Mòn mỏi chờ ký hợp đồng bán điện
Theo ông Võ Quang Lâm, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), sau 24 giờ nhà đầu tư nộp hồ sơ sẽ được thỏa thuận ký hợp đồng mua bán điện cho dự án điện mặt trời mái nhà.
Tuy nhiên, ông Trần Anh Đông, đại diện Công ty Giải pháp điều khiển và tự động hóa lại cho biết, đã mất một năm vẫn chưa hoàn thành, dù đã liên hệ với nhiều cơ quan, ban ngành liên quan.
Vướng mắc là, từ Quyết định 11/2017/QĐ-TTg đến Quyết định 13/2020/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam, hệ thống điện mặt trời mái nhà đều được định nghĩa là hệ thống điện mặt trời có các tấm quang điện được lắp đặt trên mái nhà. Trong khi đó, do đặc thù ngành nông nghiệp cần ánh sáng để phục vụ trồng trọt bên dưới, nên các doanh nghiệp sử dụng các tấm pin để làm mái nhà, nghĩa là không đặt tấm pin lên trên mái nhà hay gắn với công trình xây dựng như định nghĩa.
Đây chính là lý do khiến hồ sơ mua bán điện của doanh nghiệp chưa được phê duyệt.
“Phó tổng giám đốc EVN nói sau 24 giờ có thể ký hợp đồng, nhưng dự án của chúng tôi đã hoàn thành đến nay là 365 ngày mà chưa thể thực hiện được. Hỏi đơn vị này thì lại bị đá sang đơn vị kia, từ điện lực địa phương lên Tổng công ty, rồi Tập đoàn. Đến giờ, chúng tôi chỉ nhận được câu trả lời là đang nghiên cứu, trong khi giá mua điện theo Quyết định 13/2020/QĐ-TTg sẽ kết thúc vào cuối năm nay”, ông Đông nói.
Hệ lụy rất lớn của sự chậm trễ này là doanh nghiệp đang vay ngân hàng theo các chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư. Trắc trở trong hợp đồng mua bán điện, nếu kéo dài đến cuối năm, sẽ khiến doanh nghiệp này phải tính nước phá sản.
“Việc phát triển điện mặt trời áp mái cần có quy định riêng cho các dự án nông nghiệp công nghệ cao”, ông Đông đề xuất phương án xử lý.
Khó khăn này không của riêng doanh nghiệp nào. Một doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp với hơn 30 ha đạt chứng nhận hữu cơ của Hoa Kỳ và châu Âu cũng vấp phải vấn đề tương tự.
Bà Vũ Thị Ngọc Vân, Trưởng phòng kinh doanh Trang trại nông nghiệp hữu cơ Tiên Tiến (Ninh Thuận) cho biết, không chỉ đầu tư vào sản phẩm rau, củ quả, doanh nghiệp này còn lắp đặt hệ thống điện mặt trời trên mái nhà kho lạnh, văn phòng, xưởng sơ chế, chuồng chăn nuôi, hệ thống nhà lưới hở và một phần của sân, đường giao thông nội bộ. Nhưng, đến giờ họ chưa thể thực hiện hợp đồng mua bán điện mặt trời với EVN.
“Dự án đã hoàn thành mà không thể ký hợp đồng mua bán. Phía EVN chỉ ghi nhận phần sản lượng phát lên lưới, nhưng chưa được ký hợp đồng. Điện lực tỉnh Ninh Thuận cho rằng, phải lắp hệ thống điện mặt trời lên toàn bộ diện tích nhà lưới hở, sân và đường giao thông mới được ký hợp đồng”, bà Vân chia sẻ.
Lúc này, cả ông Đông và bà Vân đang băn khoăn, không hiểu quyết định đầu tư điện mặt trời trên mái nhà của doanh nghiệp có đúng với chủ trương khuyến khích đầu tư của Nhà nước hay không.
Không thể vì phòng lách luật mà làm khó
Ông Võ Quang Lâm thừa nhận, chính sách vẫn còn nhiều khoảng trống, như thiếu tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia với các thiết bị, hệ thống điện mặt trời mái nhà, cũng như chưa có quy định về việc xin giấy phép xây dựng, tải trọng kết cấu mái khi lắp đặt trên mái nhà.
Chính sách đầu tư điện mặt trời mái nhà vẫn còn nhiều khoảng trống, như thiếu tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia với các thiết bị, hệ thống điện mặt trời mái nhà.
Dự kiến, thông tư hướng dẫn Quyết định 13/2020/QĐ-TTg sẽ đề cập đến việc sửa đổi một số khái niệm, quy định.
Thậm chí, ông Hoàng Quốc Vượng, Thứ trưởng Bộ Công thương khẳng định, sẽ có nhiều văn bản hướng dẫn để huy động các doanh nghiệp tư nhân vào phát triển ngành điện. Tuy nhiên, ông Vượng cũng thẳng thắn chia sẻ lo ngại về khả năng lách luật ở không ít dự án điện mặt trời mái nhà tại các dự án nông nghiệp.
Cụ thể, cả nước hiện có nhiều dự án điện mặt trời dưới 1 MW với các tấm pin lắp đặt trên hệ thống khung giá đỡ (không có mái) nằm trên đất, hoặc dự án có các tấm pin mặt trời lắp đặt một phần nhỏ trên mái nhà, phần lớn còn lại lắp trên đất của khách hàng sử dụng điện.
“Mặc dù quy định về điện áp mái có nội dung được cho là chưa khoa học, nhưng đã được thảo luận nhiều lần và được đưa ra để tránh tình trạng lách luật tràn lan”, ông Vượng lý giải về thực trạng một số nhà đầu tư đi thuê đất nông nghiệp hoặc đất bỏ hoang để đầu tư các dự án điện mặt trời dưới 1 MW không có mái, vừa lách được yêu cầu bổ sung quy hoạch, lại được hưởng giá bán điện cao.
“Bộ Công thương sẽ có chính sách cụ thể trong việc lắp đặt các tấm pin mặt trời, nguồn điện năng lớn trên mái nhà xưởng công nghiệp và trang trại công nghệ cao”, Thứ trưởng Bộ Công thương nhấn mạnh.
Điện mặt trời mái nhà được cho là có vai trò quan trọng trong việc giảm áp lực về nguồn điện. Từ khi có Quyết định 11/2017/QĐ-TTg đến nay, tổng công suất nguồn điện năng lượng tái tạo đạt trên 5.500 MW. Riêng với điện mặt trời, có 5.000 MW đi vào vận hành, trong đó điện mặt trời áp mái có hơn 31.750 dự án, với tổng công suất là 657,88 MWp.
Tuy nhiên, do các cơ quan quản lý chưa ban hành bộ tiêu chuẩn của các thiết bị chính (pin quang điện, bộ chuyển đổi năng lượng) cũng như công bố các thiết bị, nhà cung cấp đạt chất lượng, nên triển khai các dự án điện mặt trời mái nhà còn nhiều khó khăn…