Doanh nghiệp bảo hiểm tái định vị bền vững

(ĐTCK) Từ vài năm trước, phát triển bền vững đã được nhiều doanh nghiệp bảo hiểm đưa vào chiến lược hoạt động. Năm 2018, định hướng này tiếp tục được các doanh nghiệp tập trung thực hiện nhằm tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững trong trung và dài hạn.
Doanh nghiệp bảo hiểm tái định vị bền vững

Kiên định mục tiêu phát triển bền vững

Ông Đào Đình Thi, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Bảo Việt, Phó chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD) cho biết, năm 2017, tại Bảo Việt, chiến lược phát triển bền vững được triển khai thông qua việc cân đối giữa các mục tiêu kinh tế - xã hội - môi trường và gắn kết các mục tiêu này trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

“Kiên định mục tiêu phát triển bền vững giúp Bảo Việt củng cố nội lực, tăng trưởng vững chắc, nâng cao vị thế và uy tín đối với khách hàng, nhà đầu tư, người lao động và cộng đồng. Chúng tôi xác định, để đạt mục tiêu phát triển bền vững, bên cạnh việc đảm bảo tăng trưởng về mặt doanh thu và lợi nhuận thì những đóng góp cho sự phát triển của cộng đồng cũng như nỗ lực chung tay bảo vệ môi trường của doanh nghiệp cần được quan tâm”, ông Thi nói.

Nhiều doanh nghiệp bảo hiểm khác như PVI, Bảo Minh, PTI, PJICO cũng coi việc gắn kết phát triển bền vững trong chiến lược trung và dài hạn là tất yếu, giúp doanh nghiệp nâng cao hiệu quả hoạt động, từ đó các giải pháp kinh doanh của doanh nghiệp dễ phát huy hiệu quả hơn.

Tất nhiên, sự đồng thuận và cam kết trong việc hiện thực hóa chiến lược phát triển bền vững tại từng doanh nghiệp bảo hiểm là khác nhau, tùy thuộc vào quy mô hoạt động cũng như quan điểm của người đứng đầu doanh nghiệp.

Tại PJICO, trong những năm gần đây, sau khi ông Đào Nam Hải chính thức giữ vị trí Tổng giám đốc thay cho người tiền nhiệm, cụm từ “kiên định với mục tiêu tăng trưởng bền vững và hiệu quả” ngày càng khắc sâu trong tâm trí cán bộ, nhân viên Công ty.

Tháng 5/2017, thời điểm PJICO quyết định bán 20% cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài là Samsung Fire & Marine Insurance Company Ltd. (SFMI) để tăng vốn điều lệ lên hơn 887 tỷ đồng, Báo Đầu tư Chứng khoán đã đặt câu hỏi, liệu việc thay đổi cơ cấu sở hữu có ảnh hướng đến hoạt động/chiến lược phát triển chung được duy trì nhiều năm tại PJICO hay không?

Ông Hải khi đó khẳng định, sự xuất hiện của nhà đầu tư Hàn Quốc được kỳ vọng sẽ giúp PJICO phát triển hơn, góp phần hiện thực hóa chiến lược có sẵn là tăng trưởng bền vững và hiệu quả.

Thực tế, theo PJICO, cùng với sự hỗ trợ của cổ đông chiến lược, năm 2017, Công ty đạt tốc độ tăng trưởng cao về tổng lợi nhuận trước thuế, bỏ xa tốc độ tăng trưởng doanh thu. Cụ thể, tổng lợi nhuận trước thuế ước đạt 155 tỷ đồng, tăng 24% so với năm 2016, trong khi doanh thu bảo hiểm gốc ước đạt 2.500 tỷ đồng, tăng 6% so với năm 2016.

Năm 2018, PJICO kỳ vọng cam kết hỗ trợ của nhà đầu tư chiến lược sẽ tiếp tục góp phần giúp Công ty nâng cao năng lực cạnh tranh như phát triển các sản phẩm bảo hiểm mới, phát triển các kênh bán lẻ cho người Hàn Quốc tại Việt Nam, đẩy mạnh khai thác bán bảo hiểm online, bancassurance thông qua Internet Banking, Mobile Banking của các ngân hàng.

Ngoài ra, để nâng cao năng lực cạnh tranh, PJICO sẽ tập trung phát triển các sản phẩm bảo hiểm tiềm năng và hiệu quả; tăng khai thác, phát triển khách hàng có vốn đầu tư nước ngoài; chú trọng bán bảo hiểm qua hệ thống các cửa hàng xăng dầu Petrolimex.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch Công ty cổ phần PVI (PVI Holdings) nhìn nhận, chiến lược phát triển bền vững, hiệu quả là mục tiêu sống còn của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh rủi ro như bảo hiểm. Năm 2017, ông Tuấn cho biết, với lợi thế về bảo hiểm công nghệ kết hợp sức mạnh công nghệ, Bảo hiểm PVI (công ty con của PVI Holdings) đã từng bước phát triển thị trường bán lẻ có hiệu quả.

Năm 2018, kinh tế Việt Nam được dự báo tiếp tục tăng trưởng cao, nhưng tiềm ẩn không ít khó khăn, thách thức. Do đó, định hướng phát triển bền vững của các công ty bảo hiểm sẽ được tập trung thực hiện, với điểm nhấn là đầu tư dự án công nghệ thông tin.

Nguồn tin từ Tập đoàn Bảo Việt cho hay, để tạo đà cho việc hoàn thành các mục tiêu kinh doanh theo định hướng “Khẳng định thương hiệu Việt”, Bảo Việt đã chuẩn bị tâm thế ngay từ năm 2017 bằng việc tập trung triển khai tái định vị thương hiệu theo hướng phát triển bền vững thông qua “xanh hóa” điểm tiếp xúc thương hiệu, gắn chiến lược thương hiệu với chiến lược kinh doanh trong tiến trình hội nhập quốc tế bằng uy tín và giá trị thương hiệu. Năm 2017, Tập đoàn ước hoàn thành vượt mức kế hoạch kinh doanh.

Năm 2018, Bảo Việt sẽ tập trung đầu tư hoàn thiện hạ tầng công nghệ thông tin tiên tiến, đẩy mạnh các dự án công nghệ thông tin trọng điểm nhằm góp phần nâng cao chất lượng công tác quản trị điều hành và thúc đẩy hoạt động kinh doanh của toàn hệ thống, cung cấp cho khách hàng các dịch vụ tài chính trực tuyến trọn gói và đáp ứng yêu cầu cạnh tranh trong xu hướng Cách mạng công nghiệp 4.0, đồng thời tăng cường hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước để phát triển các sản phẩm/dịch vụ lần đầu tiên có mặt tại Việt Nam.

Nhiều khó khăn, thách thức

Hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh rủi ro, chính xác hơn là nhận rủi ro từ khách hàng về mình, các doanh nghiệp bảo hiểm dù lớn hay nhỏ đều gặp khó khăn, thách thức trong hoạt động, nhất là trong việc hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững, trong đó thách thức từ biến đổi khí hậu đang được nhìn nhận là có mức độ ảnh hưởng không nhỏ.

Cụ thể, những thiệt hại của biến đổi khí hậu đối với nền kinh tế của quốc gia sẽ gây rủi ro cho hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm xét ở khía cạnh thu nhập của người dân giảm và các ưu tiên dành cho bảo hiểm có thể được thay thế cho những nguy cơ khác cấp bách hơn của khách hàng nhằm phục vụ cho các mục tiêu ngắn hạn.

“Biến đổi khí hậu gây ngập úng và xâm nhập mặn, đặc biệt là tại Đồng bằng sông Cửu Long, gây ảnh hưởng đến canh tác nông nghiệp của người nông dân khi cây trồng ngập úng, sản lượng từ nuôi trồng thủy sản giảm sút, từ đó gây rủi ro cho bảo hiểm nông nghiệp và thủy sản của Bảo Việt”, Tập đoàn Bảo Việt cho hay.

Các doanh nghiệp khác cũng đối mặt với rủi ro này như Bảo Minh, PJICO, PVI…, khi trong danh mục sản phẩm bảo hiểm có bảo hiểm nông nghiệp và thủy sản.

Hạn hán, lũ lụt ngày càng nghiêm trọng do biến đổi khí hậu, bên cạnh đó, thời tiết có những diễn biến bất thường, đặc biệt là giá rét, gây thiệt hại về người và của, đồng thời làm tăng nguy cơ bùng phát dịch bệnh. Theo đó, các gói bảo hiểm y tế/bảo hiểm sức khỏe của doanh nghiệp bảo hiểm có mức độ rủi ro cao.

Không ít đợt hạn hán kéo dài làm gia tăng nguy cơ cháy rừng, cháy nổ nhà máy, gây rủi ro cho các doanh nghiệp bảo hiểm khi thực hiện bảo hiểm về lâm nghiệp hay bảo hiểm nhà xưởng cho các doanh nghiệp/tổ chức.

Theo thống kê của các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, năm 2017 có số lượng bão và áp thấp vào Việt Nam đạt mức kỷ lục: 16 cơn bão và 4 áp thấp nhiệt đới. Không chỉ nhiều về số lượng, bão trong năm qua còn có mức độ tàn phá nặng nề. Thiệt hại từ thiên tai do đó là rất lớn và đến nay vẫn chưa khắc phục xong. Trung bình mỗi năm Việt Nam có hơn 390 người chết và thiệt hại hơn 1,3% GDP do các thảm họa liên quan đến biến đổi khí hậu gây ra, từ đó ảnh hưởng đến các doanh nghiệp bảo hiểm với các chi phí bồi thường bảo hiểm gia tăng.

Các thách thức khác như áp lực tăng doanh số dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh, hiện tượng trục lợi bảo hiểm có diễn biến phức tạp… khiến các doanh nghiệp bảo hiểm thêm khó khăn, ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển bền vững.

Tại buổi tổng kết năm 2017, kế hoạch 2018, Bảo hiểm PVI cho biết, năm 2017 là năm thứ tư giá dầu chưa trở về được mức cao như trước, ảnh hưởng mạnh mẽ đến lĩnh vực bảo hiểm dầu khí năng lượng. Ngành dầu khí Việt Nam trải qua sóng gió lớn chưa từng có, vừa ảnh hưởng trực tiếp tới kết quả kinh doanh của các đơn vị trong ngành, vừa tạo ra những ảnh hưởng không nhỏ tới tâm lý người lao động.

Trong thư gửi tới toàn hệ thống PVI nhân dịp năm mới 2018, ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch và ông Bùi Vạn Thuận, Tổng giám đốc Công ty kỳ vọng, “sau cơn mưa trời lại sáng”, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) sẽ tiếp tục là điểm tựa vững chắc cho những thành công mới của PVI.

Với cơ hội đan xen thách thức, các doanh nghiệp bảo hiểm không chỉ hành động để mang lại sự phát triển bền vững cho chính doanh nghiệp, mà các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp lớn, coi trách nhiệm chung tay giải quyết thách thức là điều kiện cần trong bối cảnh tạo ra nền tảng phát triển bền vững không phải là chuyện một sớm một chiều có thể thực hiện được.

Kim Lan

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục