Doanh nghiệp dệt may tự tin tăng trưởng khi dịch được kiểm soát

0:00 / 0:00
0:00
Hàng loạt doanh nghiệp dệt may đã có đơn hàng đầy đủ cho các dây chuyền sản xuất trong cả năm. Doanh nghiệp lớn một mặt ra sức phòng chống Covid-19, mặt khác, lên kế hoạch mở rộng đầu tư.
Hàng dệt may là một trong những ngành hàng tăng trưởng tốt và đạt giá trị lớn. Ảnh: Chí Cường. Hàng dệt may là một trong những ngành hàng tăng trưởng tốt và đạt giá trị lớn. Ảnh: Chí Cường.

Công ty cổ phần May Sông Hồng (mã: MSH) vừa bắt tay vào khởi công khu sản xuất may xuất khẩu Sông Hồng - Nghĩa Hưng tại tỉnh Nam Định, với tổng vốn đầu tư hơn 600 tỷ đồng.

Dự án này có quy mô trên 40 chuyền may xuất khẩu, dệt kim, dệt thoi, bao gồm các sản phẩm như váy, áo, jacket... Dự kiến hoàn tất toàn bộ mọi công đoạn từ tháng 11/2021 trước khi đưa vào hoạt động.

Còn Công ty cổ phần Dệt may - Đầu tư thương mại Thành Công đã đầu tư 10 triệu USD, xây dựng nhà máy may số 2 tại Vĩnh Long, sẽ đi vào hoạt động từ cuối năm 2021. Đây là một trong 3 chiến lược trọng điểm trong năm nay của công ty này.

Ông Lee Eun Hong, Tổng giám đốc Dệt may Thành Công kỳ vọng, nhà máy này sẽ giúp Công ty trực tiếp đáp ứng được nhu cầu đang gia tăng của khách hàng thay vì chọn giải pháp tìm đến đơn vị gia công để hỗ trợ. Điều này cũng sẽ giúp Dệt may Thành Công giảm phụ thuộc vào nguồn thuê ngoài và cải thiện tỷ suất lợi nhuận gộp trong tương lai.

Thêm vào đó, doanh nghiệp này còn dự định xem xét xây thêm nhà máy đan, cũng như tìm kiếm cơ hội cho thương vụ mua lại nhà máy nhuộm, ưu tiên tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Trong quý đầu năm nay, không chỉ ở Mỹ, mà nhu cầu đối với quần áo, giày dép được dự báo tăng ở các quốc gia đã có tỷ lệ tiêm phòng cao như châu Âu, do người dân đang dần quay trở lại cuộc sống bình thường sau một thời gian dài phong tỏa.

Ông Đặng Triệu Hoà, Tổng giám đốc Sợi Thế Kỷ đánh giá, nhu cầu đối với các sản phẩm thể thao và thường phục cũng sẽ tăng cao hơn các nhóm sản phẩm khác, do người tiêu dùng quan tâm nhiều hơn tới sức khỏe, sự thoải mái và các thay đổi trong sinh hoạt (đặc biệt là làm việc tại nhà, di chuyển bằng xe đạp). Vì vậy, sản phẩm sợi của Sợi Thế Kỷ chủ yếu phục vụ cho thời trang thể thao thường nhật (sportwear/athleisure) nên Công ty tin tưởng sẽ được hưởng lợi từ sự phục hồi này.

Ngoài ra, do người tiêu dùng ngày càng chú trọng tới việc bảo vệ môi trường nên Sợi Thế Kỷ sẽ thúc đẩy việc bán sợi tái chế. Đây là sản phẩm sử dụng chai nhựa đã qua sử dụng, vì vậy sẽ góp phần giải quyết vấn đề rác thải nhựa và giảm phát thải khí carbon. 4 tháng đầu năm nay, doanh thu từ sợi tái chế của doanh nghiệp này đã tăng 71,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo báo cáo đánh giá của một số công ty chứng khoán, giá trị xuất khẩu dệt may của Việt Nam trong năm nay sẽ phục hồi theo triển vọng phục hồi kinh tế tại các thị trường xuất khẩu lớn như Hoa Kỳ, EU và sẽ đạt được kế hoạch đề ra là 39 tỷ USD.

Tuy nhiên, tại Việt Nam, làn sóng dịch lần thứ 4 đã xuất hiện và rủi ro lây nhiễm tại các khu công nghiệp, nhà xưởng - nơi tập trung nhiều lao động là rất cao. Điều này sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu dệt may.

Song, các chuyên gia trong ngành tin tưởng, hiện nay chính quyền các địa phương cũng như các doanh nghiệp rất quyết liệt trong việc phòng dịch ở các khu công nghiệp. Hy vọng đợt bùng phát dịch lần này sẽ không ảnh hưởng nhiều tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành và dệt may sẽ đạt được mục tiêu xuất khẩu của năm nay.

Việt Nam đang được các thương hiệu trong ngành dệt may đánh giá cao về khả năng cung ứng (trên cơ sở các tiêu chí như chất lượng, giá cả, khả năng đáp ứng đơn hàng nhanh, sự ổn định của nguồn cung ứng) cũng như các ưu thế về thuế quan theo các hiệp định thương mại mà Việt Nam ký kết với các đối tác thương mại quan trọng.

Một thuận lợi nữa là Việt Nam có ổn định chính trị, giúp các nhà đầu tư yên tâm đổ vốn. Mới đây, 2 nhà máy của Retailing - công ty mẹ của Uniqlo tại Myanmar đã bị phóng hỏa, càng nổi lên vai trò điểm đến đầu tư an toàn của Việt Nam.

Bên cạnh đó, Việt Nam chủ động kiểm soát dịch bệnh cũng được kỳ vọng là một lợi điểm trong thu hút đơn hàng. Các thương hiệu thường tìm nguồn cung thay thế khi bị gián đoạn ở các quốc gia gặp bất ổn do chính trị hay dịch bệnh.

Các chuyên gia nhận định, việc gia tăng thị phần của doanh nghiệp dệt may Việt Nam tại thị trường EU, Nhật Bản và Hàn Quốc là hoàn toàn có thể trong bối cảnh hiện nay.

Cụ thể, với Tổng công ty cổ phần May Việt Tiến, Nhật Bản là thị trường xuất khẩu chính của doanh nghiệp này, chiếm tới 28% doanh thu xuất khẩu trong năm 2020 và khách hàng lớn nhất của May Việt Tiến là Uniqlo, chiếm 80% doanh thu của Công ty tại Nhật Bản. Uniqlo đang được nhiều doanh nghiệp kỳ vọng sẽ chuyển đơn hàng từ Myanmar sang Việt Nam và từ đó, những doanh nghiệp như May Việt Tiến có thể nâng tỷ trọng doanh thu từ thị trường Nhật Bản lên 35% trong năm 2021.

Để đáp ứng nhu cầu của các thương hiệu, ngoài việc đảm bảo được chất lượng ổn định, giá cả cạnh tranh, các doanh nghiệp Việt Nam phải đáp ứng được đơn hàng nhanh vì các thương hiệu đều có xu hướng giảm hàng tồn kho, giảm thời gian đặt hàng (lead time) để giảm rủi ro do tác động của đại dịch.

Bài viết triển khai thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đảm bảo trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh dịch Covid-19.

Xem thêm nội dung TẠI ĐÂY!

Hồng Phúc
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục