Doanh nghiệp bất động sản đánh bắt xa bờ

(ĐTCK) Thị trường bất động sản Việt Nam đã bắt nhịp và có những diễn biến theo hướng ngày càng gắn bó chặt chẽ hơn với thị trường khu vực và thế giới.
Dân số đông, tốc độ đô thị hóa nhanh đang mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh bất động sản Việt Nam. Ảnh: Thành Nguyễn Dân số đông, tốc độ đô thị hóa nhanh đang mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh bất động sản Việt Nam. Ảnh: Thành Nguyễn

Doanh nghiệp nội ngày càng chủ động

Cùng với tiềm năng và khung khổ pháp lý ngày càng hoàn thiện, thông thoáng, lĩnh vực bất động sản Việt Nam ngày càng nhận được sự quan tâm của các nhà đầu tư ngoại.

Bà Nguyễn Hoài An, Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn, CBRE Việt Nam cho biết: “Với sức hấp dẫn của thị trường, trong năm qua, có rất nhiều nhà đầu tư ngoại tiếp xúc với chúng tôi để tìm kiếm các cơ hội đầu tư, hợp tác kinh doanh với các doanh nghiệp bất động sản trong nước. Thời gian tới, nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực bất động sản Việt Nam có thể sẽ tiếp tục tăng và có sự dịch chuyển nhiều hơn ra miền Bắc”.

Trong khi đó, theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, các doanh nghiệp trong nước hiện nay cũng thể hiện sự sẵn sàng cho hội nhập, cho cuộc hải trình dài ngày ra biển lớn.

Chẳng hạn, Tập đoàn FLC và Sun Group trong những năm gần đây đã có những cuộc roadshow giới thiệu dự án bất động sản nghỉ dưỡng tại Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc. Hay Công ty cổ phần Bất động sản Thế kỷ (Cenland, thuộc CenGroup) vừa khai trương văn phòng đại diện tại Hàn Quốc (CEN Korea)….

Các hoạt động này không chỉ giúp các doanh nghiệp, dự án gia tăng uy tín, vị thế thương hiệu, thu hút khách hàng, mà còn tạo cú huých quan trọng, giúp quảng bá hình ảnh Việt Nam nói chung, sức hút cho ngành du lịch, bất động sản nói riêng với các khách hàng, nhà đầu tư quốc tế.

Ông Trần Anh Vũ, đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc nhận xét: "Việc Cenland khai trương văn phòng CEN Korea nằm trong chiến lược toàn cầu hoá hệ thống phân phối, nhằm “xuất khẩu” bất động sản tại chỗ, thu hút đầu tư, mang ngoại tệ về cho đất nước... Điều này đồng thời thể hiện sự chủ động, linh hoạt của doanh nghiệp Việt trong việc tiếp cận thị trường mới".

Được biết, sau Hàn Quốc, doanh nghiệp này sẽ tiếp tục mở thêm các văn phòng tại Singapore, Nhật Bản…

Còn ông Phạm Thanh Hưng, Phó chủ tịch CenGroup cho biết, lý do

Cenland mang chuông đi đánh xứ người là do từ khi Luật Nhà ở 2014 mở rộng điều kiện cho phép người nước ngoài được sở hữu và kinh doanh bất động sản tại Việt Nam, cùng với việc thực hiện đầy đủ các cam kết gia nhập WTO vào năm 2018, khiến bất động sản Việt Nam ngày càng nhận được sự quan tâm lớn của khách hàng, nhà đầu tư nước ngoài.

Trao đổi với phóng viên Đầu tư Bất Động sản, ông Jonathon Clarke, Giám đốc Bộ phận Thị trường vốn và đầu tư Colliers International tại Việt Nam nhận định, quá trình hội nhập đã và đang được thực hiện thông qua các hiệp định thương mại quốc tế, khu vực và thậm chí trong phạm vi Việt Nam thông qua những thay đổi trong các luật định liên quan đến bất động sản như Luật Doanh nghiệp, Kinh doanh Bất động sản, Luật Nhà ở, Luật Đầu tư.

Ngoài ra, Chính phủ cũng đã và đang đẩy mạnh xúc tiến đầu tư trực tiếp nước ngoài trong ngành bất động sản nhằm tạo lòng tin đối với các nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường này. Rào cản gia nhập thị trường cũng được giảm thiểu nhờ tính minh bạch thông tin được cải thiện ở cấp độ doanh nghiệp.

“Các nhà đầu tư nước ngoài có thể hoàn thành các giao dịch mua bán, sáp nhập (M&A) nhanh hơn trước đây nhờ tính quan liêu trong bộ máy hành chính được cải thiện. Điều này có được là do các yêu cầu về cấp phép dự án đã rõ ràng hơn, cho phép các doanh nghiệp mới gia nhập thị trường có thể cạnh tranh trực tiếp với các nhà đầu tư trong nước hoặc các nhà đầu tư nước ngoài nhiều kinh nghiệm và có sẵn lợi thế cạnh tranh trong nước với khả năng đàm phán thực hiện các dự án nhanh hơn”, ông Clarke nói.

Những điềm cần lưu ý

Với các doanh nghiệp đang thực hiện chiến lược “đánh bắt xa bờ”, việc lựa chọn các thị trường mà doanh nghiệp có am hiểu để chắc thắng là rất quan trọng.

Với Cenland, lý do chọn Hàn Quốc làm nơi đầu tiên thực hiện kế hoạch toàn cầu hóa là do 2 nước có nhiều nét tương đồng và có cộng đồng dân cư sinh sống và làm việc ở mỗi bên đông đảo.

“Việt Nam và Hàn Quốc có nhiều nét tương đồng về lịch sử, văn hóa và truyền thống. Hàn Quốc hiện có khoảng 150.000 người Việt Nam đang sinh sống, học tập và làm việc và cũng chừng đó người Hàn Quốc đang sinh sống ở Việt Nam. Nhu cầu mua bán, sở hữu và đầu tư bất động sản của người Hàn Quốc tại Việt Nam lớn. Do đó, rất cần một đơn vị uy tín, am hiểu về thị trường để làm cầu nối, tư vấn và hỗ trợ”, ông Woojin Jung, Trưởng đại diện CEN Korea chia sẻ,

Còn theo ông Jonathon Clarke, dù bất động sản Việt Nam đã có sự hội nhập nhất định, nhưng cũng có không ít điều các doanh nghiệp cả nội và ngoại phải chú ý. Bởi ở những thị trường mới nổi như Việt Nam, tính minh bạch sẽ là một vấn đề. Ngoài ra, các quy trình hành chính phức tạp cũng là điều mà các doanh nghiệp cần lưu ý.

Tuy nhiên, các nhà đầu tư nước ngoài có thể tận dụng những kinh nghiệm, cũng như liên kết với các chuyên gia thị trường, các nhà tư vấn uy tín. Những đơn vị này sẽ giúp tư vấn cho các nhà đầu tư làm thế nào để xúc tiến các dự án được nhanh chóng và hiệu quả hơn.

“Có rất ít những điểm tương đồng giữa thị trường Việt Nam và những thị trường phát triển khác, nhưng với việc Chính phủ đang đẩy mạnh tiến trình cải cách thủ tục hành chính, xây dựng chính phủ kiến tạo để thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài, thì các thủ tục pháp lý và cách thức đầu tư tại Việt Nam đang nhanh chóng bắt kịp với những thị trường phát triển khác”, ông Jonathon Clarke đánh giá.

Ở các thị trường phát triển hơn như tại châu Âu, các doanh nghiệp rất hiếm khi sở hữu các tòa nhà riêng, thay vào đó là lựa chọn đi thuê bất động sản. Ngân hàng Barclays đã bán và cho thuê lại hầu hết các bất động sản của họ chủ yếu thông qua các cuộc đấu giá nhằm huy động nguồn vốn đến hơn 1 tỷ USD. Phần lớn số tiền này sau đó được tái đầu tư vào các ngành kinh doanh cốt lõi để tạo ra tỷ suất sinh lợi cao hơn cho công ty.

Tại Việt Nam, theo truyền thống, người Việt thích sở hữu nhà ở, đất đai, tuy nhiên nhiều chủ doanh nghiệp đang hướng đến việc bán các bất động sản của họ và thuê lại trong dài hạn. Nguồn vốn huy động được từ những hoạt động như vậy có thể được sử dụng cho các hoạt động kinh doanh cốt lõi nhằm tạo ra mức lợi nhuận cao hơn thay vì để nguồn vốn đó bị tồn đọng trong bất động sản.

Trước đây, các công ty đa quốc gia được yêu cầu phải mua và phát triển các bất động sản của mình nhằm đảm bảo có được giấy phép kinh doanh bất động sản tại Việt Nam. Điều này giờ đây không còn cần thiết nữa sau khi một loạt sắc luật mới được ra đời với nhiều quy định thông thoáng, hiện đại hơn.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com                          

Thành Nguyễn
Báo Đầu tư Bất động sản

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục