Một xu hướng cần cảnh báo là việc gia tăng các chi phí thực hiện thủ tục hành chính đi kèm với mức độ rủi ro tăng lên khi DN mở rộng quy mô khiến DN nhỏ và vừa Việt Nam không thể và không muốn lớn.
Doanh nghiệp Càng lớn, thanh tra càng “hỏi thăm” nhiều
Kết quả điều tra PCI 2015 gióng lên cảnh báo về xu hướng gia tăng của hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với DN. Cụ thể, có tới 74% DN từng đón tiếp các đoàn thanh kiểm tra trong tất cả các lĩnh vực trong năm vừa qua. Tính trung bình, các DNNVV phải tiếp đón 1 - 2 đoàn thanh tra, kiểm tra trong 1 năm, trong khi tại các DN quy mô lớn là 3 cuộc. Có 18% DN siêu nhỏ, 24% DN nhỏ và 43% DN quy mô vừa đón tiếp ít nhất 3 đoàn thanh kiểm tra trong năm gần nhất, trong khi con số này là 50% đối với DN quy mô lớn.
Cần nói thêm rằng, việc thanh tra, kiểm tra chưa có sự phối hợp tốt giữa các cấp, ngành, thể hiện qua tỷ lệ DN phản ánh về tình trạng trùng lặp về nội dung thanh tra, kiểm tra. Trong đó, đáng lưu ý là tần suất trùng lặp trong thanh tra, kiểm tra của các cơ quan nhà nước có xu hướng gia tăng, tỷ lệ thuận với quy mô của DN. Cụ thể, 25% DN siêu nhỏ, DN nhỏ và 30% DN cho biết, nội dung thanh kiểm tra của các đoàn bị trùng lặp. Với các DN quy mô lớn, con số này lên tới 32%.
Không chỉ vậy, chi phí thời gian trong các cuộc thanh tra, kiểm tra thuế cũng gia tăng theo quy mô DN. Theo phản ánh của các DN, với các DN siêu nhỏ, trung bình, mỗi lần thanh kiểm tra thuế mất khoảng 3 giờ. Đối với các DN nhỏ và DN quy mô vừa, con số này lần lượt là 7 và 8 giờ. Tuy nhiên, với các DN quy mô lớn, thông thường, mỗi cuộc thanh kiểm tra thuế thường mất khoảng 40 giờ.
Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, gánh nặng thanh tra kiểm tra cũng như tần suất tăng lên theo độ lớn của DN đang khiến các DN khó có thể gia tăng quy mô để phát triển.
Gánh nặng thủ tục hành chính gia tăng
Cùng với tần suất thanh tra, kiểm tra, điều tra PCI 2015 cũng cho thấy, gánh nặng thực hiện thủ tục hành chính cũng gia tăng theo quy mô của DN. Cụ thể, trong khi có 54% DN siêu nhỏ và 49% DN nhỏ đồng ý với nhận định “thủ tục giấy tờ là đơn giản”, thì với các DN quy mô vừa và DN quy mô lớn, tỷ lệ này lần lượt chỉ đạt 45% và 38%.
Một đánh giá khác cũng cho thấy cảm nhận tương tự của các DN, đó là tỷ lệ DN đồng ý với nhận định không phải đi lại nhiều lần để hoàn thành thủ tục. Trong khi có 64% DN siêu nhỏ và 58% DN nhỏ đồng ý với nhận định này, thì tỷ lệ của doanh nghiệp quy mô vừa và DN quy mô lớn xung quanh mức 51%.
Ở mức chi tiết hơn, Báo cáo còn nêu đích danh một loạt các thủ tục hành chính làm khó cho DN tỷ lệ thuận với sự gia tăng quy mô của DN. Đó là các thủ tục hành chính về bảo hiểm xã hội, đất đai, hải quan, an toàn phòng chống cháy nổ, lao động, bảo vệ môi trường và thanh toán qua kho bạc, các thủ tục về đăng ký DN, đầu tư, thuế, giải phóng mặt bằng, giao thông…
“ Điều này khẳng định một xu thế rất phản thị trường đang có nguy cơ gia tăng là DN càng lớn thì chi phí thực hiện thủ tục hành chính càng lớn. DN càng lớn thì gánh nặng thanh tra kiểm tra càng nhiều, kéo theo rủi ro càng gia tăng về tài sản và bảo vệ tài sản đối với DN. Điều này khiến DN Việt Nam khó lớn lên và có thể không muốn lớn lên”, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, VCCI nhận định.
Từ những kết quả khảo sát đáng báo động này, nhóm chuyên gia thực hiện Báo cáo PCI khuyến nghị, các địa phương cần đẩy mạnh rà soát, cắt giảm các thủ tục hành chính theo hướng đơn giản, dễ hiểu và dễ tiếp cận với DN và người dân.
“Trọng tâm cải cách thủ tục hành chính nhằm giảm bớt khó khăn cho DN nhỏ và vừa thời gian tới nên tập trung vào bảo hiểm xã hội, đất đai, thuế, thanh toán qua kho bạc, những lĩnh vực được phản ánh còn nhiều phiền hà nhất. Đồng thời, cần giảm bớt gánh nặng về thanh kiểm tra cho các DN, đặc biệt tránh trùng lặp, chồng chéo”, Báo cáo PCI 2015 khuyến nghị.