Từ câu chuyện của KSB
Công ty cổ phần Khoáng sản và xây dựng Bình Dương (mã chứng khoán KSB) được nhắc đến nhiều trong lĩnh vực khai thác khoáng sản, cũng bởi cái tên của doanh nghiệp.
Thế nhưng, mảng kinh doanh đang chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu tài sản và dự kiến tới đây sẽ chiếm tỷ trọng lớn trong nguồn thu nhập của Công ty, lại là bất động sản khu công nghiệp. Nửa đầu năm 2018, gần 60% tổng tài sản của KSB được phân bổ vào lĩnh vực khu công nghiệp và dịch vụ khác.
Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, một lãnh đạo Công ty cho biết, hiện nay, Công ty đang đẩy mạnh đầu tư cho Dự án Khu công nghiệp Đất Cuốc (Bình Dương) và dự kiến sẽ tiếp tục đầu tư mở thêm khu công nghiệp do số lượng doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài có nhu cầu vào khu công nghiệp tăng mạnh trong thời gian qua.
Về giá cho thuê, nguồn tin từ KSB cũng cho biết, do nhu cầu khách hàng vào các khu công nghiệp tăng mạnh, nên giá cho thuê đã tăng lên đáng kể, từ đó cải thiện biên lợi nhuận lĩnh vực này. Mức lợi nhuận gộp ước tính hiện nay khoảng 30% doanh thu với một số khu công nghiệp.
Đến câu chuyện của ngành
Tại Diễn đàn các chuyên gia đầu tư tài chính Việt Nam (VIPF) do Công ty cổ phần Chứng khoán MB (MBS) và Công ty Quản lý quỹ Dragon Capital tổ chức hồi giữa tháng 11/2018, một thông tin được ông Trần Lê Minh, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Quản lý quỹ đầu tư Việt Nam (Vinafund) đưa ra là, năm 2019, nhóm doanh nghiệp lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp dự báo sẽ tăng trưởng ấn tượng.
“Một số doanh nghiệp trong ngành chúng tôi đã làm việc đều đưa ra dự phóng doanh số năm 2019 tăng trưởng mạnh, trong đó có doanh nghiệp dự kiến tăng đến 100%”, ông Minh chia sẻ.
“Một số doanh nghiệp đưa ra dự phóng doanh số năm 2019 tăng trưởng mạnh, trong đó có doanh nghiệp dự kiến tăng đến 100%” Ông Trần Lê Minh,Phó tổng giám đốc Vinafund
Việc tăng trưởng doanh số của các doanh nghiệp này nằm ở cả việc tăng diện tích đất khu công nghiệp cho thuê với khách hàng và tăng giá cho thuê. Tại những khu công nghiệp có vị trí thuận lợi về giao thông và ở gần trung tâm thành phố lớn thậm chí đã có giá cho thuê lên tới trên 135 USD/m2, cao gấp hơn 2 lần giá cho thuê ở các khu vực khác.
Theo ông Minh, một trong những động lực giúp nhóm doanh nghiệp này tăng trưởng mạnh là dòng vốn FDI vào Việt Nam tăng mạnh trong thời gian qua và cả giai đoạn sắp tới. “Các doanh nghiệp FDI vào Việt Nam thời gian qua phần lớn là công nghiệp chế biến, chế tạo, quy mô tầm trung nên họ sẽ cần nhiều nhà xưởng ở các khu công nghiệp có thể tập trung nhiều công nhân”, ông Minh nói về nhóm các khu công nghiệp hưởng lợi từ làn sóng FDI hiện nay.
Nhưng để hưởng lợi, doanh nghiệp vẫn cần có lối đi riêng
Làn sóng vốn FDI vào Việt Nam đang tăng mạnh, nhưng kinh nghiệm từ những doanh nghiệp thu hút được doanh nghiệp FDI lớn vào thuê cho thấy, để hút được nhà đầu tư, doanh nghiệp kinh doanh khu công nghiệp không chỉ cần có đất, hạ tầng khu công nghiệp, mà cần trở thành nhà cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp hoàn chỉnh đúng nghĩa và hướng đến nhóm khách hàng mục tiêu phù hợp.
Lãnh đạo một doanh nghiệp hiện đang đầu tư chuẩn bị đưa vào vận hành khu công nghiệp 500 ha (đã có khách ký hợp đồng trước) cho biết, ông không hướng quá nhiều đến nhóm doanh nghiệp FDI từ Trung Quốc chuyển qua,
“Chúng tôi đã dự báo được sự dịch chuyển của các doanh nghiệp FDI từ Trung Quốc sang và đã dành một tỷ trọng nhất định cho nhóm khách hàng này. Hiện nay, Công ty vẫn có khách hàng ký thuê dài hạn theo lô lớn để phân lại cho nhóm đối tác của họ, nhưng chúng tôi vẫn phải chủ động triển khai các hoạt động bán hàng khác để hướng đến nhóm khách hàng trong nước và giữ chân khách hàng ở lại lâu dài với Khu công nghiệp”, vị này chia sẻ.
Theo đó, với tiện ích khu công nghiệp nói chung, công ty này chia sẻ kế hoạch xây khu căn hộ cho thuê giá rẻ cho công nhân với đầy đủ trường học, chợ để đảm bảo công nhân có thể đến khu công nghiệp làm việc và sinh sống.
“Đây là điều mà các doanh nghiệp đến đầu tư tại khu công nghiệp cần vì họ phải có công nhân”, ông chia sẻ và nói thêm về lý do từ chối đưa tên công ty, là đang trong giai đoạn đền bù giải phóng mặt bằng để thực hiện xây dựng khu nhà ở cho công nhân của khu công nghiệp.
Ông cũng nói thêm, doanh nghiệp phải có các chính sách tốt nhất cho doanh nghiệp khi chuyển đến khu công nghiệp, để không chỉ thu hút khách hàng là các doanh nghiệp FDI, mà hướng đến cả các doanh nghiệp trong nước hiện đang không ở trong khu công nghiệp.
“Chưa nói đến các trường hợp doanh nghiệp bắt buộc phải vào khu công nghiệp, với doanh nghiệp thường, cùng kinh doanh, cách nhau ít kilomet, nhưng nếu ở trong khu công nghiệp thì thậm chí được miễn thuế mấy năm, còn ở ngoài thì không. Đây là nhóm khách hàng công ty đang đẩy mạnh để cân bằng với khách hàng doanh nghiệp FDI”, ông chia sẻ.