Từ câu chuyện của Văn Phú - Invest…
Theo Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2019 đã kiểm toán vừa được Công ty cổ phần Đầu tư Văn Phú - Invest (VPI) công bố, kết quả kinh doanh năm 2019 đã có sự tăng trưởng vượt bậc với tổng doanh thu tăng gấp hơn 11 lần so với năm 2018, đạt mức trên 3.239 tỷ đồng. Đồng thời, lợi nhuận sau thuế của VPI cũng đạt gần 511 tỷ đồng, tăng 17% so với năm 2018. Đạt được kết quả trên do VPI đã tập trung phát triển mạnh mẽ trong hoạt động kinh doanh cốt lõi - kinh doanh bất động sản.
Theo đó, mảng kinh doanh bất động sản chiếm hơn 89% tổng doanh thu của VPI, đạt mức hơn 2.883 tỷ đồng. Doanh thu này chủ yếu đến từ 3 dự án chính là The Terra - An Hưng, The Terra - Hào Nam và Grandeur Palace - Giảng Võ với hơn 800 căn hộ được giao dịch thành công trong năm. Nối tiếp thành công của năm 2019, các dự án này sẽ tiếp tục được triển khai thi công và bàn giao, có khả năng tiếp tục thu hút sự quan tâm của khách hàng trong năm 2020.
Đến thời điểm hiện tại, tuy dịch bệnh Covid-19 xảy ra và tác động tiêu cực đến nền kinh tế nhưng theo chia sẻ của đại diện doanh nghiệp thì việc thu tiền mua nhà của các khách hàng đã được bàn giao nhà của các dự án trên vẫn diễn ra theo tiến độ cam kết, với số tiền dự kiến khoảng 2.227 tỷ đồng. Dòng thu năm nay của VPI còn được bổ sung từ việc thu tiền của khách hàng đã ký hợp đồng trong năm 2019.
Các khách hàng này đã ứng trước theo tiến độ khoảng 647 tỷ đồng và sẽ tiếp tục nộp tiền theo tiến độ trong năm 2020. Ngoài ra, hiệu ứng bán hàng tốt từ các dự án trong năm 2019 sẽ góp phần không nhỏ trong việc thu hút thêm khách hàng mới trong năm 2020, bổ sung nguồn thu tốt cho VPI trong thời gian tới.
Đến cuối năm 2019, tổng dư nợ của VPI khoảng 4.262 tỷ đồng. Hoạt động vay vốn của VPI chủ yếu nhằm phục vụ cho việc thanh toán và đẩy nhanh tiến độ thi công đã cam kết ở các dự án trọng điểm; đầu tư các dự án mới và mở rộng quỹ đất, tạo dư địa phát triển trong tương lai.
Khoản mục “Xây dựng cơ bản dở dang” trên báo cáo tài chính cho thấy rõ điều này khi mà VPI đồng thời triển khai các dự án như dự án Lộc Bình tại tỉnh Thừa Thiên - Huế, dự án BT tuyến đường kết nối đường Phạm Văn Đồng đến nút giao thông Gò Dưa, dự án Hoành Bồ tại tỉnh Quảng Ninh, Dự án khu ẩm thực chợ đêm tại thành phố Hải Phòng, Dự án Grandeur Palace - Mỹ Đình tại Hà Nội…
Quỹ đất hàng trăm héc-ta của các dự án tại các địa phương trong cả nước là “của để dành”, là lợi thế quan trọng của VPI trong bối cảnh các thủ tục pháp lý đầu tư dự án ngày càng siết lại, giá đất của các địa phương trên toàn quốc tăng mạnh thời gian qua.
Đặc biệt, đại diện doanh nghiệp này còn cho biết, trong năm 2020, VPI sẽ triển khai dự án Khu đô thị mới Cồn Khương tại TP. Cần Thơ, với diện tích hơn 53,2 ha. Đây là điểm nhấn đầu tư trong năm 2020, là bước khởi đầu cho sự phát triển của VPI tại thành phố hiện đại và phát triển nhất ở Đồng bằng Sông Cửu Long.
… Đến lợi thế “của ăn của để”
Tương tự như Văn Phú - Invest, kết quả kinh doanh vượt trội của năm 2019 cũng là bước đệm quan trọng cho kế hoạch tăng trưởng của CTCP Phát triển bất động sản Phát Đạt (Mã CK: PDR), giúp doanh nghiệp này tin tưởng hơn khi ứng phó với dịch Covid-19. Theo đó, năm 2019, Phát Đạt ghi nhận 3.400 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng gần 50% với năm 2018, lãi ròng đạt 874 tỷ đồng, tăng 36%.
Theo đại diện PDR, lợi nhuận năm 2019 tăng tốt chủ yếu nhờ hoạt động kinh doanh thương mại các sản phẩm đất nền, căn hộ, văn phòng và chuyển nhượng các tài sản là bất động sản đầu tư. Trong đó, đáng chú nhất đóng góp quan trọng vào kết quả kinh doanh của PDR trong năm vừa qua là dự án Phân khu 4 thuộc khu sinh thái Nhơn Hội (Bình Định) và một số sản phẩm tại dự án Phát Đạt Bàu Cả (Quảng Ngãi). Ghi nhận từ báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2019 của Phát Đạt cho thấy, doanh nghiệp này còn tới hơn 795,2 tỷ đồng các khoản phải thu ngắn hạn của khách hàng theo tiến độ của dự án cùng với 651,1 tỷ đồng người mua trả tiền trước ngắn hạn, chủ yếu tại dự án Nhơn Hội, Bình Định.
Mô hình dự án Grandeur Palace Mỹ Đình của Văn Phú - Invest
Sau giai đoạn tái cấu trúc và tất toán các khoản nợ vay trước đây từ năm 2018, bước sang năm 2019, PDR đã bắt đầu huy động vốn trở lại cho việc đầu tư những dự án mới, chủ yếu thông qua hình thức phát hành trái phiếu. Trong đó, năm 2019, PDR đã 9 lần thực hiện chào bán. Mới đây, PDR cũng thông qua chào bán trái phiếu lần 8 với 175 tỷ đồng, lần trước đó vào mức 80 tỷ đồng. Tính chung từ đầu năm đến nay, Phát Đạt huy động khoảng 1.800 tỷ đồng qua trái phiếu.
Mặc dù không hoàn thành kế hoạch đã đặt ra, nhưng 2019 cũng là năm khá ổn định với CTCP Đầu tư Hải Phát (Hải Phát Invest - Mã CK: HPX).
Theo đó, nhờ vào hoàn thành và bàn giao căn hộ cho khách hàng ở các dự án Hải Phát Plaza cao tầng, dự án Phú Lương, dự án Trâu Quỳ và dự án nhà ở xã hội Phú Lãm, giúp doanh nghiệp ghi nhận doanh thu 3.432 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 453 tỷ đồng, lần lượt tăng 70% và 0,15% so với năm 2018.
Ghi nhận từ Báo cáo tài chính kiểm toán hợp nhất cho thấy, tới cuối năm 2019, các khoản phải thu ngắn hạn từ khách hàng của HPX lên tới hơn 516,1 tỷ đồng và gần 294 tỷ đồng tiền người mua trả tiền trước ngắn hạn từ một số dự án chính của doanh nghiệp này như Hải Phát Plaza (Roman Plaza), Khu đô thị Phú Lãm, Khu đô thị mới Phú Lương và một số dự án khác. Ngoài một số dự án tại Bình Thuận và Cần Thơ đã được HPX công bố, cách đây không lâu, liên danh Hải Phát Invest và Công ty TNHH Hà Sơn vừa trúng thầu dự án Khu đô thị mới Mai Pha (Lạng Sơn) với quy mô gần 92 ha và tổng mức đầu tư gần 2.900 tỷ đồng.
Trong khi đó, CTCP Tập đoàn C.E.O (mã CK: CEO) cũng công bố báo cáo tài chính hợp nhất với đa phần các chỉ tiêu đều tăng. Trong đó, lãi ròng của CEO trong năm 2019 ghi nhận đạt gần 448 tỷ đồng, tăng hơn 100% so với năm ngoái. Cả năm 2019, doanh thu thuần và lãi ròng của CEO ghi nhận lần lượt tăng 103% và 101% so với năm 2018, đạt hơn 4,550 tỷ đồng.
So với năm 2018, các khoản phải thu ngắn hạn của CEO tính đến cuối năm giảm 35% so với đầu năm, xuống còn hơn 1.013 tỷ đồng, tuy nhiên, các khoản phải thu ngắn hạn của khách hàng vẫn đạt đạt hơn 625 tỷ đồng, trong đó khoản phải thu lớn nhất của CEO là từ Công ty TNHH một thành viên Đầu tư Trang Nguyễn PQ hơn 41 tỷ đồng và CTCP Đầu tư và Phát triển đô thị xanh gần 37 tỷ đồng. Ngoài ra, CEO vẫn còn khoảng 273,9 tỷ đồng ghi nhận ở khoản mục người mua trả tiền trước ngắn hạn.
Tính tới cuối năm 2019, ghi nhận từ báo cáo tài chính kiểm toán cho thấy, vay và nợ thuê tài chính dài hạn tăng thêm 641,8 tỷ đồng lên hơn 2.339,7 tỷ đồng, chủ yếu theo lý giải phục vụ cho việc bổ sung vốn lưu động và phát triển các dự án trên quỹ đất sẵn có của doanh nghiệp.
Một doanh nghiệp khác cũng ghi nhận kết quả khá ấn tượng trong năm 2019 vừa qua là trường hợp CTCP Tập đoàn Hà Đô (Mã CK: HDG). Theo đó, kết thúc năm 2019, HDG có doanh thu thuần vào mức 4.327 tỷ đồng, tăng 34% so với năm trước. Hoạt động kinh doanh bất động sản mang về cho Công ty 2.759 tỷ đồng, tiếp đến là doanh thu xây lắp (649 tỷ đồng), doanh thu từ thủy điện và điện mặt trời (601 tỷ đồng). Nhờ đó, Công ty lãi ròng hơn 842 tỷ đồng, tăng 33% so với năm 2018.
Tại thời điểm 31/12/2019, HDG vẫn còn khoảng 581,2 tỷ đồng ghi nhận ở khoản mục phải thu ngắn hạn từ khách hàng cùng hơn 3.005,5 tỷ đồng ở khoản mục Người mua trả tiền trước ngắn hạn. Ngoài ra, tập đoàn này trong năm vừa qua cũng ghi nhận huy động vốn lên tới hơn 5.820,56 tỷ đồng, chủ yếu nhằm phục vụ cho việc mở rộng đầu tư, bao gồm các dự án bất động sản và đặc biệt là lĩnh vực năng lượng.
Đại dịch Covid-19 đã và đang gây ra những thách thức lớn cho ngành bất động sản, không chỉ hoạt động bán hàng bị ảnh hưởng mà việc chuẩn bị thủ tục triển khai dự án cũng sẽ khó khăn hơn. Vì thế, ghi nhận ý kiến của các doanh nghiệp, những chủ đầu tư nào có “của để dành” sẽ chủ động hơn trong các kế hoạch kinh doanh, từ đó duy trì sự ổn định, tạo bước đà cho sự phục hồi trở lại ngay sau khi đại dịch kết thúc.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com