Cùng lúc, nhà đầu tư ngoại cũng mong ngóng trở thành cổ đông để cùng phân chia những viên kim cương tiếp theo.
Nhà đầu tư chiến lược ở đâu?
Vị chủ tịch Tổng công ty Công nghiệp ô tô Việt Nam (Vinamotor) đang kỳ vọng với việc phát hành thêm và bán một phần tài sản nhà nước trong Tổng công ty, Vinamotor sẽ tìm được nhà đầu tư chiến lược lâu dài, đi cùng với quá trình phát triển của Vinamotor trong thời gian tới.
Tuy ngày chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng trên sàn Hà Nội sắp cận kề (27/3), nhưng Vinamotor vẫn chưa chốt được một nhà đầu tư chiến lược nào.
Theo vị chủ tịch này, thị trường chứng khoán chưa ổn định, chưa có nhà đầu tư chuyên nghiệp để đánh giá đúng giá trị của Vinamotor. Giá trị mà ông này nhắc đến là Vinamotor sở hữu nhiều lợi thế như bề dày thương hiệu, hoạt động kinh doanh đa dạng, có các doanh nghiệp thành viên với nhiều mảng kinh doanh khác nhau.
Trước cánh nhà báo, với vẻ mặt nhiều lo âu, ông không ngần ngại thổ lộ việc tìm đối tác chiến lược chính là điểm khó khăn của Vinamotor khi IPO lần này.
Vinamotor dự kiến sẽ bán 51 triệu cổ phần, với giá khởi điểm 10.000 đồng/cổ phiếu. Trong đó, các nhà đầu tư trong nước được mua tối đa bằng số cổ phần chào bán là 51 triệu cổ phần. Đối với nhà đầu tư nước ngoài, lượng mua tối đa là 49 triệu cổ phần.
Trong khi làn sóng IPO tập đoàn, tổng công ty nhà nước đang được ráo riết thực hiện, thì câu vì sao IPO của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) đã vài lần lỗi hẹn, lại được xới lên.
Sở dĩ phải đặt câu hỏi vì sao, bởi xét về kết quả kinh doanh, thì tăng trưởng của Vinatex luôn đạt ở mức hai con số. Năm 2013, doanh thu của Vinatex đạt hơn 45.000 tỷ đồng, tăng 12% so với năm trước, xuất khẩu đạt trên 2,9 tỷ USD, doanh thu nội địa tăng 15% so với năm 2012 và đạt gần 23.000 tỷ đồng. Trong năm 2014, các chỉ số nói trên đều được Vinatex đặt mục tiêu tăng trưởng ít nhất 12% so với năm 2013. Điều này cho thấy, Tập đoàn cũng đặt kỳ vọng vào sự kiện IPO sắp tới. Vị Tổng giám đốc Vinatex cho hay, hiện tập đoàn vẫn chờ Chính phủ phê duyệt phương án IPO. Sau khi được thông qua phương án, Vinatex mới có thể công bố đối tác chiến lược nước ngoài là ai. Ngoài tỷ lệ 51% Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối, Vinatex chỉ được phép bán ra bên ngoài 49% cổ phần, trong đó đối tác chiến lược cũng chỉ được phép nắm giữ tối đa 50% số cổ phần được bán ra bên ngoài, phần còn lại dành cho các nhà đầu tư khác.
Có lẽ đó chỉ là một trong những lý do làm chậm tiến độ IPO của tập đoàn này, ít nhất gần 3 tháng so với dự kiến từng được ấn định vào cuối năm 2013.
Nếu thể theo các tiêu chí của giới “săn mồi”, Vinatex được coi là miếng mồi ngon đối với các nhà đầu tư ngoại, tuy vậy, bản thân lãnh đạo tập đoàn này lại cảm thấy việc bán cổ phần cho đối tác ngoại khó như “mò kim đáy biển”.
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư, thời gian qua Vinatex đã làm việc với nhiều nhà đầu tư nước ngoài. Trong đó, không ít doanh nghiệp đáp ứng tiêu chí về vốn, có kinh nghiệm trong cùng lĩnh vực, nhưng hai bên chưa đi đến thống nhất được về lộ trình đầu tư dài hạn, chưa hài hòa được lợi ích cổ đông tại doanh nghiệp.
“Chúng tôi muốn chọn được đối tác có thể cùng hợp tác và quan trọng hơn là hỗ trợ tốt công tác quản trị sau IPO. Vinatex đưa ra 3 tiêu chí chọn lựa theo thứ tự ưu tiên. Thứ nhất, doanh nghiệp phải cùng ngành nghề, có trình độ quản trị tiên tiến, am hiểu thị trường. Thứ hai, có giải pháp quản trị tài chính linh hoạt và phù hợp. Thứ ba, quan tâm đến ngành dệt may, nhưng không hạn chế bởi các quy định về đầu tư của Chính phủ”, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch HĐTV Vinatex nói.
Các tiêu chí này nhằm đảm bảo rằng, khi đa sở hữu, mỗi nhà đầu tư sẽ mang đến thế mạnh của mình về quản lý công nghệ, thị trường để làm cho sự phát triển của ngành tốt lên.
Hé lộ nguồn cầu
Những ngày cuối năm 2013, Viglacera Tiên Sơn, một doanh nghiệp thành viên của Viglacera đã khánh thành Dự án Đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm gạch granite Viglacera. Điều đặc biệt hơn, trong lễ khánh thành này, có sự tham dự của trên 10 Tập đoàn lớn từ Đài Loan, Bangladesh và Thái Lan… Tuy nhiên, đáng chú ý là sự xuất hiện lần đầu tiên của người đứng đầu Tập đoàn PT Arwana Citramulia Tbk (Arwana) của Indonesia – doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng hàng đầu tại Indonesia. Đích thân ông này sang làm việc với Viglacera để mở đường cho lô hàng xuất khẩu đầu tiên năm 2014 sang Indonesia ngay tháng 1/2014.
“Chỉ riêng hợp đồng nguyên tắc Viglacera đã ký với PT Arwana Citramulia Tbk từ giữa năm 2013 đối với sản phẩm gạch ốp lát, trị giá 8 triệu USD/năm đã đủ để Viglacera không quá lo về đầu ra trong năm 2014”, ông Tuấn nói.
Song điều đáng nói là, trong khi mọi người đang hướng về một tập đoàn đến từ Nhật Bản, thì PT Arwana Citramulia Tbk có nhiều khả năng trở thành cổ đông chiến lược của Viglacera.
Cần phải nhắc lại là, trong đợt IPO mở hàng hồi tháng 2/2014 tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), kết quả đăng ký mua cổ phần IPO của Viglacera là khá thất vọng, khi số lượng cổ phần đăng ký mua chỉ đạt gần 19,5 triệu cổ phiếu trên tổng số 76,95 triệu cổ phần chào bán (25,3%). Trong đó, riêng nhà đầu tư nước ngoài đã mua vào 10,1 triệu cổ phần (chiếm 52%).
Mục tiêu là Viglacera sẽ giảm mức sở hữu của Nhà nước từ 75% hiện nay xuống dưới 51%, vì vậy, tổng công ty này phải đẩy mạnh việc bán cổ phần. Hiện Viglacrea đang đàm phán với đối tác là một công ty tài chính Nhật Bản. Dự kiến việc đàm phán sẽ hoàn tất trong năm nay.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Luyện Công Minh, Chủ tịch HĐTV Viglacera cho biết, Viglacra sẽ bán cổ phần từ 10-20% cho đối tác nước ngoài, và sẽ có 3 nhà đầu tư được mua cổ phần.
“Các đối tác ngoại sẽ giúp Viglacera tăng chất lượng sản phẩm, tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu sang các thị trường khác, cũng như hỗ trợ tiêu thụ trong nước”, ông Minh nói.
Ngày 21/3 tới, Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 1 (Cienco1) – đơn vị xây lắp có quy mô lớn nhất trong lĩnh vực xây dựng cầu đường cũng vừa thông báo, sẽ hoàn thành việc cổ phần hóa trong quý I/2014. Ngoài việc được sớm phê duyệt phương án cổ phần hóa, điều khiến Cienco1 tự tin hơn cả là, thống nhất được tỷ lệ cổ phần nắm giữ, mức giá đối với ba cổ đông chiến lược, trong đó có Công ty Hassyu (Nhật Bản) với tỷ lệ cổ phần chiếm 11% (tương đương 7,7 triệu cổ phiếu)
Theo ông Phạm Dũng, Chủ tịch HĐTV Cienco1, việc lựa chọn được cổ đông chiến lược có tiềm lực phù hợp với định hướng phát triển của Cienco1 có ý nghĩa quyết định trong việc cổ phần hóa.
Trong CPH các tổng công ty giao thông, thì đây là trường hợp hiếm, khi thu hút được các nhà đầu tư ngoại. Nhưng điều này cũng dễ hiểu, khi Cienco1 đưa ra các tiêu chí phù hợp với Hassyu. Trong đó, quan trọng nhất là, Hassyu cùng hoạt động trong lĩnh vực và họ là nhà cung cấp các thiết bị thi công công trình có vị thế ở châu Á, với kỹ năng quản lý tiên tiến.
Đãi cát… chờ kim cương
Theo quan sát thì hầu hết các công ty cổ phần hóa đều có sức hấp dẫn nhất định, sức hấp dẫn sẽ còn tăng lên nếu doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực có nhiều tiềm năng phát triển.
Việc các tập đoàn, tổng công ty khó khăn khi tìm kiếm một nhà đầu tư chiến lược nước ngoài là do doanh nghiệp được CPH còn mâu thuẫn về các tiêu chí, hoặc các tiêu chí đó không phù hợp với đối tác.
Theo ông Andy Ho, Giám đốc điều hành Tập đoàn VinaCapital, để không bị chậm trễ, hai bên có thể thực hiện một số giải pháp sau.
Thứ nhất, tìm đến một vài nhà tư vấn chiến lược để được giúp họ hiểu lý do tại sao dẫn đến sự mâu thuẫn đó. Hai bên cần phải đặt ra nhiều câu hỏi và nhận được sự trả lời. Chẳng hạn: điều gì sẽ là cổ đông chiến lược nước ngoài nhận được từ khoản đầu tư này và mối quan hệ sẽ đi đến đâu? Những gì các công ty cổ phần hóa và các cổ đông sẽ nhận được? Như thế nào là đầu tư của các cổ đông chiến lược liên quan đến chiến lược dài hạn của công ty?
“Theo kinh nghiệm của tôi, một công ty tốt của Việt Nam với một chiến lược hợp lý để mời một trong các nhà đầu tư chiến lược, thường không gặp khó khăn khi tìm kiếm một nhà đầu tư chiến lược”, ông Andy Ho khẳng định.
Theo ông Ho, định giá thường là một thách thức đối với hầu hết cổ phần hóa. “Tôi đề nghị trong việc xác định giá trị thích hợp cho giá khởi điểm, các doanh nghiệp nhà nước tham khảo ý kiến với các nhà đầu tư tiềm năng. Nhiều lần họ không yêu cầu các nhà đầu tư tiềm năng và như vậy, không biết những gì các nhà đầu tư tiềm năng sẵn sàng trả. Hơn nữa, họ cũng nên tham khảo ý kiến với các nhà đầu tư tiềm năng về cấu trúc doanh nghiệp và quản trị của doanh nghiệp sau khi cổ phần hóa, ông Andy Ho bày tỏ quan điểm.
Như vậy, rõ ràng các nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm đến hoạt động cổ phần hóa DNNN và việc thúc ép tiến trình CPH một cách quyết liệt luôn là tín hiệu tốt đối với nhà đầu tư.
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, cần tính toán kỹ theo đặc thù, bối cảnh hoạt động của từng doanh nghiệp trong danh sách CPH từ nay đến năm 2015. Bởi, nếu doanh nghiệp bị ép quá sẽ dẫn đến việc chọn cổ đông chiến lược cho xong, khiến việc CPH không hiệu quả, thất thoát tài sản nhà nước.