Doanh nghiệp bất động sản chờ điểm rơi lợi nhuận

(ĐTCK) Với ngành bất động sản, điểm rơi lợi nhuận thường rơi vào nửa cuối năm bởi đây là giai đoạn cao điểm kinh doanh. Theo đó, những mảng hoạt động chưa tích cực trong nửa đầu năm 2019 như xây dựng được kỳ vọng sẽ khởi sắc trong nửa cuối năm, trong khi các mảng văn phòng, đất nền hay khu công nghiệp dự báo sẽ tiếp tục lạc quan.
Quý cuối năm thường là giai đoạn cao điểm bán hàng. Quý cuối năm thường là giai đoạn cao điểm bán hàng.

Ðiểm sáng bất động sản khu công nghiệp

Nhờ chính sách đẩy mạnh phát triển hệ thống hạ tầng tại khu vực ven TP.HCM, đặc biệt là tác động từ thương chiến Mỹ - Trung khiến các doanh nghiệp nước ngoài có xu hướng chuyển dịch đầu tư sang Việt Nam để tận dụng lợi thế về thuế, giá thuê đất sản xuất tại khu vực này liên tục tăng từ đầu năm, giúp nhiều doanh nghiệp bất động sản khu công nghiệp ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực.

Ðơn cử, 6 tháng đầu năm 2019, Tổng công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc - CTCP (KBC) đạt 1.570 tỷ đồng doanh thu và 511 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng lần lượt 56% và 76% so với cùng kỳ 2018.

Bà Nguyễn Thị Thu Hương, Tổng giám đốc KBC cho biết, kết quả 6 tháng cuối năm dự báo sẽ còn cao hơn nửa đầu năm nên có khả năng KBC sẽ hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu tổng doanh thu hợp nhất 3.900 tỷ đổng và tổng lợi nhuận sau thuế hợp nhất 1.036 tỷ đồng đã đặt ra.

“2019 là năm có nhiều cơ hội đối với KBC, đặc biệt trong thu hút doanh nghiệp FDI. Nắm bắt được xu hướng này, KBC đã triển khai các kế hoạch mở rộng quỹ đất, đa dạng hóa sản phẩm để đón đầu thu hút các doanh nghiệp FDI phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững, giảm thiểu ô nhiễm môi trường của Công ty”, bà Hương nói.

Chia sẻ về hoạt động kinh doanh, bà Hương cho hay, KBC đang triển khai đầu tư theo hình thức liên doanh với các quỹ đầu tư nước ngoài dồi dào về nguồn vốn để phát triển dự án Nhà xưởng quy mô lớn để cho thuê, tạo dòng tiền đều đặn hàng năm. Cùng với đó, KBC tập trung nhân lực để đẩy nhanh tiến độ, hoàn thiện thủ tục pháp lý để có thể bàn giao sản phẩm cho khách hàng ở Khu đô thị Phúc Ninh và tiếp tục mở bán đợt mới.

“Ðây là một trong những dự án nòng cốt, đem lại doanh thu và lợi nhuận cho KBC trong những năm tới. Ngoài ra, dự án Khu công nghiệp Tràng Duệ - Hải Phòng diện tích 42 ha cũng là điểm nhấn quan trọng trong năm 2019. Dự án này đã chào bán thăm dò thị trường thành công”, bà Hương cho biết.

Một doanh nghiệp bất động sản khu công nghiệp khác là CTCP Phát triển khu công nghiệp Tín Nghĩa (TIP) cũng ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng cao trong nửa đầu năm khi đạt hơn 48 tỷ đồng lãi ròng hợp nhất, tăng 124% so với cùng kỳ 2018 nhờ ghi nhận doanh thu cao từ dự án khu dân cư quy mô 18 ha.

TIP đặt mục tiêu lợi nhuận sau thuế hợp nhất cả năm 2019 đạt 130 tỷ đồng, tăng 40% so với năm 2018, với kỳ vọng hoạt động bán hàng tại dự án khu dân cư quy mô 18 ha và dự án Chợ Thống Nhất tiếp tục khả quan, bên cạnh khoản thu thập từ cổ tức của CTCP Khu công nghiệp Long Khánh hay doanh thu cho thuê 55 kios thuộc công trình Kios - đường nối khu công nghiệp. TIP cũng dự kiến lãi ròng hợp nhất năm 2020 ước đạt từ 170-200 tỷ đồng.

Chia sẻ về tiến độ dự án, đại diện TIP cho biết, dự án Khu dân cư Thạnh Phú của công ty con CTCP Tín Khải (tỷ lệ sở hữu 99,88%), quy mô 897 ha, nằm kề phường Trảng Dài, TP. Biên Hòa (cách TP.HCM 34 km), hiện giai đoạn 1 (quy mô 64 ha) đã được bán hết. Công ty dự kiến hoàn tất công tác đền bù, giải tỏa và thi công cơ sở hạ tầng để có thể mở bán và ghi nhận doanh thu phần diện tích hơn 3,7 ha đất còn lại vào năm 2020. Giai đoạn 2 của dự án đang được triển khai, với diện tích là 92 ha, đang trong giai đoạn đền bù giải tỏa và dự kiến từ năm 2022 có thể ghi nhận doanh thu.

Ðối với dự án khu dân cư tại núi Dòng Dài, xã Phước Tân, TP. Biên Hòa của CTCP Xây dựng và thương mại Phước Tân, là công ty liên kết với TIP (tỷ lệ sở hữu 40%), quy mô 156,63 ha (tổng chi phí đầu tư khoảng 750 tỷ đồng tính đến 30/6/2019), gần khu sân golf Long Thành và Khu đô thị sinh thái Aqua City, dự kiến ghi nhận doanh thu và lợi nhuận đợt 1 từ năm 2020. Ngoài ra, TIP còn triển khai một số dự án tiềm năng như dự án khu công nghiệp, thương mại và logistics tại Lộ 25, huyện Thống Nhất, dự án Chợ đầu mối nông sản thực phẩm Dầu Giây…

CTCK BIDV (BSC) cho hay, hiện nay, tại các khu công nghiệp phía Nam thuộc quyền quản lý của các doanh nghiệp trên sàn chứng khoán như Tổng công ty Ðầu tư và phát triển công nghiệp - CTCP (BCM), CTCP Phát triển đô thị công nghiệp số 2 (D2D), CTCP Khu công nghiệp Nam Tân Uyên (NTC), CTCP Long Hậu (LHG)…, tỷ lệ lấp đầy khá cao. Do đó, các doanh nghiệp này đang gấp rút mở rộng thêm các khu mới, đơn cử BCM mở rộng thêm 2 khu công nghiệp Bàu Bàng (mở rộng) và Cây Trường, NTC chờ nhận bàn giao Khu công nghiệp Nam Tân Uyên 3 từ Phước Hòa, LHG đang giải phóng nốt 30% mặt bằng dự án Long Hậu 3...

Với tiến độ đền bù nhanh chóng, những khu công nghiệp mới này dự kiến đi vào hoạt động từ năm 2020. Trong khi ở phía Bắc, một số khu công nghiệp trước đây chưa thu hút được nhà đầu tư, hiện đã có khách thuê như Khu công nghiệp Ðông Mai, Khu công nghiệp Tiền Hải, Phong Ðiền của Tổng công ty Viglacera - CTCP (VGC), Khu công nghiệp Sài Gòn - Chân Mây của KBC… và sẽ tích cực hơn trong thời gian tới.

Dẫu vậy, BSC đánh giá, quỹ đất khu công nghiệp hiện tại của NTC và D2D đều đã hết, nên các doanh nghiệp này sẽ cần lượng vốn lớn để xây dựng cơ sở hạ tầng và hệ thống mới, do đó lượng tiền mặt trong tương lai sẽ không còn dồi dào như hiện nay.

Còn dư địa tăng trưởng

Kết thúc nửa đầu năm 2019, Tổng CTCP Ðầu tư phát triển xây dựng (DIG) ghi nhận sự sụt giảm cả về doanh thu và lợi nhuận so với cùng kỳ 2018. Cụ thể, DIG đạt doanh thu hợp nhất 644 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất 99 tỷ đồng, giảm lần lượt 30,7% và 56,4% so với cùng kỳ, qua đó mới hoàn thành phần nhỏ so với kế hoạch cả năm đề ra là doanh thu 2.900 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 550 tỷ đồng.

Trao đổi với phóng viên Báo Ðầu tư Chứng khoán, lãnh đạo DIG cho biết, do việc hạch toán phải phụ thuộc vào tiến độ bàn giao dự án nên kết quả kinh doanh nửa đầu năm nay không mấy khả quan, khi doanh thu kinh doanh bất động sản, mảng chuyển nhượng quyền sử dụng đất Khu đô thị mới Nam Vĩnh Yên chậm hơn.

“Tuy nhiên, kết quả nửa cuối năm sẽ khả quan hơn khi mức lợi nhuận trước thuế ước đạt trên 400 tỷ đồng, tăng hơn 4 lần so với giai đoạn nửa đầu năm nhờ ghi nhận lợi nhuận từ dự án Nam Vĩnh Yên, dự án Gateway…", lãnh đạo DIG nói.

Về điểm rơi lợi nhuận của Công ty, đại diện DIG cho biết, sẽ tập trung vào năm 2020 với mức lợi nhuận có thể đạt từ 700-800 tỷ đồng. Trong đó, định hướng bất động sản du lịch - nghỉ dưỡng vẫn sẽ là mũi nhọn với tỷ trọng khoảng 40-50% tổng doanh thu, lợi nhuận. Hiện DIG đang triển khai công tác nghiên cứu, chuẩn bị đầu tư các dự án khu du lịch, condotel, các khách sạn đạt tiểu chuẩn cao gắn liền với thương hiệu quốc tế trên địa bàn phát triển du lịch trọng điểm tại Vũng Tàu, Phú Quốc, Côn Ðảo…

Kết quả kinh doanh của CTCP Phát triển đô thị Từ Liêm (NTL) bắt đầu đột biến từ quý II/2019 với 317,5 tỷ đồng doanh thu và hơn 84 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, cao gấp 10 lần kết quả cùng kỳ năm ngoái. 6 tháng đầu năm, NTL đạt doanh thu thuần 453 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 120 tỷ đồng, cùng tăng khoảng 6,5 lần so với cùng kỳ.

Trao đổi với phóng viên, ông Bùi Văn Chiến, Thành viên HÐQT NTL cho biết, trong quý II/2019, NTL đã ghi nhận doanh thu từ dự án Chung cư lô 4.5 Trần Hưng Ðạo, TP. Hạ Long và dự án Bắc Quốc lộ 32, huyện Hoài Ðức, Hà Nội.

“Nếu dự án Bắc Quốc lộ 32 bán hết có thể mang lại 800 tỷ đồng lãi trước thuế. Dù vậy, lợi nhuận từ dự án này sẽ không ghi nhận hết trong năm 2019, mà sẽ phân bổ đều trong các năm 2020, 2021. Trong năm nay, NTL sẽ nỗ lực để hoàn thành kế hoạch tổng doanh thu 810 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế gần 300 tỷ đồng. Chưa kể, NTL đã tích lũy được gần 426 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối (tính đến hết tháng 6/2019)”, ông Chiến thông tin.

Ngoài NTL, nhiều doanh nghiệp bất động sản khác cũng ghi nhận mức lợi nhuận đột biến trong nửa đầu năm như CTCP Tập đoàn Hà Ðô (HDG) đạt 627 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, gấp 8 lần so với cùng kỳ năm 2018; CTCP LDG (LDG) đạt gần 198 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng gần 12 lần. Không tăng trưởng đột biến, nhưng ở mức 2 con số có CTCP Ðầu tư Nam Long với 241 tỷ đồng lãi sau thuế, tăng 40%…

Sáu tháng đầu năm 2019, tuy một số phân khúc gặp khó khăn, nhưng nhìn chung thị trường bất động sản vẫn ổn định. Thị trường văn phòng, đất nền và bất động sản khu công nghiệp tiếp tục xu hướng tăng trưởng, đặc biệt ở những khu vực hạ tầng đã hoàn thiện và vùng ven các thành phố lớn.

Ðánh giá thị trường bất động sản trong 6 tháng cuối năm 2019 và năm 2020, CTCK Vietcombank (VCBS) cho rằng, sự ổn định sẽ vẫn được duy trì. Trong đó, phân khúc chung cư trung cấp tiếp tục giao dịch tốt do phù hợp với thu nhập và nhu cầu mua nhà để ở của phần lớn người dân và là yếu tố chính giúp các doanh nghiệp bất động sản ghi nhận hiệu quả trong ngắn và trung hạn.

Hoàng Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục