Doanh nghiệp bán lẻ nội, đừng chỉ trông chờ vào hỗ trợ của Nhà nước

Lãnh đạo một số doanh nghiệp bán lẻ nội cho rằng, bên cạnh việc Nhà nước hỗ trợ hệ thống bán lẻ, thì các doanh nghiệp Việt Nam cũng cần có sự liên kết với nhau, chia sẻ thông tin, đoàn kết để có tiếng nói chung, cùng giải quyết khó khăn trong thị trường bán lẻ.
Doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam đang phải cạnh tranh gay gắt với các nhà bán lẻ nước ngoài. Ảnh: Chí Cường Doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam đang phải cạnh tranh gay gắt với các nhà bán lẻ nước ngoài. Ảnh: Chí Cường

Theo báo cáo mới đây của Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, mặc dù Việt Nam có tới 93 triệu dân, trong đó 60% là người tiêu dùng trẻ, nhưng doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam chỉ đáp ứng được 25% nhu cầu, thấp hơn so với nhiều nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Philippines...

Cũng theo Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, hiện trên cả nước có 700 siêu thị, 132 trung tâm thương mại, trong đó riêng tại TP.HCM đã có 39 trung tâm thương mại, 181 siêu thị và 800 cửa hàng tiện lợi. Theo kế hoạch thì tới năm 2020 cả nước sẽ có khoảng 1.200 - 1.500 siêu thị, 180 trung tâm thương mại và 157 trung tâm mua sắm, với kỳ vọng đẩy mạnh tỷ lệ bán lẻ của Việt Nam lên 45%. 

Hiện các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam đang phải cạnh tranh với sự đổ bộ của các nhà bán lẻ nước ngoài như Berli Jucket Plc (Thái Lan) đã mua 24 cửa hàng FamilyMart, đồng thời mua chuỗi Metro Việt Nam. Mới đây là Central Group, cũng của đại gia Thái Lan, mua lại một nửa siêu thị Nguyễn Kim, Big-C.

"Nhiều doanh nghiệp Việt Nam luôn coi thị trường trong nước là thị trường nhỏ, không có đầu tư, coi bán hàng nội địa chỉ là để quảng bá" - Bà Lê Thị Thanh Lâm, Tổng giám đốc Saigon Food.

Ngoài các nhà bán lẻ Thái Lan, thì Aeon (Nhật Bản) và Lotte mart (Hàn Quốc) cũng đang gia tăng sự hiện diện tại thị trường Việt Nam. Doanh nghiệp bán lẻ ngoại với tiềm lực tài chính lớn, trình độ quản trị cao, đang lấn át doanh nghiệp bán lẻ nội.

Để hỗ trợ các nhà bán lẻ nội, nhiều giải pháp đã được Chính phủ đưa ra. Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM cho biết, thị trường bán lẻ nội địa phải mở cửa cho các doanh nghiệp ngoại là điều tất yếu của tiến trình hội nhập. Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ, tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển, đặc biệt là các doanh nghiệp phân phối và sản xuất. Điều quan trọng là các doanh nghiệp có tận dụng được hay không.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Long Biên, chuyên sản xuất mặt hàng nước mắm và hải sản cho rằng, mặc dù Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ như chính sách vốn, chính sách vận động “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam”…, nhưng một số chính sách khi triển khai còn bất cập và chưa phát huy tác dụng.

Ông Tuấn lấy ví dụ trong vấn đề vay vốn. Chính sách của Nhà nước là sẽ hỗ trợ hết mức, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận vốn, nhưng khi doanh nghiêp đi vay ngân hàng để phát triển sản xuất và đầu tư máy móc thì vẫn rất khó khăn, ngân hàng nào cũng đòi hỏi phải có tài sản thế chấp.

“Chính sách của Nhà nước nêu rằng có thể vay bằng ý tưởng kinh doanh, nhưng đưa ý tưởng và hướng phát triển ra trình bày với ngân hàng thì chả ngân hàng nào chấp nhận cho vay”, ông Tuấn nói.

Chỉ rõ những khó khăn của thương mại nội địa, ông Phạm Đình Đoàn, Phó chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam cũng cho rằng, phát triển thị trường nội địa gặp khó không chỉ xuất phát từ các nhà kinh doanh bán lẻ Việt Nam còn nhiều yếu kém, mà còn do chính các nhà sản xuất trong nước chưa ý thức được tầm quan trọng của hệ thống phân phối, chưa quan tâm tới vấn đề marketing, xây dựng thương hiệu để tạo ra lợi thế cạnh tranh.

Vì vậy, ông Đoàn cho rằng, cùng với những hỗ trợ từ phía Nhà nước thì bản thân các doanh nghiệp cũng cần coi trọng xây dựng hình ảnh thương hiệu, song hành với nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa.

Bà Lê Thị Thanh Lâm, Tổng giám đốc Saigon Food cho biết, do thiếu thông tin thị trường khiến doanh nghiệp bán lẻ Việt bị o ép, không đạt được sự phát triển như mong muốn. Một điều hết sức nguy hiểm nữa, đó là nhiều doanh nghiệp Việt Nam luôn coi thị trường trong nước là thị trường nhỏ, không có đầu tư, coi bán hàng nội địa chỉ là để quảng bá.

Cũng theo bà Lâm, bên cạnh việc Nhà nước hỗ trợ hệ thống bán lẻ, thì các doanh nghiệp Việt Nam cũng cần có sự liên kết với nhau, chia sẻ thông tin, đoàn kết để có tiếng nói chung, cùng giải quyết khó khăn trong thị trường bán lẻ.

Đồng tình với ý kiến của bà Lâm, ông Phạm Ngọc Hưng, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM cũng cho rằng, vấn đề mấu chốt cần phải thực hiện là tăng cường tính kết nối giữa các nhà bán lẻ và các nhà sản xuất nội địa, việc liên kết các doanh nghiệp cùng ngành hàng sẽ tạo ra sức mạnh làm đối trọng với các nhà bán lẻ nước ngoài.

“Tính trên tổng thể các chính sách hỗ trợ của Nhà nước cho thị trường bán lẻ thì hiện nay vẫn chưa có chính sách bảo hộ nào đối với các doanh nghiệp bán lẻ trong nước. Điển hình như quy định ENT (xác định nhu cầu kinh tế trọng điểm) chưa cụ thể và chưa phải là khung ENT ở cấp độ toàn quốc, mỗi địa phương áp dụng ENT một kiểu, khiến cho doanh nghiệp bán lẻ từng địa phương gặp khó”, ông Hưng nói.

Gia Huy
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục