Lợi nhuận phập phù theo giá lợn hơi
Sau khi tăng mạnh lên mức 64.000 - 65.000 đồng/kg vào hồi đầu tháng 7, giá lợn hơi đã giảm xuống 54.000 - 55.000 đồng/kg vào cuối quý III/2023. Đến cuối tháng 10, giá lợn hơi tiếp tục đi xuống, tại một số địa phương chỉ còn 47.000 - 50.000 đồng/kg.
Giá thịt lợn đi xuống khiến phần lớn các doanh nghiệp trong ngành chăn nuôi ghi nhận kết quả kinh doanh quý III ảm đạm.
Cộng thêm việc cắt giảm hoạt động kinh doanh thương mại nông sản theo lộ trình để tập trung nguồn lực vào hoạt động chăn nuôi khép kín, trong quý vừa qua, Công ty cổ phần Nông nghiệp BAF Việt Nam (mã BAF) ghi nhận doanh thu thuần 1.219 tỷ đồng, giảm 36% so với cùng kỳ. Lãi ròng của doanh nghiệp suy giảm mạnh hơn, chỉ đạt 39 tỷ đồng, tức giảm 75% so với cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng đầu năm nay, BAF ghi nhận 3.625 tỷ đồng doanh thu thuần, 51 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt giảm 26% và 82% so với cùng kỳ.
Sau khi lãi lớn trong quý II (với 327 tỷ đồng), Công ty cổ phần Tập đoàn Dabaco Việt Nam (mã DBC) chỉ còn lãi xấp xỉ 12,5 tỷ đồng trong quý III/2023, giảm 94% so với cùng kỳ, trong khi doanh thu thuần giảm 24%, về 2.709 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp của Công ty giảm từ 13,6% trong quý III/2022 xuống còn 10,4% trong quý III vừa qua, do chi phí thức ăn chăn nuôi duy trì ở mức cao. Bên cạnh đó, năm nay, Dabaco không ghi nhận một phần doanh thu và lợi nhuận từ bất động sản như cùng kỳ.
Luỹ kế 9 tháng đầu năm 2023, lợi nhuận sau thuế của Dabaco là 18,6 tỷ đồng, giảm 92% so với cùng kỳ, trong khi doanh thu thuần đạt 8.496 tỷ đồng, giảm 9%.
Doanh nghiệp cùng ngành là Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (mã HAG) ghi nhận tốc độ tăng trưởng doanh thu quý III/2023 lên tới 31%, với 1.889,3 tỷ đồng, song doanh thu bán lợn chỉ đạt 491,3 tỷ đồng, giảm 9% so với cùng kỳ. Do các chi phí đồng loạt tăng và không còn được hoàn nhập chi phí quản lý, lãi sau thuế quý III của công ty này là 320 tỷ đồng, giảm 11% so với cùng kỳ.
Sau 3 quý đầu năm, Hoàng Anh Gia Lai mang về 5.034,2 tỷ đồng doanh thu thuần, 702,2 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 45% về doanh thu nhưng giảm 21% về lợi nhuận so với cùng kỳ.
Kỳ vọng nhu cầu và giá bán cải thiện về cuối năm
Sau khi lãi lớn trong quý II, Công ty cổ phần Tập đoàn Dabaco Việt Nam (mã DBC) chỉ còn lãi xấp xỉ 12,5 tỷ đồng trong quý III/2023, giảm 94% so với cùng kỳ.
Công ty Chứng khoán Ngân hàng Vietcombank (VCBS) mới đây đưa ra dự báo, giá thịt lợn sẽ duy trì ở mức thấp trước khi tăng nhẹ trở lại vào đầu năm 2024. Tết Nguyên đán thường là thời điểm nhu cầu tiêu thụ thịt lợn mạnh nhất trong năm, nhưng Tết Nguyên đán năm nay đến muộn, nên nhu cầu thịt lợn có khả năng sẽ tăng rõ rệt hơn ở tháng 1/2024. Hiện nhu cầu thịt lợn có dấu hiệu tăng, nhưng không rõ ràng.
Còn theo dự báo của ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, dịp cuối năm, nhu cầu thịt lợn, gia cầm sẽ tăng, nhưng nhiều khả năng không tăng đột biến. Dù vậy, vấn đề đe dọa không nhỏ đến nguồn cung thịt lợn trong nước vẫn là sự bùng phát của dịch tả lợn châu Phi. Thời gian qua, giá lợn hơi giảm, trong khi dịch bệnh gia tăng khiến hộ chăn nuôi nhỏ lẻ hạn chế tái đàn. Trong khi đó, cận kề thời điểm cuối năm, thời tiết diễn biến phức tạp cũng mang lại rủi ro cho chăn nuôi.
Chưa kể, người nuôi còn phải cạnh tranh với lợn nhập lậu từ Campuchia, Thái Lan và nhiều quốc gia khác với giá rẻ hơn (chỉ khoảng 40.000 đồng/kg) vẫn đang tràn vào Việt Nam.
VCBS cho rằng, đợt dịch mới có thể làm thiếu hụt một lượng nhỏ nguồn cung lợn trong dịp cuối năm, nhưng sẽ không tác động nhiều đến giá bán do các doanh nghiệp lớn duy trì đàn tốt. Các doanh nghiệp vẫn có ưu thế do quy trình sản xuất khép kín, chi phí chăn nuôi thấp hơn các cơ sở nhỏ lẻ, cơ chế phòng chống dịch bệnh cũng tốt hơn.
Theo ước tính của VCBS, sản lượng lợn bán ra trong năm 2023 của BAF đạt khoảng 370.380 con, đem về doanh thu thuần và lợi nhuận gộp lần lượt là 2.787 tỷ đồng và 268 tỷ đồng. Năm 2024, nếu doanh nghiệp hoàn thành kế hoạch mở rộng trang trại, dự phóng sản lượng lợn bán ra sẽ đạt 676.380 con.
Trong quý III/2023, BAF đã khánh thành Nhà máy Cám Nghệ An, nâng số nhà máy cám đang sở hữu lên con số 3, với tổng công suất 440.000 tấn/năm, đảm bảo cho doanh nghiệp chủ động được 100% nguồn thức ăn chăn nuôi. VCBS dự phóng, doanh thu thuần năm nay của BAF đạt 7.090 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ; lãi ròng giảm một nửa, về 700 tỷ đồng. Tình hình sẽ được cải thiện vào năm 2024 khi doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế có thể tăng lần lượt 16% và 166% so với năm nay.
Với Dabaco, dự án trang trại lợn ở Thanh Hoá đã giải ngân được khoảng 85,1%, dự kiến nuôi thêm 6.200 lợn giống và nâng công suất sản xuất thịt lên 78.000 tấn/năm, tăng 30% so với cùng kỳ. VCBS dự kiến, mảng chăn nuôi lợn sẽ đem lại cho Dabaco 4.383 tỷ đồng doanh thu trong năm 2023.
Ngoài ra, kết quả kinh doanh của Dabaco còn được kỳ vọng sẽ tích cực trong trung và dài hạn nhờ việc thương mại hoá vắc-xin phòng chống dịch bệnh tả lợn châu Phi (ASF). Đầu tháng 9/2023, vắc-xin của Dabaco đã đạt tiêu chuẩn về vô trùng, an toàn và hiệu lực bảo hộ từ 80 - 100% trên đàn lợn. Dự kiến, nhà máy sản xuất vắc-xin của Công ty sẽ sẵn sàng sản xuất hàng loạt vào cuối quý IV/2023.
Với việc hợp tác cùng Guangdong Winsun Bio Pharmaceutical - Top 10 doanh nghiệp sản xuất sản phẩm sinh học thú y Trung Quốc, vắc-xin ASF của Dabaco có cơ hội tiếp cận thị trường Trung Quốc, rộng hơn là các quốc gia chăn nuôi lợn lớn trên thế giới.
Năm 2023, VCBS dự báo, doanh thu thuần của Dabaco sẽ đạt 12.510 tỷ đồng, tăng 8,24% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt 92 tỷ đồng, gấp 18,4 lần cùng kỳ.
Hoàng Anh Gia Lai cũng đang cho thấy lợi thế khi chủ động được ngô nguyên liệu làm thức ăn chăn nuôi. Năm nay, doanh nghiệp này có kế hoạch trồng 2.000 ha ngô để sản xuất thức ăn chăn nuôi và bắt đầu thu hoạch từ cuối tháng 7/2023. Điều này có thể hỗ trợ biên lợi nhuận gộp mảng chăn nuôi lợn cho Công ty.
Trước đó, Hoàng Anh Gia Lai đã sử dụng chuối sẵn có để làm thức ăn cho lợn, giúp tiết kiệm khoảng 40% chi phí thức ăn chăn nuôi, còn 60% vẫn phải mua ngoài như ngô, đậu tương… Năm nay, Công ty đặt kế hoạch sản xuất ở mức 300.000 con lợn, tăng 2% so với năm 2022.