Lãi suất cho vay bắt đầu giảm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sau thống nhất phương thức và thời gian thực hiện việc giảm lãi suất cho vay đối với các khoản vay hiện hữu trong 5 tháng cuối năm 2021, nhiều ngân hàng bắt đầu giảm lãi suất cho vay để chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp đang phải đối mặt với làn sóng Covid-19 thứ 4.
Lãi suất cho vay bắt đầu giảm

Đồng hành cùng khách hàng trong tình hình khó khăn vì dịch Covid - 19, lãnh đạo ACB cho biết, Ngân hàng sẽ giảm lãi suất cho các khách hàng hiện hữu với mức tối đa 0,8%/năm cho khoản vay ngắn hạn và 1%/năm cho khoản vay trung dài hạn.

ACB sẽ xem xét điều chỉnh lãi suất cho khách hàng cá nhân và doanh nghiệp có hợp đồng vay và tại thời điểm đến hạn thay đổi lãi suất trong khoảng thời gian 15/7 – 15/10/2021.

Đồng thời, ACB sẽ xét đến mức độ dịch bệnh tác động đến tình hình kinh doanh (doanh thu, lợi nhuận, số lượng lao động,…) của các doanh nghiệp, thu nhập của khách hàng cá nhân và mức độ gắn kết của khách hàng với ACB để có mức giảm lãi suất phù hợp cho cá nhân và doanh nghiệp đang vay tại ACB.

Cùng với chính sách xem xét giảm lãi suất cho vay, ACB còn đồng thời triển khai thêm gói vay ưu đãi 10.000 tỷ đồng với mức lãi suất tối thiểu 6%/năm cho khách hàng doanh nghiệp và 7%/năm cho khách hàng cá nhân từ nay đến 31/10/2021.

Gói vay ưu đãi này được ACB đưa ra với mục tiêu giúp khách hàng có thể sử dụng những giải pháp tài chính như một nguồn lực giúp khách hàng phục hồi kinh doanh và nguồn thu để trả nợ vay.

Tương tự, LienVietPostBank cũng dự kiến triển khai gói tín dụng ưu đãi, với tổng dư nợ tín dụng khoảng 191.000 tỷ đồng, nếu giảm lãi suất bình quân 1 điểm phần trăm/năm, nhà băng này sẽ giảm lợi nhuận khoảng 600 tỷ đồng.

Sacombank cũng giảm lãi suất cho vay, với mức giảm lãi suất 1%/năm cho các khách hàng doanh nghiệp và cá nhân đang có khoản vay tại Ngân hàng thuộc các ngành nghề chịu tác động trực tiếp của dịch bệnh Covid-19 như du lịch, lữ hành, vận tải, nhà hàng - khách sạn - nghỉ dưỡng, giáo dục, y tế…, đồng thời tiếp tục ưu đãi/miễn phí dịch vụ, cơ cấu nợ và điều chỉnh giảm khung lãi suất cho vay.

Ngoài ra, nhà băng này đang triển khai nguồn vốn ưu đãi trị giá đến 10.000 tỷ đồng với lãi suất từ 4%/năm, thời hạn vay tối đa 6 tháng dành cho doanh nghiệp xuất khẩu cũng như hỗ trợ các doanh nghiệp khắc phục khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Nguồn vốn ưu đãi được áp dụng từ nay đến hết ngày 31/12/2021 hoặc khi hết nguồn tùy điều kiện nào đến trước. Sắp tới, Sacombank tiếp tục đưa ra các gói ưu đãi khác để tăng cường hơn nữa giải pháp thiết thực đồng hành cùng khách hàng.

Lãnh đạo Sacombank cho rằng, với tổng dư nợ của hệ thống hiện khoảng 350.000 tỷ đồng, nếu lãi suất giảm 1% trong 5-6 tháng, lợi nhuận của ngân hàng giảm trên 1.000 tỷ đồng, tương đương 40% lợi nhuận theo kế hoạch Ngân hàng đưa ra năm nay. Tuy nhiên, các nhà băng cũng đồng thuận với việc giảm thêm lãi suất cho vay.

Trước đó, ngày 12/7/2021, Hiệp hội Ngân hàng đã tổ chức cuộc họp với các tổ chức tín dụng là hội viên để trao đổi, thống nhất phương thức và thời gian thực hiện việc giảm lãi suất cho vay đối với các khoản vay hiện hữu trong 5 tháng cuối năm 2021. Thời hạn thực hiện giảm lãi suất là trong tháng 7 cho đến hết năm 2021.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, đại dịch Covid-19 đang có những tác động tiêu cực tới nền kinh tế nói chung và hoạt động của các doanh nghiệp nói riêng.

Vì vậy, theo ông Hùng, sau quá trình thảo luận, hầu hết các ngân hàng đã thống nhất việc giảm lãi suất sẽ hướng đến các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Tùy theo đối tượng bị ảnh hưởng, các ngân hàng sẽ có mức giảm lãi suất phù hợp.

Vân Linh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục