc bảo trì, bảo dưỡng làm sao thuận lợi nhất cho hoạt động của nhà máy và việc xử lý các tấm pin khi hết vòng đời sử dụng phải hợp chuẩn.
Áp lực năng lượng sạch
Thực tế cho thấy, các nguồn cung trong nước đang không đủ đáp ứng yêu cầu, dẫn đến nhập khẩu năng lượng ngày càng lớn.
Theo tính toán, xu hướng nhập khẩu năng lượng sẽ tiếp tục tăng lên trong dài hạn. Tỷ lệ phụ thuộc nhập khẩu năng lượng sẽ khoảng 33 - 37% vào năm 2025 và lên đến 50 - 58% vào năm 2035.
Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết, để huy động nguồn lực từ nay đến năm 2025, Việt Nam phải tăng thêm khoảng 50.000 MW công suất điện nguồn, chưa kể nguồn vốn để đầu tư cho mạng lưới chuyển tải điện, tương đương 7 - 10 tỷ USD/năm.
Bên cạnh đó, đối với các doanh nghiệp trong ngành dệt may, da giày hay xuất khẩu thời trang sang châu Âu, Bắc Mỹ, các đối tác ở đây thường yêu cầu doanh nghiệp Việt Nam phải có các biện pháp triển bền vững, bảo vệ môi trường bằng việc tìm các nguồn năng lượng sạch.
Trong bối cảnh đó, điện mặt trời đang nổi lên như một lựa chọn tốt. Ông Lưu Hoàng Hà, nhà sáng lập, kiêm Chủ tịch Nami Solar cho biết, sử dụng 1 MW điện mặt trời sẽ giảm 1.000 tấn chất thải CO2.
Để thu hút doanh nghiệp tham gia, các đơn vị như Nami Solar đưa ra nhiều quyền lợi để tạo sự tin tưởng cho khách hàng, như bên cạnh việc chịu toàn bộ chi phí lắp đặt hệ thống điện áp mái, Công ty còn mua bảo hiểm vật chất cho khách hàng, bán lại điện từ hệ thống cho doanh nghiệp sản xuất nếu có nhu cầu, với giá cạnh tranh so với giá của EVN. Như trường hợp của May Việt Thắng, một đối tác sử dụng giải pháp của Nami Solar, có đến 80% lượng điện tạo ra từ hệ thống áp được bán lại cho doanh nghiệp.
Theo ước tính của Nami Solar, mỗi MW điện mặt trời sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm được 30 - 40% chi phí mua điện so với trước kia. Đối với chất lượng tấm pin, ông Hà cho biết, Công ty sử dụng thiết bị châu Âu, nên sau thời hạn hợp đồng vẫn có thể sử dụng thêm 5 năm.
“Trường hợp khách hàng không sử dụng khi hợp đồng kết thúc, chúng tôi sẽ tháo dỡ miễn phí cho họ”, ông Hà nói.
Cũng theo ông Hà, các rào cản kỹ thuật về điện áp mái đang dần được xóa bỏ nhờ những tiến bộ của khoa học - kỹ thuật.