Doanh nghiệp căng mình vượt bão

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Bối cảnh thị trường hiện tại buộc nhiều doanh nghiệp phải tính bài toán tồn tại, chủ động vượt qua nghịch cảnh bên cạnh các chính sách “hà hơi”.
Doanh nghiệp căng mình vượt bão

Ước là người bình thường

“Tôi ước mình là người bình thường”, ông Đỗ Quý Hải, Chủ tịch HĐQT Hải Phát Invest (Hải Phát) không giấu được vẻ mệt mỏi trong một cuộc làm việc với các nhà đầu tư tham gia mua sản phẩm tại một dự án của Công ty. Dự án này có 800 lô đất, Hải Phát dự kiến mở bán vào tháng 4 - 5/2022 nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được. Nhà đầu tư đã góp vốn cho Công ty vay, đổi lấy quyền mua sản phẩm dự án, đến cập nhật tiến độ dự án mà họ đang theo đuổi.

Sự lo lắng của nhà đầu tư là có cơ sở, vì năm 2022, Hải Phát phải xoay xở gần 4.000 tỷ đồng trả nợ trái phiếu. Phần lớn kế hoạch xây dựng cho năm 2022 đều “phá sản” khiến lợi nhuận doanh nghiệp giảm thê thảm, chưa bằng một nửa so với 2021. Riêng quý IV/2022, kinh doanh dưới giá vốn khiến doanh nghiệp lỗ gộp gần 35 tỷ đồng. Các đợt giải chấp liên tiếp của công ty chứng khoán với tài khoản chứng khoán của lãnh đạo doanh nghiệp đã kéo giá cổ phiếu lao dốc xuống quanh 4.000 đồng/cổ phiếu, bằng 1/10 so với đầu năm 2022.

Ảnh tác giả

Hơn 30 năm đầu tư, kinh doanh, chưa khi nào tôi thấy khó khăn như hiện nay. Chính sách thay đổi đột ngột khiến kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp vỡ tan.

Ông Đỗ Quý Hải, Chủ tịch HĐQT Hải Phát Invest

“Hơn 30 năm đầu tư, kinh doanh, chưa khi nào tôi thấy khó khăn như hiện nay. Chính sách thay đổi đột ngột khiến kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp vỡ tan”, ông Hải chia sẻ.

Dự án hợp tác với các nhà đầu tư, Hải Phát mua lại từ một doanh nghiệp khác, đất đấu giá, đơn vị trúng đấu giá đất đã nộp toàn bộ tiền sử dụng đất, đầu tư xây dựng hạ tầng xong và chuyển nhượng. Tuy nhiên, địa phương có quyết định thanh tra lại việc đấu giá đất, bảng giá đất mới chênh lên 50 tỷ đồng so với giá đấu trước đây và mãi tới cuộc họp cuối năm 2022, Hội đồng nhân dân tỉnh mới thông qua bảng giá đất, từ đó doanh nghiệp mới có các căn cứ để thực hiện thủ tục chuyển nhượng dự án bị đình hoãn từ khi có quyết định thanh tra. Chậm hơn 1 năm so với dự kiến, thị trường thay đổi khiến dự toán và các kế hoạch bán hàng của doanh nghiệp đổ bể.

“Giờ thu hồi được vốn đã là may. Doanh nghiệp đã phải bán nhiều dự án với giá ‘không tưởng’ để cầm cự”, một lãnh đạo khác của Hải Phát cho biết.

Hải Phát là doanh nghiệp có quy mô tầm trung trên thị trường chứng khoán đang lâm vào cảnh khó khăn. Những doanh nghiệp quy mô lớn như Novaland, Vingroup, Hưng Thịnh... cũng khó không kém. Nhiều người đến uống cà phê Bojo tại phố Ngọc Khánh (Hà Nội) vẫn tiếc cho Novaland khi chuỗi nhà hàng này đã về tay doanh nghiệp Singapore, tương tự là nhiều tài sản khác. Áp lực tài chính của những khoản vay nợ đã buộc Novaland phải chấp nhận cho các chủ nợ thanh lý tài sản đảm bảo bằng cổ phiếu, bất động sản với giá thấp để giảm bớt nợ nần.

Trong các công văn xin ý kiến trái chủ gần đây, Novaland đưa ra một đề xuất chung là chỉ trả 20% lãi trái phiếu các khoản đến hạn, 80% còn lại sẽ được trả vào thời điểm trái phiếu đáo hạn. Các khoản đến hạn gốc, doanh nghiệp đều xin được gia hạn 1 - 2 năm.

Một thống kê cập nhật đến đầu tháng 7/2023 của Finn Rating cho thấy, tỷ lệ nợ xấu trong lĩnh vực trái phiếu bất động sản lên tới trên 20% và có nguy cơ lan rộng lên tới gần 40% trong năm nay. Điều này cho thấy khó khăn và áp lực của các doanh nghiệp bất động sản có thể kéo dài sang năm 2024.

Doanh nghiệp sản xuất co kéo giữ cầu

Với các doanh nghiệp dệt may, đại diện Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG (TNG) cho biết, chấp nhận biên lãi giảm chỉ còn 1/3 để lấy đơn hàng, nhằm đảm bảo nguồn việc làm cho gần 15.000 lao động. TNG ghi nhận doanh thu tiêu thụ tháng 6/2023 đạt 701 tỷ đồng, tăng gần 5% so với tháng liền trước, nhưng thấp hơn 8% so với cùng kỳ năm trước - đánh dấu mức tăng trưởng âm về doanh thu đầu tiên kể từ tháng 1/2023. Lũy kế 6 tháng đầu năm nay, TNG đạt doanh thu 3.331 tỷ đồng, tăng 3% so với cùng kỳ. Doanh thu xuất khẩu tiếp tục giữ vai trò chủ lực, chiếm 97% tổng doanh thu. Trong đó, Mỹ và Pháp là hai thị trường lớn nhất, lần lượt chiếm 46% và 15%.

Lĩnh vực xuất khẩu thủy sản, tưởng như ít chịu tác động, đặc biệt với ngành cá tra, vốn có giá hợp lý hơn các mặt hàng khác như tôm, hải sản..., nhưng cũng chịu sự suy giảm mạnh, tới 30 - 35% so với cùng kỳ.

Nhìn vào chỉ số PMI có thể thấy, ngành sản xuất trong nước rơi vào suy thoái khi trung bình theo quý đã có 3 quý PMI suy giảm liên tiếp. Trong hơn 10 năm qua, chỉ có giai đoạn dịch Covid-19 (bất khả kháng do giãn cách, đứt gãy chuỗi cung ứng...) và giai đoạn 2011 - 2013 khủng hoảng thị trường bất động sản - ngân hàng, PMI mới suy giảm dài như vậy. Trong 8 tháng gần nhất, PMI đã có 7 tháng suy giảm. Dự liệu cho kịch bản nghiêm trọng không kém gì so với giai đoạn 2011 - 2013 đang là giải pháp mà nhiều doanh nghiệp sản xuất tính tới.

Tái cấu trúc để tồn tại

Thống kê cho thấy, lợi nhuận quý IV/2022 của các doanh nghiệp niêm yết suy giảm mạnh ở nhiều ngành như bất động sản, thép, chứng khoán, bán lẻ... Lần đầu tiên kể từ năm 2008, lợi nhuận một quý của toàn thị trường có mức giảm trên 30% so với cùng kỳ. Đến quý I/2023, lợi nhuận trung bình của các doanh nghiệp trên 3 sàn chứng khoán giảm 18,1%, kéo lên cho con số này chủ yếu ở nhóm ngân hàng, còn lợi nhuận nhóm phi tài chính vẫn sụt giảm.

Trong bối cảnh này, doanh nghiệp không có con đường nào khác phải tái cấu trúc để tồn tại và tìm ra đại dương xanh mới.

Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta (FIMEX VN) cho biết, đã có ánh sáng dần lóe lên trong bối cảnh đầy u ám từ cuối quý III năm trước kéo dài tới nay.

Theo ông Lực, giá tôm thương phẩm trong nước đã giảm đến sát đáy, thấp ngoài mức dự tính của tất cả những ai quan tâm tới con tôm, khiến người nuôi không có động lực để thả nuôi vụ mới. Không chỉ Việt Nam, giá tôm giảm mạnh cũng khiến nhiều hộ nuôi ở Ecuador và Ấn Độ - 2 quốc gia nuôi tôm lớn nhất thế giới treo ao, giảm thả nuôi mới. Điều này dẫn tới sản lượng tôm thương phẩm trong quý III này sẽ giảm mạnh.

“Đây là một yếu tố để các hệ thống phân phối tính toán tăng mua dự trữ, vì theo quy luật cung cầu, sắp tới chắc chắn tôm thương phẩm sẽ phục hồi từng bước. Yếu tố đáng lưu ý nữa là sắp tới sẽ là mùa tiêu thụ do có lễ hội ở Mỹ, Nhật Bản…, nhất là kế hoạch cho tiêu thụ dịp Noel và mừng năm mới. Giai đoạn này, hàng chế biến sâu chiếm ưu thế tiêu thụ hơn so với hàng sơ chế hay chế biến cấp thấp, trong khi hàng tinh chế là lợi thế của các doanh nghiệp tôm chúng ta”, ông Lực phân tích.

Cũng theo ông Lực, các doanh nghiệp hoạt động có bài bản, có chiến lược lâu dài sẽ vượt qua khó khăn nhanh hơn so với các doanh nghiệp chỉ lo toan hoạt động trong ngắn hạn. Chẳng hạn, các doanh nghiệp thực thi tốt các tiêu chí môi trường - xã hội - quản trị (ESG) sẽ thu hút, thuyết phục được các hệ thống tiêu thụ, nhất là hệ thống cao cấp, sẽ có nhiều khách hàng tốt.

“Khó khăn hôm nay cho thấy các doanh nghiệp thủy sản có nhiều việc cần phải quan tâm, hoàn thiện mình theo xu thế, không thể còn tư tưởng bóc ngắn cắn dài như một thời đã diễn ra trước kia. Tất cả các doanh nghiệp đều trên đường đua trường kỳ, mọi thành viên tham gia phải tính toán bền sức, phải có sự chuẩn bị mọi mặt cần thiết”, ông Lực đánh giá.

Bà Trần Thị Thúy Ngọc, Phó tổng giám đốc Deloitte cho biết, nhu cầu tái cấu trúc ở các doanh nghiệp rất lớn. Khi thị trường thay đổi buộc nhiều doanh nghiệp phải đổi mới, thậm chí thay đổi cả mô hình kinh doanh, nếu không sẽ biến mất khỏi thị trường.

“Ngay như các khách hàng của chúng tôi cắt giảm nhiều thứ, nhưng họ vẫn phải mạnh tay chi cho những khoản mục buộc phải chi để tìm kiếm thị trường mới, khách hàng mới”, bà Ngọc nói và cho rằng, xu hướng ESG là không thể đảo ngược, đặc biệt những doanh nghiệp xuất khẩu sang châu Âu, Mỹ càng phải chú ý điều này.

Thủy Hương
Theo Đặc san Doanh nghiệp niêm yết 2023

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục