Doanh nghiệp đổ vốn lớn vào chế biến nông sản

Dòng vốn lớn đang chảy mạnh vào các dự án chế biến để hình thành chuỗi sản xuất khép kín và tăng giá trị cho ngành nông nghiệp.
Doanh nghiệp đổ vốn lớn vào chế biến nông sản

Những dự án mới

Sau những “ông lớn” đổ vốn làm nông nghiệp thành công như Vingroup, Tập đoàn TH, Doveco, Thaco cũng vừa động thổ Dự án Khu công nghiệp chuyên phục vụ nông nghiệp Vùng đồng bằng Bắc bộ, quy mô 194,36 ha tại huyện Quỳnh Phụ (Thái Bình), tổng vốn đầu tư 7.800 tỷ đồng.

Dự án của Thaco bao gồm chuỗi sản xuất khép kín, cung cấp máy nông nghiệp, nông cụ, vật tư nông nghiệp, ứng dụng cơ giới hóa và kỹ thuật từ khâu làm đất đến khâu thu hoạch, đầu tư khu công nghiệp phục vụ nông nghiệp để sản xuất, chế biến gạo, lương thực, thực phẩm…

Mới đây, Công ty cổ phần Tập đoàn T&T cũng bước chân vào nông nghiệp với dự án có quy mô vốn tới 3.300 tỷ đồng tại Quảng Nam.

Dự án của T&T có tổng diện tích đất sử dụng hơn 278 ha, thời hạn hoạt động 50 năm, giai đoạn I thực hiện từ quý I/2019 đến quý II/2021, giai đoạn II từ quý III/2021 đến quý II/2023, giai đoạn III thực hiện từ quý III/2023 đến quý IV/2024, tập trung đầu tư xây dựng hoàn thiện các hạng mục hỗ trợ sản xuất, các trang trại lớn.

Mục tiêu của dự án này là đầu tư xây dựng khu trồng trọt ứng dụng công nghệ cao, khu hỗ trợ sản xuất. Hạ tầng cho khu vực của dự án được quy hoạch hiện đại, phát triển vùng nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn, hình thành các cánh đồng trồng hoa và rau củ có năng suất, chất lượng, hiệu quả.

Theo kế hoạch, đến năm 2024, dự án sẽ hoàn thành toàn bộ và đưa vào hoạt động.

Một tổ hợp dự án ngành nông nghiệp khác cũng đang được Công ty TNHH Thương mại chế biến nông, lâm sản Đường Vạn Phát triển khai xây dựng tại xã Chư Ngọc (huyện Krông Pa, Gia Lai).

Với tổng mức đầu tư hơn 375 tỷ đồng, Công ty Đường Vạn Phát xây dựng một khu liên hợp có diện tích gần 40 ha, gồm: Nhà máy sản xuất sirô cô đặc; Nhà máy sản xuất chế biến đường và sản xuất tinh bột mỳ; Nhà máy chế biến thức ăn gia súc; Nhà máy sản xuất phân vi sinh tổng hợp. Để cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy, Công ty Đường Vạn Phát đã quy hoạch vùng nguyên liệu mía 6.000 ha và vùng nguyên liệu mì 12.000 ha.

Tính tới thời điểm này, Công ty Đường Vạn Phát đã triển khai đầu tư các hạng mục của nhà máy sirô cô đặc đạt khoảng 25% khối lượng. Dự kiến, quý IV/2019, Công ty sẽ đưa vào hoạt động nhà máy sản xuất sirô cô đặc và năm 2020 đưa vào hoạt động nhà máy sản xuất phân vi sinh tổng hợp.

Mới đây, lãnh đạo Tập đoàn Nafood đã có chuyến đi khảo sát tại tỉnh Bình Thuận để tính toán xây dựng một nhà máy chế biến thanh long xuất khẩu, giúp địa phương giải quyết đầu ra và nâng cao giá trị quả thanh long.

Con đường tất yếu

Để nâng cao giá trị gia tăng cho nông sản, Việt Nam chỉ còn cách hình thành các chuỗi sản xuất, đầu tư mạnh vào các dự án chế biến sâu. Sự dịch chuyển trong đầu tư nông nghiệp theo hướng này càng được thấy rõ khi nhìn vào kết quả xuất khẩu hơn 40 tỷ USD trong năm qua.

Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), năm 2018, đã có 16 nhà máy chế biến rau quả, thịt lợn, gia cầm hiện đại với tổng mức đầu tư khoảng 8.700 tỷ đồng được khởi công và khánh thành. Năm 2019 sẽ là năm chuyển động mạnh hơn của các dòng vốn vào lĩnh vực chế biến nông sản để tiến gần đến top 10 thế giới.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, ngành nông nghiệp cần nhiều hơn các dự án chế biến sâu để nâng chất cho sản phẩm nông nghiệp. Nếu có thêm nhiều nhà máy quy mô lớn, nhiều loại nông sản sẽ thoát cảnh “được mùa mất giá”, phải chờ giải cứu.

“Mỗi năm, Việt Nam sản xuất khoảng 30 triệu tấn rau và 15 triệu tấn quả. Tuy nhiên, vấn đề chính hiện nay là quá nhiều hộ sản xuất nhỏ, manh mún, thiếu thông tin thị trường, nên những lúc thời vụ, có những cây, những vùng dư thừa”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, muốn chế biến thì sản phẩm phải đồng nhất, ví dụ cam, quýt muốn chế biến phải có đều kích cỡ, mỏng vỏ, xơ dày, dai, nếu vỏ dày, tan xơ thì rất khó. Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo các viện nghiên cứu phối hợp cùng với các doanh nghiệp để giải quyết vấn đề chất lượng sản phẩm và quy hoạch vùng sản xuất, với đích đến căn cơ lâu dài là đẩy mạnh chế biến, tăng cường xuất khẩu quả tươi.

Sau khi chạm mốc 40 tỷ USD, ngành nông nghiệp Việt Nam đã đặt mục tiêu xuất khẩu kỷ lục trong năm 2019 với kim ngạch 42 - 43 tỷ USD. Thời gian để tiến đến mốc xuất khẩu 50 - 60 tỷ USD sẽ rút ngắn hơn, khi vốn chảy vào nông nghiệp được cụ thể hóa bằng các dự án sản xuất hiệu quả.

Ngay trong những ngày đầu năm mới, những tin vui lại đến với các doanh nghiệp có đầu tư lớn. Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao vừa thực hiện xuất khẩu chuyến hàng rau quả đầu tiên sang Nhật Bản năm 2019.

Hiện, Công ty Đồng Giao có 2 vùng sản xuất nguyên liệu chính tại Ninh Bình và Gia Lai, trong đó, điểm nhấn tại Gia Lai là Tổ hợp Nhà máy chế biến rau quả Doveco khép kín. Mỗi năm, nhà máy sẽ thu mua và chế biến hàng trăm ngàn tấn rau quả các loại như chanh dây, chuối, bơ, xoài, sầu riêng, mãng cầu, khoai lang, rau chân vịt, đậu tương, ngô ngọt, bí Nhật và nhiều loại rau quả khác của Gia Lai và các tỉnh Tây Nguyên.

Ông Đinh Cao Khuê, Chủ tịch HĐQT Doveco cho biết, doanh thu hàng năm của Nhà máy Doveco Gia Lai khi hoàn thành sẽ đạt từ 1.800 - 2.000 tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu đạt từ 40 - 50 triệu USD.

Năm 2018, doanh thu của Công ty Đồng Giao đạt 1.900 tỷ đồng, trong đó doanh thu xuất khẩu là 70 triệu USD. Sắp tới, khi Dự án Doveco Gia Lai hoàn thành, sẽ góp phần đáng kể vào tăng trưởng sản xuất, kinh doanh của Công ty.

2.200 doanh nghiệp lĩnh vực nông nghiệp thành lập mới

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, năm 2018, có 2.200 doanh nghiệp nông nghiệp thành lập mới, tăng 12,3% so với năm 2017, tổng số doanh nghiệp nông nghiệp cả nước 9.235 doanh nghiệp. Cả nước có 13.400 hợp tác xã nông nghiệp. Nhờ đó, các hình thức tổ chức sản xuất liên kết chuỗi được tăng cường.


baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục