Giảm lãi suất phải thực chất
Mới đây, Công ty cổ phần thủy sản S. vừa từ chối việc giảm lãi suất của ngân hàng B. gây xôn xao dư luận. Trước đó, nhiều Hiệp hội ngành hàng cũng cho rằng, ngân hàng giảm lãi suất chưa đáng kể.
Trao đổi với báo chí xung quanh câu chuyện trên, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú khẳng định, NHNN sẽ giám sát việc giảm lãi suất của các ngân hàng có thực chất không, số lượng giảm như thế nào, có thực hiện theo cam kết không.
Theo Phó Thống đốc, trong bối cảnh dịch Covid 19 đang diễn ra gay gắt diễn ra trên diện rộng tại 42 tỉnh, thành phố, doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn. Do đó, bên cạnh giải pháp cơ cấu kỳ hạn trả nợ, không chuyển nhóm nợ theo Thông tư 03/2021/TT-NHNN, thời gian qua, NHNN cũng kêu gọi các ngân hàng thương mại giảm lãi vay hỗ trợ doanh nghiệp.
“Thời gian qua, các ngân hàng đã tích cực giảm lãi trực tiếp, gián tiếp cho cả khoản vay cũ, mới. Thống kê sơ bộ kể từ khi dịch bùng phát năm 2020 đến nay, tổng số chi phí giảm lãi cho DN, nền kinh tế của các TCTD khoảng 18.830 tỷ đồng. Song, như đã nói ở trên, nền kinh tế đang đối mặt nhiều khó khăn trước tình trạng dịch căng thẳng nên nhiệm vụ đặt ra giảm lãi suất cho DN là rất căn cơ, thiết thực. Chính vì thế, NHNN đã chỉ đạo các NHTM trên tinh thần chia sẻ trách nhiệm đồng hành cùng DN giảm tích cực hơn nữa lãi suất cho DN bằng 2 cách. Một là, tiết giảm chi phí hoạt động. Hai là, chia sẻ từ nguồn lợi nhuận”, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết.
Trên tinh thần chỉ đạo của NHNN, mới đây, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam kêu gọi 16 NHTM có quy mô lớn thống nhất đồng thuận cam kết giảm thêm khoảng 20.300 tỷ đồng lãi suất cho vay.
“Con số chi phí hỗ trợ thực tế tuỳ thuộc quy mô mỗi ngân hàng và từng đối tượng khách hàng. Đối tượng khách hàng nào khó khăn nhiều, giảm lãi suất nhiều, đối tượng nào ít thì giảm ít. Nhưng quan điểm của NHNN đối với việc giảm lãi suất lần này rất quyết liệt, đảm bảo phải làm thật. Theo đó, từ nay đến cuối năm, bên cạnh yêu cầu các ngân hàng báo cáo thường xuyên kết quả, NHNN sẽ giám sát việc giảm lãi suất của các ngân hàng có thực chất không, số lượng giảm như thế nào, có thực hiện theo cam kết không. Việc triển khai quyết liệt giảm lãi suất thể hiện trách nhiệm cao đối với xã hội và thực hiện tinh thần của Thủ tướng Chính phủ trước sự cấp bách của nền kinh tế nói chung, DN nói riêng”, Phó Thống đốc khẳng định.
Trong số các ngân hàng thương mại, 4 ngân hàng thương mại nhà nước (VietinBank, Agribank, BIDV, Vietcombank) mỗi ngân hàng đã cam kết và sẵn sàng dành thêm 1.000 tỷ đồng để giảm lãi suất cho vay đối với các DN, người dân tại các địa phương bị ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch cũng như các tỉnh, thành phải thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ như TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương…
Bên cạnh giảm lãi suất, NHNN cũng đã và đang chỉ đạo các tổ chức tín dụng triển khai giảm các loại phí thanh toán, chuyển tiền, dịch vụ tiền tệ tín dụng khác cho DN. Ước tính tổng số phí mà các tổ chức tín dụng giảm cho khách hàng trong thời gian vừa qua khoảng 1.100 tỷ đồng.
Trước phản ánh của doanh nghiệp, nhiều ngân hàng thương mại cũng cho rằng, ngân hàng muốn có vốn hoạt động phải trả lãi tiết kiệm cho người gửi tiền nên không thể giảm lãi suất cho tất cả doanh nghiệp, nếu không sẽ thua lỗ.
Sẽ điều chỉnh Thông tư 03 về cơ cấu nợ
Dịch Covid 19 xảy ra, NHNN đã rất kịp thời ban hành Thông tư 01/2020/TT-NHNN và sau đó gia hạn bằng Thông tư 03/2021/TT-NHNN. Hai thông tư này cho phép các ngân hàng cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ cho khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Phó Thống đốc cho hay, nếu chỉ tính riêng khoản nợ đã được các TCTD thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, miễn, giảm, hạ lãi suất cho vay khoảng gần 800 nghìn khách hàng với dư nợ gần 2 triệu tỷ đồng.
Tuy nhiên, thời gian qua, rất nhiều DN cho hay không được ngân hàng cơ cấu nợ, giãn nợ hoặc nếu giãn cũng chỉ 3-4 tháng trong khi từ giờ đến hết năm, doanh nghiệp vẫn chưa thể có doanh thu, chưa có nguồn trả nợ.
Về vấn đề này, Phó Thống đốc Đào Minh Tú thừa nhận, mặc dù giải pháp cơ cấu nợ, giảm lãi suất đã phát huy hiệu quả song nền kinh tế đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, rủi ro phát sinh từ dịch bệnh diễn biến phức tạp. Trước thực trạng này, trong thời gian tới, NHNN điều chỉnh Thông tư 01, Thông tư 03 theo hướng rõ ràng hơn cả về thời điểm được cơ cấu cũng như kéo dài thời hạn được phép cơ cấu các khoản nợ cho các DN. Chính sách mới phù hợp với thực trạng, từng đối tượng, loại hình, ngành nghề DN khác nhau để đưa ra mức độ cơ cấu phù hợp.
“Khi điều chỉnh chính sách này, NHNN muốn tính đến câu chuyện dài hơi hơn, không chỉ giảm bớt khó khăn trước mắt cho DN trong thời điểm giãn cách. Mà cả khi kết thúc giãn cách, DN có điều kiện để nhanh chóng phục hồi cùng với nền kinh tế. Chính vì thế, NHNN sẽ sửa lại hoặc ban hành Thông tư mới thay thế nhằm tạo sự rõ ràng, chủ động hơn, đồng thời khẳng định sự quyết liệt hỗ trợ DN, nền kinh tế của ngành Ngân hàng trong thời gian tới”.
Mặc dù vậy, Phó Thống đốc cho biết, việc kéo dài cơ cấu nợ dù tháo gỡ khó khăn cho DN nhưng sẽ gây áp lực đến nguồn lực tài chính của các NHTM. Do vậy, thời gian tới, những văn bản tháo gỡ khó khăn thông qua cơ cấu, tỷ lệ trích lập dự phòng… phải phù hợp đảm bảo hài hoà lợi ích chia sẻ khó khăn cho DN nhưng cũng không để cho các NHTM bị giảm sút năng lực tài chính. Từ đó, không ảnh hưởng đến sự ổn định của từng TCTD cũng như hệ thống ngân hàng trong tương lai cả ngắn hạn và trung hạn.