Hàng chục tỷ đồng mỗi ngày
Số tiền các doanh nghiệp chi cho quảng cáo phần nào thể hiện vị thế của doanh nghiệp đó trong ngành. Xét về đặc thù lĩnh vực, ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) là lĩnh vực mà quảng cáo, tiếp thị có vai trò tối quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp tới doanh thu, lợi nhuận của công ty. Trong số đó, CTCP Sữa Việt Nam - Vinamilk hiện vẫn đang là doanh nghiệp có mức chi lớn nhất cho quảng cáo.
Trong 6 tháng đầu năm, Vinamilk đã dành 5.494 tỷ đồng cho chi phí bán hàng, trong đó chi phí quảng cáo, nghiên cứu thị trường, khuyến mại, trưng bày, giới thiệu sản phẩm… chiếm 4.557 tỷ đồng, tương ứng 82%.
Trung bình mỗi ngày, Vinamilk đã chi hơn 25 tỷ đồng chỉ riêng cho quảng cáo bán hàng, cao hơn so với mức thực hiện cùng kỳ năm 2017.
Trước đó, trong năm 2016 và 2017, chi phí bán hàng của Vinamilk đều trên 10.000 tỷ đồng. Đều này thể hiện doanh nghiệp dẫn đầu thị phần ngành sữa rất chú trọng tới việc quảng bá thương hiệu.
Không ít chuyên gia nhận định, nhờ mạnh tay chi tiền giúp hình ảnh các sản phẩm của Vinamilk tràn ngập truyền thông và ghi dấu sâu đậm trong tâm trí người tiêu dùng nên vị trí đầu ngành của doanh nghiệp sữa này vẫn chưa ai có thể đánh bật.
Tại Tổng công ty Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), doanh nghiệp bia đang chiếm thị phần lớn nhất thị trường bia Việt Nam, 6 tháng đầu năm, Tổng công ty cũng chi ra 1.170 tỷ đồng chi phí bán hàng.
Trong đó, 388,2 tỷ đồng là chi phí quảng cáo khuyến mãi. Năm 2017, chi phí quảng cáo của Sabeco đạt hơn 1.221 tỷ đồng, tương đương hơn 3,3 tỷ đồng quảng cáo mỗi ngày.
Tổng CTCP Bia – Rượu – Nước giải khát Hà Nội (Habeco - mã BHN) tuy chi tiêu cho quảng bá thương hiệu sản phẩm ít hơn Sabeco, nhưng số tiền bỏ ra mỗi ngày cho hoạt động này cũng lên tới khoảng gần 2 tỷ đồng.
Dù vậy, nhiều đơn vị nghiên cứu đánh giá, khả năng làm thương hiệu của hãng bia này là điểm yếu, bởi dòng sản phẩm cao cấp là Bia Trúc Bạch không tạo được sức ảnh hưởng lớn so với các đối thủ cùng phân khúc, trong khi các sản phẩm bia khác lại bị định vị ở phân khúc bình dân.
Một doanh nghiệp đình đám không kém trong lĩnh vực hàng tiêu dùng là CTCP Hàng tiêu dùng Masan - Masan Consumer có chi phí bán hàng mỗi năm gần 3.000 tỷ đồng.
Năm 2017, chi phí bán hàng của Masan Consumer là 3.013 tỷ đồng; trong đó, chi phí quảng cáo và khuyến mại, chi phí trưng bày nghiên cứu thị trường chiếm 2.195 tỷ đồng, tương ứng hơn 6 tỷ đồng mỗi ngày.
Chi phí bán hàng của các doanh nghiệp tiêu dùng lớn (tỷ đồng).
Sự cạnh tranh ngày càng mạnh mẽ của các công ty cùng ngành, đặc biệt là sự xâm lấn của hàng loạt sản phẩm ngoại khiến các doanh nghiệp nội địa càng phải nỗ lực hơn nữa trong việc tạo dấu ấn với người tiêu dùng, không chỉ thông qua quảng cáo trên các phương tiện truyền thông, mà còn thông qua các chiến dịch quảng bá, khuyến mãi rầm rộ.
Thậm chí, nhiều doanh nghiệp quy mô nhỏ hơn vẫn chấp nhận bỏ ra chi phí lớn hơn, mặc dù kết quả mang về có thể không tương ứng.
Thực tế cho thấy, chi phí bán hàng tại các doanh nghiệp kinh doanh hàng tiêu dùng thường chiếm tới 40 - 50% lợi nhuận gộp đạt được.
Theo công ty nghiên cứu thị trường Kantar Worldpanel, ước tính đến cuối năm 2018, sẽ có khoảng 68.000 tỷ đồng, tương ứng gần 3 tỷ USD mà các doanh nghiệp Việt bỏ ra để dành cho quảng cáo truyền thông.
Việc đầu tư ngân sách để chạy các chương trình lớn trên truyền hình, thực hiện các chiến dịch truyền thông mang lại hiệu quả rõ rệt, mà minh chứng là việc Vinamilk hay Masan Consumer luôn nằm trong Top 3 nhà sản xuất sở hữu các thương hiệu được chọn mua nhiều nhất ở cả thành thị và nông thôn Việt Nam trong suốt 6 năm qua, bên cạnh ông lớn Unilever.
Chú trọng nhiều hơn tới CSR
Bên cạnh việc chi tiêu cho quảng cáo, truyền thông, tiếp thị, các doanh nghiệp lớn giờ đây bắt đầu hướng nhiều hơn đến sự phát triển bền vững, phát triển xanh, phần lớn thông qua những hoạt động đóng góp cho xã hội.
Thói quen của người tiêu dùng cũng đã thay đổi, khi hướng nhiều hơn đến những sản phẩm chất lượng cao, có lợi cho sức khoẻ với nguồn gốc tự nhiên, an toàn, đi kèm đó là niềm tin vào những doanh nghiệp vì cộng đồng.
Trước đây, doanh nghiệp Việt chưa chú trọng đến hoạt động này, song thời gian gần đây, số lượng doanh nghiệp hướng tới trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (CSR) ngày càng gia tăng cho thấy nhận thức trong giới kinh doanh đang dần thay đổi.
Tiêu biểu, các chương trình tri ân, vì xã hội của các doanh nghiệp lớn như Vinamilk, Vingroup, Bảo Việt… đang tạo nên ấn tượng đẹp về thương hiệu tốt và bền vững trong tâm trí khách hàng.
Mặc dù đây cũng là một loại chi phí, song khi gắn kết được CSR vào chiến lược phát triển của doanh nghiệp, điều này sẽ trở thành chìa khoá để hướng tới hình ảnh sản phẩm thương hiệu được người tiêu dùng tín nhiệm, có giá trị và lợi ích đối với cộng đồng, đi kèm với đó là tạo dựng danh tiếng và nâng tầm cạnh tranh cho doanh nghiệp.