Doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ thận trọng

(ĐTCK) Đã có những doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ đầu tiên công bố kế hoạch kinh doanh năm 2022 - điều không thường thấy trước khi tiến hành họp đại hội đồng cổ đông thường niên…
2022 vẫn là năm có nhiều thách thức với các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ. Ảnh: Dũng Minh

Người tham vọng, kẻ thận trọng

Trong cuộc họp triển khai công tác năm 2022 mới đây, Hội đồng quản trị Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Petrolimex (PJICO, mã PGI) đã thông qua kế hoạch kinh doanh 2022 với doanh thu phí bảo hiểm gốc tăng trưởng 10-12% so với thực hiện năm 2021, lợi nhuận trước thuế đạt tối thiểu 250 tỷ đồng, mức chi trả cổ tức là 12%.

Nếu như không có yếu tố bất thường như dịch bệnh, việc một doanh nghiệp phi nhân thọ đặt mục tiêu tăng trưởng doanh thu phí năm sau cao hơn năm trước khoảng 10-12% là không cao, nhưng trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp như hiện nay, kế hoạch trên của PJICO được đánh giá là khá thách thức.

Năm 2021, PJICO ước đạt tổng doanh thu hoạt động kinh doanh ở mức 3.833 tỷ đồng, trong đó doanh thu phí bảo hiểm gốc là 3.231 tỷ đồng; tổng lợi nhuận trước thuế ước đạt 350 tỷ đồng, hoàn thành 173% kế hoạch cả năm và tăng gấp 1,6 lần so với năm 2020. Đây là mức lợi nhuận cao nhất trong hơn 26 năm hoạt động của hãng bảo hiểm này.

Năm qua, mặc dù doanh thu tăng trưởng chậm lại do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhưng cũng như các công ty bảo hiểm phi nhân thọ thuộc tốp đầu thị trường khác, lợi nhuận trước thuế của PJICO vẫn bứt phá nhờ lợi nhuận thuần hoạt động kinh doanh bảo hiểm cải thiện, tỷ lệ bồi thường và tỷ lệ kết hợp trong năm 2021 đều ở mức thấp do không có/hoãn yêu cầu bồi thường trong giai đoạn giãn cách xã hội….

Việc hưởng lợi từ tỷ lệ bồi thường thấp do người được bảo hiểm hoãn nộp các yêu cầu bồi thường trong giai đoạn giãn cách xã hội sẽ khó có thể lặp lại, vì vậy, tỷ lệ bồi thường dự báo sẽ quay về mức bình thường trong năm nay.

Tương tự, tại hội nghị tổng kết năm 2021 vừa tổ chức cuối tháng 2/2022, mặc dù chưa công bố cụ thể con số doanh thu, song Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm BIDV (mã BIC) không giấu tham vọng lọt vào Top 5 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ dẫn đầu về thị phần và đứng trong Top 3 nhà bảo hiểm đứng đầu về tỷ suất sinh lời vào năm 2025.

Được biết, năm 2021 là năm đầu tiên BIC tham gia Câu lạc bộ 500 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Cụ thể, kết thúc năm 2021, tổng doanh thu phí bảo hiểm Công ty mẹ BIC đạt 2.885 tỷ đồng, tăng 12,6% so với năm 2020. Trong đó, doanh thu phí bảo hiểm gốc đạt 2.716 tỷ đồng, tăng trưởng 13,4%. Tổng lợi nhuận hợp nhất trước thuế năm 2021 lần đầu tiên vượt mốc 500 tỷ đồng, tăng trưởng 33,8%. Trong năm 2022, song song với mục tiêu cải thiện hiệu quả hoạt động, BIC cũng sẽ nỗ lực đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng quy mô doanh thu phí bảo hiểm.

Trong bối cảnh thị trường cạnh tranh ngày một gay gắt, việc duy trì mức tăng trưởng bình quân hơn 10%/năm đối với một doanh nghiệp bảo hiểm có thị phần lớn là không dễ dàng, chưa kể trong năm 2022, những lợi thế giúp doanh nghiệp đạt được mức lợi nhuận cao như năm 2021 đã không còn. Chẳng hạn, với BIC, việc duy trì lợi nhuận 2022 tối thiếu bằng năm 2021 là 500 tỷ đồng cũng đã là một thách thức không nhỏ khi mà dịch bệnh Covid-19 vẫn còn hiện hữu.

Một hãng bảo hiểm nằm trong Top 5 thị phần doanh thu lớn nhất khác cũng đã công bố kế hoạch kinh doanh năm nay với mục tiêu doanh thu tăng trưởng khoảng 10%, nhưng lợi nhuận kinh doanh lại tăng thấp hơn so với năm trước. Lý do doanh nghiệp này chưa đưa ra con số cụ thể cho năm 2022 là bởi có sự thay đổi trong hội đồng quản trị, khả năng tại đại hội đồng cổ đông thường niên dự kiến tổ chức trong tháng 3 này mới chính thức được công bố.

Trong một diễn biến khác, việc hưởng lợi từ tỷ lệ bồi thường thấp do người được bảo hiểm hoãn nộp các yêu cầu bồi thường trong giai đoạn giãn cách xã hội được cho là sẽ khó có thể lặp lại, vì vậy, tỷ lệ bồi thường dự báo sẽ quay về mức bình thường trong năm 2022. SSI Research đánh giá, tăng trưởng lợi nhuận ròng năm 2022 sẽ chậm lại đối với các công ty bảo hiểm phi nhân thọ do mức so sánh cao trong năm 021.

Đối với mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng doanh thu, ngoài việc tiếp tục mở rộng các kênh phân phối, một trong những phương án được tính đến là tăng quyền lợi và phí bán một số sản phẩm bảo hiểm qua các kênh chuyên biệt. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng sẽ mở rộng hợp tác với các đối tác có mạng lưới rộng lớn như viễn thông, bán lẻ… để triển khai các sản phẩm bảo hiểm thông dụng.

“Điểm tựa” nới room

Theo SSI Research, việc ban hành hành lang pháp lý để xác định cụ thể tỷ lệ sở hữu nước ngoài (FOL) tại các công ty bảo hiểm phi nhân thọ đã tác động tích cực tới cổ phiếu ngành này, điều mà trước đây chưa được xác định và cũng không có văn bản quy phạm pháp luật nào đề cập tới.

Trước đó, vào tháng 8/2021, trên Cổng thông tin quốc gia về đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chính thức cập nhật Điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài, trong đó nêu rõ tỷ lệ FOL đối với ngành bảo hiểm là 100%.

Động thái này đã tháo gỡ vướng mắc về room ngoại tại các công ty bảo hiểm phi nhân thọ trong những năm qua. Sau đó, một số công ty đã báo cáo về việc điều chỉnh tỷ lệ FOL với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước lên mức tối đa 100% như Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Bưu điện (mã PTI), Công ty cổ phần Bảo hiểm PVI, Tổng công ty cổ phần Tái bảo hiểm PVI - PVI Re (mã PRE)…, hay ở mức 49% như Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Bảo Việt (mã BVH).

Trong tháng 12/2021, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (VNPost) đã thoái toàn bộ 22,7% cổ phần PTI đang nắm giữ cho 3 cổ đông cá nhân. Khi đó, cổ đông tổ chức lớn nhất của PTI là DB dù rất muốn gia tăng tỷ lệ sở hữu nhưng không đấu giá thành công.

Cuối tháng 1/2022, PJICO cũng đã nhận được văn bản chấp thuận của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước về việc nâng room ngoại lên mức tối đa 100%, từ mức 49% trước đó. Như vậy, nhà đầu tư nước ngoài không còn gặp hạn chế về tỷ lệ sở hữu khi đầu tư vào doanh nghiệp này.

Hiện tại, nhà đầu tư quan tâm tới cổ phiếu bảo hiểm đang ngóng chờ thông tin chính thức về việc thoái vốn của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) tại Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Bảo Minh (mã BMI), cũng như thông báo tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa tại doanh nghiệp này. Được biết, quy trình thoái vốn của SCIC đã hoàn tất, nhưng tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài đang chờ Bộ Tài chính phê duyệt.

Gia Linh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục