Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, lũy kế đến ngày 20/3/2023, Đài Loan đứng ở vị trí thứ 4 sau Hàn Quốc, Singapore và Nhật Bản trong danh sách các quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư lớn nhất tại Việt Nam. Hải Phòng là địa phương tiếp nhận vốn đầu tư khá lớn của doanh nghiệp Đài Loan, hiện các đối tác Đài Loan có 60 dự án tại thành phố cảng, với tổng số vốn là 1,8 tỷ USD, trong đó có 27 dự án nằm trong các khu công nghiệp, khu kinh tế với tổng số vốn là 1,6 tỷ USD.
“Hải Phòng có cảng biển thuộc loại hiện đại nhất miền Bắc, là một cực trong Tam giác tăng trưởng Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Đây cũng là địa phương hội tụ đủ 5 loại hình giao thông đường bộ, đường biển, đường sắt, đường thủy nội địa và đường hàng không, rất hữu ích cho các hoạt động kinh tế. Với những chính sách cởi mở trong thu hút đầu tư, trên hết là sự đồng hành, quan tâm, hỗ trợ của lãnh đạo Thành phố và Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng (HEZA), thành phố này là nơi có “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” rất hấp dẫn các nhà đầu tư”, ông Chen Hung Chin, Chủ tịch HĐQT Công ty Wieson, đồng thời là Trưởng đoàn Hiệp hội doanh nghiệp Điện cơ - Điện tử Đài Loan (TEEMA) chia sẻ.
Chỉ tính từ tháng 9/2022 đến nay, đã có 4 đoàn công tác của doanh nghiệp Đài Loan đến Hải Phòng để tìm hiểu cơ hội đầu tư. Riêng với TEEMA, ngày 19/4 vừa rồi là lần thứ 2 trở lại với gần 50 doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất công nghệ cao. Được biết, giá trị sản xuất của các doanh nghiệp trong hiệp hội này chiếm tới 50% giá trị sản xuất công nghiệp tại Đài Loan.
Ông Chen Hung Chin khẳng định, các doanh nghiệp Đài Loan rất ấn tượng với những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của TP. Hải Phòng, cũng như các tiềm năng, lợi thế, cùng chính sách tạo thuận lợi thu hút đầu tư; trên hết là sự đồng hành, quan tâm, hỗ trợ của lãnh đạo Thành phố và HEZA với các nhà đầu tư. Từ những điều kiện thuận lợi này, các doanh nghiệp, nhà đầu tư sẽ tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu, tìm hiểu, thảo luận cụ thể hơn với HEZA và các doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp để xây dựng phương án, kế hoạch đầu tư vào Thành phố.
“Thành viên trong đoàn TEEMA đều là các doanh nghiệp chuyên sản xuất linh kiện điện tử công nghệ cao, hy vọng mở rộng đầu tư phát triển tại Hải Phòng”, ông Chen Hung Chin bày tỏ.
Trước đó, vào tháng 10/2022, Đoàn công tác của HEZA cũng đã tổ chức thành công các hoạt động xúc tiến đầu tư tại Đài Loan, thu hút 15 doanh nghiệp tham gia. Sau chương trình xúc tiến, đã có doanh nghiệp đến đầu tư tại Thành phố.
Một số “đại bàng” của Đài Loan đang đầu tư và hoạt động tốt tại thành phố cảng có thể kể đến như Công ty TNHH Pegatron Việt Nam (vốn đầu tư 800 triệu USD), Công ty TNHH Universal Scientific Industrial Việt Nam (vốn đầu tư 215 triệu USD), Công ty TNHH Lite On Việt Nam (vốn đầu tư 89 triệu USD)… Đây đều là các doanh nghiệp lớn thuộc lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử cho tivi, máy tính, khí công nghiệp, máy móc thiết bị, bao bì.
Trong số này, ấn tượng nhất là Công ty TNHH Pegatron Việt Nam (thuộc Tập đoàn Pegatron), có tổng số vốn đầu tư lớn nhất vào Hải Phòng tính đến thời điểm này. Hiện Pegatron là nhà cung cấp linh kiện phụ trợ điện tử chính cho Apple, cùng với Foxconn và Wistron Corp của Đài Loan. Pegatron đang mở rộng dự án thứ 2, với tổng vốn đầu tư khoảng 481 triệu USD.
Theo kế hoạch, Pegatron sẽ tiếp tục đầu tư dự án thứ 3 với quy mô 500 triệu USD trong giai đoạn 2025 - 2026. Với việc tiếp tục đầu tư mở rộng quy mô tại Hải Phòng của Pegatron Việt Nam, một lần nữa cho thấy Hải Phòng còn nhiều dư địa với các nhà đầu tư Đài Loan. Việc mở rộng quy mô đầu tư của Pegatron cũng giúp phát triển các doanh nghiệp phụ trợ và ngân hàng. Đến nay, Ngân hàng Megabank của Đài Loan đã có chi nhánh tại Hải Phòng nhằm đón làn sóng doanh nghiệp đến đầu tư tại thành phố.
Với quan điểm “thành công của các nhà đầu tư cũng là thành công của thành phố”, ông Lê Trung Kiên, Trưởng ban HEZA khẳng định, sẽ luôn quan tâm, đồng hành, hỗ trợ và tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư đến làm ăn tại Hải Phòng, trong đó có các nhà đầu tư đến từ Đài Loan.