Doanh nghiệp bức xúc vì quản lý kinh doanh bến xe bát nháo

(ĐTCK) Chính sách, cơ chế quản lý và quy hoạch bến xe lạc hậu, tình trạng "cài cắm" lợi ích có biểu hiện trở lại... là những bất cập khiến chính sách quản lý lĩnh vực này ngày một giật lùi, gây bức xúc cho các doanh nghiệp vận tải và bến xe.
Doanh nghiệp bức xúc vì quản lý kinh doanh bến xe bát nháo

Tại hội thảo về cơ chế quản lý vận tải đường bộ dưới góc nhìn của doanh nghiệp (DN) vận tải, bến xe do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Hiệp hội Vận tải ô tô tổ chức mới đây, ông Nguyễn Anh Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Bến xe khách cho biết một thực tế éo le là dù DN bến xe đã bỏ vốn đầu tư lớn để xây dựng các bến xe hiện đại, song hầu như không có quyền quyết định trong điều hành.

“Chúng tôi là người bỏ vốn, nhưng lại không có quyền điều hành. Toàn bộ đầu vào của bến xe là do các sở quyết định. Hãy để DN bến xe làm đàng hoàng, chấp nhận cạnh tranh, người bỏ phiếu không phải cơ quan sở, mà là DN vận tải. Hiện không có tiêu chuẩn rõ ràng nên dễ dẫn đến tiêu cực”, ông Dũng kiến nghị.

Bên cạnh đó, theo các DN bến xe, một vấn đề khác cần được làm rõ, đó là quy định về giá và phí. Điều bất hợp lý ở chỗ, theo nguyên tắc, bến xe là do DN đầu tư nên giữa bến xe và DN vận tải được thỏa thuận giá theo thị trường, song hiện nay, cơ chế này hầu như không được áp dụng, mà đưa vào điều luật giá do UBND Thành phố quyết định.

Nhiều DN cho rằng, đây là điều phi lý bởi bến xe là đơn vị sự nghiệp có thu, hoạt động theo hình thức xã hội hóa thì cần thực hiện theo cơ chế thỏa thuận chứ không thể áp đặt giá do cơ quan nhà nước quy định. Đại diện Hiệp hội Bến xe khách cho biết, đã nhiều lần đề nghị UBND Thành phố bỏ quy định này, nhưng chưa được.

Không chỉ “ngán ngẩm” về cách thức quy hoạch và chính sách quản lý trái với Luật Doanh nghiệp, nhiều DN bến xe giờ đây như "ngồi trên đống lửa" bởi Đồ án quy hoạch bến bãi đỗ xe Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn 2050 đang được xới đi, xáo lại, đe dọa sẽ xóa bỏ hầu hết các bến xe liên tỉnh hiện nay và xây dựng bến xe mới để đẩy toàn bộ các bến xe ra khu vực ngoại thành.

Điều này có nguy cơ sẽ khiến nhiều DN đầu tư xây dựng bến bãi có thể rơi vào cảnh  trắng tay vì đã bỏ hàng chục, thậm chí hàng trăm tỷ vào đầu tư xây dựng bến xe, nhưng nay lại bị di dời.

“Kêu gọi xã hội hóa đầu tư bến xe mà thời hạn sử dụng chỉ là 20 năm thì không một DN nào làm được. Đầu tư bến xe chi phí rất lớn, DN đã đầu tư cần có thời gian dài hơi để thu hồi vốn. Vì vậy, phải có quy hoạch và thống nhất giữ nguyên quy hoạch trong dài hạn”, ông Dũng nhấn mạnh.

Liên quan đến câu chuyện thay đổi quy hoạch theo hướng di dời các bến xe ra ngoại thành, TS. Nguyễn Xuân Thủy, nguyên phụ trách công tác khách vận Vụ vận tải, Bộ Giao thông - Vận tải đặt câu hỏi, việc đưa bến xe ra ngoại thành là giải pháp khả thi, hay thực chất là muốn chiếm dụng những khu vực “đất vàng” của thành phố để xây dựng các chung cư cao tầng nhằm thu lợi nhuận cao?

“Cần ngăn chặn ý đồ tận dụng các khu đất vàng nằm trong lõi đô thị của các bến xe hiện nay để xây dựng các khu nhà cao tầng, khách sạn, nhà hàng bởi dễ phá vỡ trật tự quy hoạch kiến trúc, tăng ùn tắc và tai nạn tại khu vực trung tâm. Trên thực tế, hệ lụy từ các vụ việc tại bến xe Kim Liên, Lương Yên, khu đất Cống Vị và hàng trăm héc-ta đất dự định làm bãi đổ xe... đến nay vẫn chưa khắc phục được”, ông Thủy đề nghị.

Cũng theo ông Thủy, cách làm này là đi ngược với xu thế chung của các nước trên thế giới, thiếu hợp lý và gây tốn kém chi phí của toàn xã hội.

Chứng minh cho nhận định này, Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam cho biết, tổng chi phí di chuyển của hành khách đi và đến các bến xe Hà Nội trong 1 ngày là 7,2 tỷ đồng, tính ra 1 năm chi phí này lên tới 2.658 tỷ đồng. Số liệu này, theo Hiệp hội, là kết quả khảo sát tác động của việc di dời bến xe được thực hiện mới đây.

Đưa ra minh chứng khác, ông Bùi Danh Liên, Phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, cho biết, khi chuyển Bến xe Kim Liên về Giáp Bát nhằm mục đích giảm ùn tắc trên đường Trần Nhân Tông, song lại gây ùn tắc trên đường Giải Phóng; chuyển bến Kim Mã về Mỹ Đình lại gây ùn tắc trên Vành đai 3; di dời Bến xe Bến Nứa về Gia Lâm để giảm ủn tắc chợ Bắc Qua, song lại phát sinh nhiều bến xe cóc, xe dù trong nội đô...

"Tại những đô thị lớn do quỹ đất hạn chế, có thể xây dựng các bến xe cao tầng tại trung tâm đô thị, vừa khắc phục tình trạng xe dù, bến cóc, vừa giảm chi phí xã hội, mà vẫn giữ được các bến xe hiện nay không phải di dời, đảm bảo trật tự vận tải và kết nối giao thông nội - ngoại thành thông qua phân luồng giao thông theo quy hoạch luồng tuyến", ông Liên đề xuất. 

Hiếu Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục