TEEMA là tổ chức tập hợp các doanh nghiệp, nhà đầu tư đang hoạt động trong lĩnh vực sản xuất các sản phẩm về điện tử, mạng, các linh kiện bán dẫn... Giá trị sản xuất ngành điện cơ, điện tử của các doanh nghiệp trong hiệp hội thường chiếm tới 50% giá trị sản xuất công nghiệp tại Đài Loan.
Tại buổi làm việc, Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng (Heza) đã giới thiệu những lợi thế cạnh tranh, hạ tầng giao thông đồng bộ của TP. Hải Phòng và các chính sách ưu đãi hấp dẫn trong khu kinh tế, khu công nghiệp. Cùng với đó là sự quan tâm, đồng hành, hỗ trợ của TP. Hải Phòng nói chung và Heza nói riêng với các doanh nghiệp, nhà đầu tư trên địa bàn.
Ông Chen Hung Chin, Chủ tịch Hội đồng Quản trị công ty Wieson, trưởng đoàn chia sẻ: “TEEMA ấn tượng đối với những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố cũng như các tiềm năng, lợi thế, cùng các chính sách thu hút đầu tư và trên hết là sự đồng hành, quan tâm, hỗ trợ của lãnh đạo Thành phố và Heza với các nhà đầu tư. Hải Phòng hội tụ đủ 5 loại hình giao thông như đường bộ, đường biển, đường sắt, đường thuỷ nội địa và đường hàng không. Từ những điều kiện thuận lợi này, các doanh nghiệp, nhà đầu tư sẽ tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu, tìm hiểu và thảo luận cụ thể hơn với Heza và các doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp để xây dựng phương án, kế hoạch đầu tư vào các khu công nghiệp, khu kinh tế trên địa bàn Thành phố”.
Các nhà đầu tư TEEMA lắng nghe giới thiệu những tiềm năng, lợi thế về Hải Phòng. Ảnh: Quỳnh Nga |
Các doanh nghiệp của TEEMA bày tỏ sự quan tâm tới giá đất, nước thải, cung ứng điện, nước, chi phí thuế... Cùng với mong muốn tìm hiểu thêm về các KCN sinh thái, năng lượng tái tạo trên địa bàn Thành phố.
Trao đổi với đoàn, ông Lê Trung Kiên, Trưởng ban Heza thông tin, hiện tại Khu kinh tế Đình Vũ- Cát Hải là nơi được Chính phủ Việt Nam dành các điều kiện ưu đãi tốt nhất đối với nhà đầu tư. Tại Khu kinh tế này hình thành hạ tầng đồng bộ phục vụ đầu tư, sản xuất kinh doanh như cảng nước sâu Lạch Huyện, khu phi thuế quan, khu kho bãi…Về cảng nước sâu, đã có 2 bến đi vào hoạt động và 4 bến đang xây dựng và sẽ sớm đi vào hoạt động.
Hải Phòng có 2 Khu công nghiệp sinh thái là KCN Deep C và KCN Nam Cầu Kiền. Tại KCN Deep C, nước thải trong sản xuất trong KCN đã được xử lý và có thể sử dụng để tưới cây và đang tiếp tục nghiên cứu để xử lý nước thải này trở thành nguồn nước đủ tiêu chuẩn phục vụ sản xuất. Hải Phòng cũng đang có những dự án quan tâm tới sử dụng năng lượng tái tạo phục vụ sản xuất đang triển khai tại Bạch Long Vĩ hướng tới phát triển xanh.
“Heza hỗ trợ cho chúng tôi rất nhiều. Trong thời gian ngắn chúng tôi đã xây dựng xong nhà máy và đi vào hoạt động. Khi doanh nghiệp muốn đầu tư thì vấn đề đầu tiên họ quan tâm là nếu có thể hợp tác thì chuỗi cung ứng ngành điện tử tại Việt Nam như thế nào và nằm ở đâu. Một số khách hàng Châu Âu đã đến đây trực tiếp thảo luận cũng quan tâm về vấn đề này. Vì vậy, nếu các bạn có thể đến đây đầu tư, Pegatron cũng như các doanh nghiệp điện tử khác có thể trao đổi kỹ hơn”, ông Chen Chi Liang, Tổng giám đốc Công ty TNHH Pegatron Việt Nam chia sẻ.
Công ty TNHH Pegatron Việt Nam là một trong những nhà đầu tư Đài Loan lớn (800 triệu USD) trong KCN Deep C tại Hải Phòng. Ảnh: Quỳnh Nga |
Chia sẻ của các doanh nghiệp Đài Loan (Trung Quốc) đang đầu tư và phát triển mạnh mẽ như: Pegatron, Chilisin,…cho thấy sự quan tâm, đồng hành và hỗ trợ của TP. Hải Phòng trong việc luôn sẵn sàng chào đón các doanh nghiệp, nhà đầu tư phát triển trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, công nghệ cao…
Bên cạnh những lợi thế về cơ sở hạ tầng và chính sách đầu tư hấp dẫn, TP. Hải Phòng còn chú trọng hoạt động nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong đó nòng cốt là các trường đại học trọng điểm trên địa bàn thành phố. Hải Phòng có lợi thế, tiềm năng và nguồn nhân lực dồi dào đã sẵn sàng kết nối các doanh nghiệp, nhà đầu tư với các trường đại học, trường nghề, cơ sở đào tạo trên địa bàn thành phố để các bên có cơ hội hợp tác trong công tác nghiên cứu, đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho Thành phố.
Để đảm bảo cho người lao động an cư, lạc nghiệp, Thành phố đang xây dựng nhà ở xã hội cũng như dành quỹ đất để doanh nghiệp xây dựng khu nhà ở dành cho người lao động.
Kết luận buổi làm việc, ông Lê Trung Kiên, Trưởng ban Heza gửi lời cảm ơn tới TEEMA, các doanh nghiệp, nhà đầu tư đã duy trì kết nối, trao đổi thông tin, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư về môi trường đầu tư của Thành phố và các KCN, KKT. Heza sẽ luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, tạo điều kiện tốt nhất để doanh nghiệp Đài Loan cũng như những doanh nghiệp đến từ các quốc gia, vùng lãnh thổ, sản xuất và kinh doanh hiệu quả.
Trong tháng 10/2022 vừa qua, đoàn công tác xúc tiến đầu tư của Heza đã tổ chức thành công các hoạt động xúc tiến đầu tư tại Đài Loan (Trung Quốc), trong đó có Hội thảo xúc tiến đầu tư phối hợp cùng TEEMA, thu hút hơn 15 doanh nghiệp tham gia, mở ra nhiều cơ hội hợp tác, đầu tư giữa TP. Hải Phòng với các nhà đầu tư. Sau chương trình xúc tiến đã có doanh nghiệp đến đầu tư tại Thành phố.
Hiện các đối tác Đài Loan (Trung Quốc) có 60 dự án đầu tư trên địa bàn Hải Phòng với tổng số vốn là 1,8 tỷ USD, trong đó, có 27 dự án nằm trong các khu công nghiệp, khu kinh tế với tổng số vốn là 1,6 tỷ USD.
Các doanh nghiệp hoạt động tại Hải Phòng thuộc các lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử cho tivi, máy tính, khu công nghiệp, máy móc thiết bị, bao bì... tiêu biểu như: Công ty TNHH Pegatron Việt Nam (800 triệu USD), Công ty TNHH Universal Scientific Industrial Việt Nam (215 triệu USD), Công ty TNHH Lite On Việt Nam (89 triệu USD)... Các doanh nghiệp đã có nhiều đóng góp tích cực cho TP. Hải Phòng với tổng doanh thu đạt 2,5 tỷ USD trong năm 2022 và tạo nhiều việc làm ổn định cho người lao động với mức thu nhập bình quân đạt trên 11 triệu đồng/người/tháng.