Doanh nghiệp địa ốc mạnh tay chi tiền M&A quỹ đất

0:00 / 0:00
0:00
Nhiều doanh nghiệp địa ốc ở phía Nam lựa chọn chiến lược mua bán - sáp nhập (M&A) dự án để mở rộng quỹ đất, đón đầu xu hướng phục hồi và phát triển của thị trường.
Dự án Westgate (3,1 ha tại Bình Chánh, TP.HCM) được An Gia mua lại từ năm 2019 ảnh: thiện minh Dự án Westgate (3,1 ha tại Bình Chánh, TP.HCM) được An Gia mua lại từ năm 2019 ảnh: thiện minh

Tích cực săn quỹ đất

Tập đoàn Bất động sản An Gia - cái tên không còn quá xa lạ với thị trường địa ốc phía Nam - mới đây tiếp tục gây chú ý khi công bố chi thêm 3.000 - 5.000 tỷ đồng mỗi năm để mở rộng quỹ đất, nhắm đến những khu đất quy mô lớn để triển khai các dự án phức hợp.

Ông Nguyễn Bá Sáng, Chủ tịch HĐQT An Gia cho biết, coi việc mở rộng quỹ đất là chiến lược xuyên suốt, nên An Gia luôn không ngừng tìm kiếm cơ hội, thực hiện M&A, ưu tiên quỹ đất sạch, có pháp lý rõ ràng, thời gian triển khai nhanh.

Năm 2020, An Gia đã mua quỹ đất khoảng 3 ha tại Bình Dương với quy mô gần 3.000 sản phẩm và trong quá trình hoàn tất đàm phán tiếp tục mua thêm 30 - 50 ha quỹ đất thấp tầng. Tập đoàn này cũng lần lượt ra mắt Dự án Westgate (Bình Chánh, TP.HCM) và Dự án The Standard (Bình Dương) - 2 quỹ đất được M&A trong 6 tháng cuối năm 2019.

Dù không công bố giá trị những thương vụ này, nhưng theo tính toán của giới kinh doanh bất động sản, với vị trí đắc địa của các dự án trên, An Gia đã phải chi ra hàng ngàn tỷ đồng. M&A dự án là chiến lược giúp nhiều doanh nghiệp tăng trưởng đột phá, nên không khó hiểu khi An Gia chọn con đường này để tăng tốc.

Một doanh nghiệp khác cũng theo đuổi chiến lược “đi tắt đón đầu” để mở rộng quỹ đất là Công ty cổ phần Đầu tư và kinh doanh nhà Khang Điền. Doanh nghiệp này vừa công bố nghị quyết dự kiến bơm thêm 659,34 tỷ đồng để tăng vốn điều lệ tại Công ty TNHH Tư vấn Quốc tế, nâng mức sở hữu tại công ty con này lên 99,9%.

Sau đó, Khang Điền sẽ đồng ý cho Công ty TNHH Tư vấn Quốc tế rót 659,34 tỷ đồng để tăng vốn tại Công ty TNHH Đầu tư kinh doanh bất động sản Bình Trưng. Tương tự cách làm của công ty mẹ, Công ty TNHH Tư vấn Quốc tế sở hữu 99,9% vốn điều lệ tại Bình Trưng với mục đích nhắm đến quỹ đất tại TP. Thủ Đức (TP.HCM).

Nghị quyết trên cũng thông qua kế hoạch Khang Điền góp thêm 399,6 tỷ đồng để sở hữu 99,9% Công ty TNHH Đầu tư kinh doanh bất động sản Kim Phát. Kim Phát tiếp tục bơm dòng vốn tương ứng vào Công ty TNHH Phát triển bất động sản Phú Hải - đơn vị cũng đang nắm quỹ đất tại TP. Thủ Đức.

Như vậy, mục tiêu đợt tăng vốn ngàn tỷ của Khang Điền nhằm thực hiện tham vọng mở rộng quỹ đất ở TP. Thủ Đức, nơi có tốc độ đô thị hóa và nhu cầu nhà ở, đầu tư bất động sản cao nhất tại TP.HCM hiện nay.

Bài toán hậu M&A

Các chuyên gia tài chính chỉ ra rằng, để đạt được thành công trong các chiến lược M&A, vấn đề không hoàn toàn nằm ở việc doanh nghiệp có “tiền tươi” hay không, mà quan trọng là phải có khả năng quản lý dòng tiền và năng lực phát triển dự án.

Nếu chủ đầu tư không có năng lực phát triển dự án, thì rất khó để thực hiện M&A. Đó là chưa kể, sau khi hoàn tất M&A, nếu không khai thác được dự án và ra thành phẩm để bán hàng, lợi thế quỹ đất sẽ biến thành gánh nặng tồn kho, chôn vốn.

Quan sát những dự án của An Gia, có thể thấy, doanh nghiệp này đã chuẩn bị trước các tình huống để tránh rủi ro. An Gia chỉ mua những dự án đủ khả năng triển khai và bán sản phẩm ngay, tiết kiệm hàng trăm tỷ đồng so với phát triển từ đầu một dự án tương tự.

Ông Nguyễn Bá Sáng chia sẻ, An Gia không mua quỹ đất bằng mọi giá để gánh nợ nhiều và tạo áp lực về tài chính, mà luôn đánh giá cẩn trọng từng khu đất để phát triển sản phẩm phù hợp với túi tiền của phần đông khách hàng.

Phú Đông Group cũng vừa M&A thành công một dự án khoảng 5 ha ở Nhơn Trạch (Đồng Nai), đã hoàn thiện hạ tầng và đang hoàn tất thủ tục để đưa ra thị trường. Ông Ngô Quang Phúc, Tổng giám đốc Phú Đông Group cho hay, M&A là một trong những định hướng chiến lược của doanh nghiệp. Khi có ý định mua lại dự án, quỹ đất, Phú Đông luôn xem xét kỹ các yếu tố như vị trí và điều kiện pháp lý của dự án, nhu cầu và khả năng tài chính của doanh nghiệp…

“Chính trong giai đoạn khó khăn này lại xuất hiện những cơ hội mới. Đơn cử, nhà phát triển bất động sản chuyên nghiệp có thể xúc tiến mua lại các dự án bê trễ…”, ông Phúc chia sẻ.

Trong lĩnh vực bất động sản, M&A là giải pháp “đi tắt đón đầu” hiệu quả. Khi M&A dự án, doanh nghiệp có thể mua chi phối hoặc tham gia cổ phần và dự án không bị thay đổi quy hoạch hay bị đổi tên, vì thủ tục đổi tên dự án mất khá nhiều thời gian.

Tất nhiên, muốn M&A, doanh nghiệp phải có tiềm lực tài chính mạnh, bởi nói như bà Nguyễn Hương, Tổng giám đốc Công ty Đại Phúc Land, thì “không phải doanh nghiệp nào cũng có thể ôm được quỹ đất để chờ thời”.

Trọng Tín
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục