Doanh nghiệp chủ động “3 tại chỗ”

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Không chỉ những doanh nghiệp trong tâm dịch mà nhiều doanh nghiệp ở vùng an toàn đã thực hiện “3 tại chỗ” để đảm bảo chuỗi sản xuất không bị đứt gãy.
Dù không nằm trong khu vực phải thực hiện Chỉ thị 16, nhưng để an toàn cho sản xuất, BSR đã áp dụng phương thức “3 tại chỗ” gần 1 tháng nay. Dù không nằm trong khu vực phải thực hiện Chỉ thị 16, nhưng để an toàn cho sản xuất, BSR đã áp dụng phương thức “3 tại chỗ” gần 1 tháng nay.

Ông Lê Thanh Liêm, Giám đốc tài chính Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (mã VNM) cho biết, để duy trì sản xuất liên tục, VNM không áp dụng phương thức “ăn, ngủ, nghỉ tại nhà máy”, nhưng thuê nguyên một số khách sạn gần đó làm nơi ăn nghỉ cho người lao động. Sau giờ làm việc, các nhân sự được ô tô đưa đón về khách sạn, sáng hôm sau lại lên xe đến nhà máy làm việc.

Nhân viên lái xe và phục vụ của các khách sạn này cũng không về nhà, mà ở 24/24 giờ tại nơi làm việc.

Trong chỉ thị mới nhất của chính quyền TP.HCM, các doanh nghiệp sản xuất chỉ được hoạt động khi tuân thủ nghiêm nguyên tắc "3 tại chỗ" (sản xuất tại chỗ - ăn tại chỗ - nghỉ ngơi tại chỗ) và "một cung đường, hai điểm đến" (chỉ duy nhất tuyến đường từ nơi sản xuất đến nơi ở). Doanh nghiệp vi phạm sẽ bị dừng hoạt động, xử lý nghiêm.

Cũng với quyết tâm không để đứt gãy chuỗi sản xuất, dù bất kể hoàn cảnh nào cũng duy trì nhà máy hoạt động, ông Bùi Minh Tiến, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (mã BSR) cho biết, Quảng Ngãi không thuộc địa phương thực hiện Chỉ thị 16 nhưng BSR đã triển khai việc ăn ngủ tại chỗ cho người lao động trong gần 1 tháng qua.

Với đặc thù nhà máy có diện tích rộng nên Công ty có thể bố trí luôn phòng làm việc thành phòng ở, trang bị chăn đệm cho cán bộ, nhân viên.

Công ty đã lên các kịch bản để sẵn sàng ứng phó như tình huống nhà máy có các ca F0, F1… Thậm chí, BSR còn bố trí sẵn cả khu vực để phòng trường hợp xuất hiện F0, F1 trong nhà máy thì F1 sẽ cách ly tại chỗ, không phải cách ly ở ngoài.

Ngoài tổ chức đội nhóm ăn nghỉ luôn tại nơi làm việc, còn một đội nhóm khác được bố trí ở khu nhà tập thể của BSR ở cách trụ sở không xa. Khu nhà ở tập thể này cũng áp dụng các chế độ nghiêm ngặt như thường xuyên phun khử khuẩn, không tiếp xúc với người ngoài, để đảm bảo an toàn cho môi trường chung.

Ông Tiến cho biết, nếu không có cơ sở vật chất phù hợp, Công ty cũng tính chuyện thuê bao nguyên cả khách sạn để làm nơi ở cho cán bộ nhân viên. Thời điểm này, doanh nghiệp phải chấp nhận tốn kém chi phí nhưng đảm bảo liên tục chuỗi sản xuất là điều kiện quan trọng.

Với các doanh nghiệp xây dưng, việc áp dụng điều kiện “3 tại chỗ” là rất khó khăn vì điều kiện công trường lại thêm chi phí xét nghiệm định kỳ.

Chưa kể, nếu đủ điều kiện thì vận hành công trường cũng là vấn đề khi việc vận chuyển nguyên vật liệu khó khăn khi thực phẩm thiết bị vật tư y tế mới được coi là hàng hóa thiết yếu trong thời điểm chống dịch nên phần lớn là dừng hoạt động thi công ở công trường.

Đại dịch cũng khiến các doanh nghiệp đầu tư dự án năng lượng tái tạo suốt ruột như ngồi trên đống lửa.

Người lao động tại BSR tập thể dục, nâng cao sức khỏe trong khuôn viên rộng rãi của nhà máy.

Người lao động tại BSR tập thể dục, nâng cao sức khỏe trong khuôn viên rộng rãi của nhà máy.

Ông Đặng Trung Kiên, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Thành Group (mã TEG) cho biết, Công ty đang thi công nước rút cho dự án điện gió tại Trà Vinh. Theo quy định, ngày 31/10/2021 là thời điểm cuối cùng để các nhà máy điện gió phát điện thương mại mới được hưởng cơ chế giá bán điện ưu đãi (FIT) nên các doanh nghiệp khá căng thẳng.

Có 3 vấn đề mà các doanh nghiệp điện tái tạo đang gặp phải. Thứ nhất là giãn cách xã hội khiến các nhà đầu tư gặp nhiều khó khăn trong tổ chức nhân lực cho thi công. Với đặc thù thi công trên biển như dự án của TEG, hiện phải bố trí 3 ca luân phiên làm việc trong 24 giờ. Máy móc thiết bị gặp khó khăn trong vận chuyển.

Thứ hai là các chuyên gia nước ngoài vào Việt Nam đã thực hiện cách ly 21 ngày tại TP HCM, nay đến Trà Vinh lại tiếp tục phải cách ly theo quy định 21 ngày, có ảnh hưởng rất lớn với họ.

Mặt khác, nhiều chuyên gia nước ngoài đã hết hạn visa 3 tháng làm việc tại Việt Nam, nay nếu họ về nước và sang lại thì mất nhiều thời gian cho việc cách ly, đi lại.

Nếu họ ở lại thì nhà thầu và doanh nghiệp phải ký hợp đồng lao động với họ và thực hiện nhiều nghĩa vụ khác rất phức tạp. Các doanh nghiệp đang mong Bộ Công An hỗ trợ cho phép chuyên gia nước ngoài đang làm việc tại các dự án được gia hạn visa.

Thứ ba là các cán bộ của Trung tâm Điều độ điện lực quốc gia khó có thể đến dự án để nghiệm thu các hạng mục hoàn thành theo tiến độ do các địa phương hạn chế đi lại.

Những khó khăn trên các khiến các doanh nghiệp phải chạy hết tốc lực để đạt tiến độ kịp giá FIT. Nếu không kịp tiến độ đã đề ra, phương án tài chính của các doanh nghiệp có nguy cơ bị đổ bể.

Ông Kiên cho hay, Trường Thành đã đẩy tiến độ vượt 20 ngày so với dự kiến, tức là lên kế hoạch phát điện thương mại vào giữa tháng 10. Dù vậy, đến giờ, Công ty vẫn đang phải nỗ lực sát sao mới mong dự án kịp về đích trước thời điểm cuối tháng 10.

“Thực sự, chúng tôi rất căng thẳng, chính quyền địa phương như tỉnh Trà Vinh đã liên tục tháo gỡ cho những khó khăn phát sinh trên địa bàn nhưng vẫn có những việc ngoài tầm với của họ, phải có sự vào cuộc của các bộ ngành, doanh nghiệp mới có thể gỡ được nút thắt”, ông Kiên cho biết.

Hương Anh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục