Doanh nghiệp blockchain trông chờ khung pháp lý

Dù được đánh giá là quốc gia hội tụ đủ yếu tố để trở thành trung tâm ứng dụng blockchain của thế giới, nhưng việc thiếu hành lang pháp lý đủ mạnh hỗ trợ có thể khiến Việt Nam không tận dụng được giá trị tối đa từ nền tảng công nghệ này.
Doanh nghiệp blockchain trông chờ khung pháp lý

Đặt trụ sở tại nước ngoài 

Tomochain, doanh nghiệp blockchain do ông chủ người Việt, Vương Quang Long, sáng lập có tới 90% kỹ sư người Việt, cung cấp ứng dụng cho trên 90% khách hàng quốc tế, nhưng lại phải chọn Singapore là nơi đặt trụ sở.  Lý do được ông Long cho biết là xuất phát từ việc gọi vốn đầu tư quốc tế. Về lĩnh vực này, Singapore đã có khung pháp lý hỗ trợ. 

“Khi phát hành ICO (hình thức kêu gọi vốn đầu tư phổ biến trong các dự án tiền điện tử kỹ thuật số), Tomochain cần luật sư am hiểu về đất nước mà Công ty đăng ký để có thể viết bản quy trình phù hợp, nhưng tại Việt Nam chưa thực hiện được điều này”, ông Long nói. 

Vị giám đốc của Tomochain kỳ vọng, Việt Nam có thể sớm xây dựng hành lang pháp lý cho việc gọi vốn từ nước ngoài để các dự án, công ty ứng dụng công nghệ blockchain có nhiều điều kiện phát triển. 

Từ kinh nghiệm hoạt động, ông Long kiến nghị, các cơ quan chức năng cần tích cực nghiên cứu, xây dựng khung pháp lý, trong đó công nhận tài sản kỹ thuật số là có giá trị. Bên cạnh đó, nên xem xét thành lập ban liên ngành phát triển, theo dõi ứng dụng blockchain toàn quốc và ban hành khung pháp lý, chính sách về việc xây dựng một quỹ cho công nghệ mới này.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Vững, đồng sáng lập, Giám đốc Công ty công nghệ Bigbom thẳng thắn bày tỏ, ở nước ta, nhiều người còn chưa thực sự hiểu về blockchain và bitcoin (một loại tiền mã hóa phân cấp). Thậm chí, một số người còn nhầm lẫn bitcoin là blockchain, trong khi nó chỉ là một sản phẩm của blockchain. 

Liên quan tới vấn đề này, ông Dane Elliot, Giám đốc kinh doanh Achain (nền tảng blockchain cho phép triển khai các tài sản kỹ thuật số và các ứng dụng phân cấp khác trong doanh nghiệp) cho biết, ở Trung Quốc, tuy tiền mã hóa, tiền thuật toán bị cấm, nhưng chính phủ nước này lại dành một khoản hỗ trợ không hoàn lại đầu tư cho các công ty phát triển blockchain. 

Tăng minh bạch, giảm chi phí    

Ông Adam Vaziri, Tổng giám đốc QRC Group (công ty blockchain đang hoạt động tại Hồng Kông, Anh và Việt Nam) cho rằng, chi phí các đơn vị ứng dụng blockchain có thể cắt giảm lên tới 30 - 50% nhờ vào sự minh bạch ở cấp độ sản phẩm, sản xuất tập trung và khả năng kiểm toán của các giao dịch tài chính.

Ví dụ đơn giản hơn, ông Đỗ Văn Long, Giám đốc vùng Infinity Blockchain Labs khẳng định, nếu các giao dịch giữa các tài xế và Uber sử dụng nền tảng blockchain thì mọi thông tin sẽ minh bạch và việc quản lý của cơ quan chức năng sẽ rất dễ dàng. 

Đặt ưu tiên riêng ở mảng ngân hàng, ông Đặng Minh Tuấn, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu blockchain QNET cho biết, doanh nghiệp đang xây dựng dự án quản lý hồ sơ vay thế chấp để ứng dụng cho các ngân hàng.

“Khi xây dựng hồ sơ thế chấp vay ngân hàng, chúng tôi đảm bảo được hồ sơ này là duy nhất, không ai có thể thay đổi, sửa chữa. Đặc tính của blockchain là sự minh bạch, không thể can thiệp, nên sẽ triệt tiêu được tiêu cực. Theo đó, sẽ không còn chuyện một hồ sơ có thể thế chấp ở nhiều ngân hàng hoặc nhân viên ngân hàng có thể đổi hồ sơ để rút tiền”, ông Tuấn khẳng định. 

Vì sao Việt Nam vẫn còn chần chừ?

Mặc dù blockchain có tiềm năng ứng dụng ở khá nhiều lĩnh vực khác nhau, nhưng ngay cả với Singapore, nơi đã phát triển công nghệ này từ 5 - 6 năm trước, ứng dụng phổ biến nhất trong lĩnh vực y tế với việc lưu trữ hồ sơ bệnh án, thì thị trường này cũng mới ở giai đoạn sơ khai, cần tiếp tục hoàn thiện.

Một ví dụ khác, Nhật Bản đã ban hành Đạo luật Dịch vụ thanh toán (được sửa đổi năm 2016), trong đó quy định về tiền ảo, coi đây là phương tiện thanh toán, quản lý giao dịch tiền ảo thông qua sàn giao dịch, phát hành tiền ảo ban đầu ra công chúng (ICO) có kiểm soát và đăng ký…, nhưng người dân cũng mới chỉ có thể dùng tiền mã hóa để trao đổi, mua đĩa CD, máy tính... chứ không thể sử dụng cho những giao dịch lớn.

Đây có thể là lý do giải thích vì sao những nhà làm luật của Việt Nam vẫn đắn đo, nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi ban hành một khung pháp lý phù hợp cho các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ này. 

Liên quan tới những bước đi pháp lý tại Việt Nam, ông Nguyễn Thanh Tú, Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự và kinh tế (Bộ Tư pháp) khẳng định, Bộ Tư pháp đã xây dựng Đề án Quản lý tiền thuật toán được thực hiện từ giai đoạn 2016 - 2017. Hiện Bộ đang hoàn tất rà soát thực tiễn tài sản ảo, thực tế pháp luật để có đề xuất định hướng báo cáo Thủ tướng Chính phủ. 

Trong khi đó, nhìn ở góc độ thị trường, ông Vương Quang Long cho rằng, vấn đề tài sản kỹ thuật số không phải do luật pháp quy định, mà sẽ do thị trường quyết định. Đây là một xu thế, do đó, nếu Việt Nam có đầy đủ hành lang pháp lý thì đó sẽ là điểm cộng hậu thuẫn sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ blockchain, thu hút sự đầu tư mạnh mẽ của các doanh nghiệp vào lĩnh vực này.

Trần Hà
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục