Doanh nghiệp cần gói hỗ trợ chính sách

0:00 / 0:00
0:00
Theo dự báo, tốc độ tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm chỉ đạt 5,8%. Vì vậy, nếu không sớm có gói giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, thì khó đạt mục tiêu tăng trưởng 6,5% trong năm nay.
Gói hỗ trợ với doanh nghiệp FDI không thể “đồng hạng” như doanh nghiệp nhỏ và vừa, mà phải có chính sách, cơ chế đột phá. Gói hỗ trợ với doanh nghiệp FDI không thể “đồng hạng” như doanh nghiệp nhỏ và vừa, mà phải có chính sách, cơ chế đột phá.

Nhường gói hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

Là một trong những doanh nghiệp có quy mô lớn, ông Nguyễn Xuân Phú, Chủ tịch Tập đoàn Sunhouse khẳng định, cũng như nhiều doanh nghiệp quy mô lớn khác, Sunhouse không muốn nhận gói hỗ trợ có thể “quy được thành tiền”, mà muốn nhận gói hỗ trợ chính sách.

Theo ông Phú, cả nước có khoảng 500 doanh nghiệp quy mô lớn, đóng góp vào ngân sách nhà nước chiếm 60-70% thì không thể áp dụng gói hỗ trợ chung cho tất cả các doanh nghiệp, mà cần phải có gói hỗ trợ khác, ngân sách nhà nước không mất tiền nhưng hiệu quả hơn rất nhiều.

“Chúng tôi xin nhường các gói hỗ trợ tài tài khóa, tiền tệ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, chỉ mong nhận được gói hỗ trợ về cơ chế làm sao thông thoáng hơn, quy trình thủ tục đơn giản hơn, nhanh gọn hơn để doanh nghiệp tập trung vào sản xuất, vì Covid-19 đã và đang tạo ra cơ hội phát triển cho nhiều doanh nghiệp”, ông Phú nói.

Ông Phú đề xuất: “Cả nước chỉ có khoảng 500 doanh nghiệp quy mô lớn, các cơ quan quản lý nhà nước nắm rất chắc từng doanh nghiệp, vì vậy, cần phải cử công chức, viên chức, chuyên gia đến từng doanh nghiệp để tìm hiểu xem doanh nghiệp cần hỗ trợ những chính sách gì thì hỗ trợ ngay, vì mỗi doanh nghiệp có khó khăn riêng, không ai giống ai”, ông Phú đề xuất.

Cũng là doanh nghiệp có quy mô lớn, ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc May 10 cho rằng, gói hỗ trợ “đại trà” hiện nay chưa đủ để giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, mặc dù rất nhiều lĩnh vực có cơ hội tăng tốc do cầu hàng hóa trên thị trường thế giới tăng trở lại.

Ông Việt cho biết, nếu như năm 2020, May 10 cũng như ngành may mặc đứt cả đầu ra lẫn đầu vào thì năm 2021 “quay ngoắt 180 độ”, đơn hàng xuất khẩu làm không hết. “Khoảng 90% sản phẩm của May 10 là xuất khẩu sang Hoa Kỳ, EU và Nhật Bản, đơn hàng đã có đủ đến cuối năm, nhưng nếu không có cơ chế, chính sách để doanh nghiệp thu hút lao động, giữ chân người lao động, bảo vệ được người lao động khỏi lây nhiễm dịch bệnh, thì khó có thể giữ được đơn hàng”, ông Việt lo lắng.

Thu hút đầu tư nước ngoài cũng cần gói hỗ trợ cơ chế

Mặc dù số ca nhiễm Covid-19 đã vượt 12.500, nhưng Việt Nam vẫn được coi là một trong những quốc gia “chống chọi” với dịch bệnh thành công nhất thế giới. Theo ông Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ Kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, hiện là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam chiếm lĩnh thị trường thế giới khi những nguồn cung lớn của thế giới như Ấn Độ, Bangladesh, Myanmar... đang quay cuồng với dịch bệnh. Vì vậy, gói hỗ trợ tài khóa, tiền tệ và an sinh xã hội hiện tại không còn phù hợp với doanh nghiệp có quy mô lớn, mà cần phải thêm gói hỗ trợ khác nữa, đó là gói hỗ trợ chính sách.

“Dịch bệnh không chỉ thay đổi thị trường hàng hóa, dịch vụ truyền thống, mà còn thay đổi cả thị trường đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Đây là cơ hội rất tốt để Việt Nam gia tăng thu hút FDI. Muốn vậy, việc chống dịch hiệu quả và nhiều cơ chế, chính sách hiện hành chưa đáp ứng đủ, mà cần phải có những cơ chế, chính sách mới mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn. Đây mới là gói hỗ trợ để thúc đẩy nền kinh tế đạt được được mục tiêu tăng trưởng 6,5% trở lên trong năm nay và nhiều năm sau nữa”, ông Kiên nhấn mạnh.

Theo ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dịch bệnh đã làm thay đổi suy nghĩ của nhà đầu tư lớn, nhà đầu tư chiến lược về hình thành trung tâm sản xuất nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng, phân tán chuỗi cung ứng trên toàn cầu. Điều này đã tác động rất lớn đến chính sách thu hút FDI của các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Theo ông Phương, gói hỗ trợ với doanh nghiệp FDI không thể “đồng hạng” như doanh nghiệp nhỏ và vừa, mà phải có chính sách, cơ chế đột phá. “Chúng ta không thể tổ chức các cuộc roadshow, xúc tiến đầu tư ở nước ngoài kiểu truyền thống. Vậy làm thế nào để nhà đầu tư thậm chí không cần đến Việt Nam vẫn mạnh dạn đầu tư một lượng tiền lớn vào Việt Nam và hoàn toàn tin tưởng đồng vốn của họ được bảo toàn và sinh sôi nảy nở. Muốn vậy phải tiếp tục có gói hỗ trợ thứ hai, đó là hỗ trợ chính sách, cơ chế”, ông Phương nhấn mạnh.

Bài viết triển khai thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đảm bảo trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh dịch Covid-19.

Xem thêm nội dung TẠI ĐÂY!

Hàn Tín
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục