Doanh nghiệp dược lo thiếu nguyên liệu sản xuất mùa dịch

(ĐTCK) Bên cạnh các sản phẩm thuốc tăng cường sức khỏe bán chạy trong mùa dịch, nhiều doanh nghiệp dược nội địa đang phải đối diện với việc thiếu nguyên liệu sản xuất khi nguồn cung phụ thuộc chủ yếu từ nhập khẩu bị gián đoạn, gây ảnh hưởng dài hạn đến hoạt động sản xuất - kinh doanh.
Chỉ cần thiếu một thành phần của thuốc thì phải ngưng sản xuất mặt hàng thuốc đó. Chỉ cần thiếu một thành phần của thuốc thì phải ngưng sản xuất mặt hàng thuốc đó.

Từ lao đao vì thiếu nguyên liệu sản xuất...

CTCP Xuất nhập khẩu y tế Domesco (DMC) cho biết, Công ty đang đối mặt với nhiều khó khăn, có thể ảnh hưởng trực tiếp, thậm chí làm ngưng trệ hoạt động sản xuất - kinh doanh tại một số sản phẩm phụ thuộc lớn vào nguyên liệu nhập khẩu.

Theo DMC, các sản phẩm chính có nguồn gốc từ nguyên liệu Trung Quốc có giá trị tương đương khoảng 20 triệu USD/năm trong doanh thu của Công ty, đó là chưa kể nhiều nguyên liệu phụ và tá dược khác được nhập từ Trung Quốc.

Do vậy, chỉ cần thiếu một thành phần của thuốc thì phải ngưng sản xuất mặt hàng thuốc đó.

Không chỉ thuốc, nguyên liệu để sản xuất bao bì của DMC cũng phải nhập khẩu. Trong bối cảnh nguồn cung nguyên liệu từ Trung Quốc bị ngưng trệ từ đầu năm tới nay, Ban lãnh đạo DMC cho rằng, việc tăng giá thành sản phẩm là khó tránh.

“Mức độ ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến giá vốn, tỷ lệ nguyên phụ liệu trong đơn vị sản phẩm ngành dược tương đương 70-80% giá thành phẩm. Do vậy, khi nguyên liệu lên giá, tỷ lệ tăng giá là gần như tương đương vào giá thành sản phẩm. Hiện nay, đã có hiện tượng tăng giá nguyên liệu làm thuốc, nhất là nhóm kháng sinh và vitamin”, lãnh đạo DMC nói.

Một vấn đề khác khiến doanh nghiệp dược phải lưu tâm là sản lượng sản xuất giảm sẽ làm phát sinh các khoản chênh lệch tăng đối với giá thành, phản ánh các chi phí sản xuất, nhân công đang dư thừa. Báo cáo của DMC ước tính, mức độ ảnh hưởng từ dịch Covid-19 có thể lên tới 20 tỷ đồng/năm, bao gồm chênh lệch về nhân công và chi phí sản xuất. 

... Đến rủi ro phụ thuộc nguồn nguyên liệu nhập khẩu

Trong ngắn hạn, mức độ tác động đến mỗi doanh nghiệp là khác nhau, nhưng nếu dịch bệnh chưa sớm được ngăn chặn thì chuỗi cung ứng nguyên liệu từ các thị trường nhập khẩu chính sẽ bị đứt gãy trong thời gian dài, ảnh hưởng tới kế hoạch dài hạn của doanh nghiệp.

Những lo ngại này không phải không có cơ sở khi trong một báo cáo phân tích mới đây về triển vọng của DHG, Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) bày tỏ sự quan ngại, dịch Covid-19 có thể sẽ ảnh hưởng tới việc sản xuất hoạt chất đầu vào (API) tại Trung Quốc, từ đó giảm biên lợi nhuận gộp của các sản phẩm tự sản xuất của DHG trong năm 2020, thậm chí còn kéo dài tới các năm tiếp theo.

Ngoài ra, nỗ lực giảm thiểu tình trạng ô nhiễm tại Trung Quốc dẫn đến việc đóng cửa nhiều nhà máy sản xuất lớn tại đây cũng là nguyên nhân làm tăng giá API, đặc biệt trong năm 2020.

Theo VCSC, với cơ cấu khoảng 39% doanh thu sản phẩm tự sản xuất  trong năm 2019 đến từ thuốc kháng sinh, trong khi nguồn cung API phụ thuộc vào nhập khẩu và giá có xu hướng tăng ở nhóm nguyên liệu này, sẽ góp phần làm tăng tăng chi phí đầu vào, từ đó làm giảm biên lợi nhuận của DHG.

Trong điều kiện này, VCSC dự phóng biên lợi nhuận gộp sản phẩm tự sản xuất của DHG sẽ giảm 170 điểm, 10 điểm và 22 điểm cơ bản lần lượt trong các năm 2020, 2021 và 2022, dựa trên giả định cơ sở chi phí API sẽ tăng tương ứng 9%; 2% và 2% trong các năm này.

Ðể giải bài toán nguyên liệu trong bối cảnh khó khăn chung hiện nay, bà Ðào Thúy Hà, Giám đốc Marketing CTCP Traphaco (TRA) cho rằng, điều quan trọng nhất là sự nhạy bén của doanh nghiệp.

Theo bà Hà, để không bị động trước những cú sốc, doanh nghiệp cần có sự nhạy cảm trước các diễn biến xấu từ thị trường để có thể chủ động dự phòng nguồn nguyên liệu sản xuất.

Với Traphaco, bà Hà cho biết, Công ty đã theo dõi sát diễn biến thị trường từ trước Tết Nguyên đán, khi có dấu hiệu khó khăn trong nguồn cung ứng, nên chủ động tăng nguồn nguyên liệu dự trữ trong thời gian đủ dài để đảm bảo duy trì sản xuất.

Hiện Traphaco đã dự trữ sẵn nguyên liệu cho các mắt hàng chủ chốt, nên trong năm nay, việc sản xuất các sản phẩm chủ lực sẽ chưa chịu nhiều ảnh hưởng.

Bên cạnh đó, việc tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu trong nước đảm bảo chất lượng cho các sản phẩm đông dược cũng là một giải pháp hỗ trợ khá hiệu quả để Traphaco có thể cân đối cơ cấu sản phẩm.

Theo bà Hà, việc đa dạng hóa nguồn cung nên là giải pháp được tính tới trong mọi trường hợp.

“Về nguyên tắc, mục tiêu của doanh nghiệp là cần đảm bảo nguồn nguyên liệu đầu vào cho sản xuất trong mọi thời điểm. Cứ ở đâu có sẵn nguyên liệu là có thể tính ngay tới phương án đa dạng hóa nguồn cung. Còn trong trường hợp cả thế giới cùng kiệt quệ thì đó là khó khoăn mà tất cả các doanh nghiệp đều phải đối mặt”, bà Hà nói.

Tại DMC, xác định mức độ tác động của bệnh dịch không chỉ diễn ra trong quý đầu năm, mà còn có thể thể kéo dài sang các quý tới, trong các giải pháp ứng phó, Ban lãnh đạo Công ty cho biết, DMC đã lường tới kịch bản khó khăn nhất là tình trạng gián đoạn nguồn cung kéo dài và giá thành nguyên liệu tiếp tục tăng cao, nên việc quan trọng nhất lúc này là tập trung tìm kiếm nguồn nguyên liệu thay thế, đồng thời duy trì các kênh bán hàng để ổn định hoạt động kinh doanh.

Giới phân tích nhìn nhận, việc phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu đang là bài toán khó giải trong dài hạn đối với các doanh nghiệp dược Việt Nam, cho dù triển vọng tăng trưởng của ngành được đánh giá cao, với mức tăng trưởng 10% trong năm 2020 và có thể duy trì mức tăng trưởng 2 con số trong giai đoạn tới.

Thực tế, rủi ro từ việc phụ thuộc quá lớn vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu nói chung và từ Trung Quốc nói riêng đã được cảnh báo lâu nay và dịch Covid-19 một lần nữa khiến các doanh nghiệp dược trong nước lộ rõ hơn điểm yếu này.

Công ty Chứng khoán SSI nhận định, với tỷ lệ rất lớn trong tổng nhu cầu của nguyên phụ dược liệu nhập khẩu, ước lên tới 80- 90%, đây là vấn đề rất lớn đặt ra cho ngành dược Việt Nam trong dài hạn và khó có thể giải quyết trong một sớm một chiều, bởi để sản xuất được dược liệu và tự chủ về nguồn nguyên liệu đòi hỏi phải có nguồn vốn đầu tư lớn và khả năng về công nghệ, trong khi nhìn tương quan so sánh với các nước khác có ưu thế về nguồn cung như Trung Quốc và Ấn Ðộ thì Việt Nam hầu như không có lợi thế cạnh tranh.

Trong điều kiện hiện tại của các doan nghiệp dược nội địa, theo SSI, giải pháp nhập khẩu nguồn dược liệu vẫn là giải pháp khả thi cả về mặt kinh tế và trình độ công nghệ.

Tuy nhiên, xét về dài hạn, điều này đặt ra không ít rủi ro, bởi việc nhập khẩu không chỉ hạn chế sự tăng trưởng của ngành, mà đáng ngại hơn là tình trạng tăng giá nguyên phụ liệu, cũng như áp lực tỷ giá khi nguồn cung nguyên liệu từ nước ngoài bị gián đoạn.

Hiếu Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục