Doanh nghiệp ấm ức với câu hỏi “sai ở đâu”

0:00 / 0:00
0:00
Nhiều doanh nghiệp vận chuyển hàng quá cảnh đang đề nghị làm rõ lý do bị xử phạt vì cho rằng, làm đúng vẫn bị phạt.
Lợi thế của Việt Nam trong lĩnh vực logistics, thậm chí cơ hội trở thành trung tâm logistics của khu vực sẽ bị bỏ lỡ, nếu lo lắng của doanh nghiệp không được giải quyết nhanh Lợi thế của Việt Nam trong lĩnh vực logistics, thậm chí cơ hội trở thành trung tâm logistics của khu vực sẽ bị bỏ lỡ, nếu lo lắng của doanh nghiệp không được giải quyết nhanh

Bị phạt có đúng?

Đây không đơn giản chỉ là một câu hỏi đúng - sai, khi người nêu câu hỏi vừa chịu quyết định xử phạt từ phía cơ quan hải quan. Ông Đỗ Thế Hoàn, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư Xuyên Á Khải Long trình bày, Công ty có 10 container hàng hóa bị kiểm tra, bị phạt vì khai sai xuất xứ, tên hàng, số lượng.

“Chúng tôi bị phạt, thì phải chịu, nhưng băn khoăn là container hàng nguyên trạng, doanh nghiệp đảm bảo không can thiệp, chủ hàng cung cấp hồ sơ thế nào thì chúng tôi khai như vậy. Chúng tôi chỉ hỏi là chúng tôi có sai không, phạt chúng tôi có đúng không?”, ông Hoàn đặt câu hỏi với đại diện Tổng cục Hải quan tại Tọa đàm Gỡ nút thắt cho vận tải hàng hóa quá cảnh, do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam vừa tổ chức.

Vấn đề là không chỉ một mình ông Hoàn đặt câu hỏi này. Đại diện Công ty TNHH Dịch vụ quá cảnh XNK cũng đặt vấn đề tương tự. Công ty đã thực hiện khai tờ khai độc lập đúng theo hướng dẫn của Bộ Tài chính, tuân thủ đầy đủ quy định về giám sát hải quan, nghĩa là hàng hóa vận chuyển quá cảnh giữ nguyên trạng, nguyên niêm phong, đi đúng tuyến đường, đúng thời gian quy định…

“Chúng tôi bị dừng 8 container ở cửa khẩu Chalo (Quảng Bình), số lượng có thể không nhiều, nhưng nhân lực ở cửa khẩu không đủ, khiến các xe phải đợi nhau để được kiểm hàng. Câu hỏi của chúng tôi là có cách nào khác không? Chúng tôi đã làm đúng, nhưng vẫn bị phạt, thì hướng dẫn lại cho chúng tôi làm thế nào để không bị phạt”, đại diện Công ty XNK làm rõ trường hợp của Công ty.

Lỗi mà XNK bị phạt tương tự lỗi của nhiều doanh nghiệp khác, đó là khai sai số lượng, chủng loại hàng hóa… Nhưng mấu chốt của sự việc là, các doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa quá cảnh của Việt Nam nhận các container còn nguyên niêm phong của chủ hàng nước ngoài, có kẹp chì và seal định vị điện tử của cơ quan hải quan Việt Nam tại cửa khẩu nhập. Các container hàng sẽ được vận chuyển nguyên trạng đến cửa khẩu xuất theo tuyến đường, thời gian đã xác định từ trước, nghĩa là hàng hóa không được tiêu thụ tại thị trường Việt Nam.

Tuy nhiên, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp vận chuyển cho biết, họ liên tục bị kiểm tra thực tế các container hàng hóa quá cảnh tại các cửa khẩu, thực hiện cả ở cửa khẩu nhập và cửa khẩu xuất theo hướng kéo dài thời gian kiểm tra, gây ra những thiệt hại không đáng có cho doanh nghiệp. Có doanh nghiệp đã tính, họ bị phạt 32,7 triệu đồng vì khai sai số lượng, chủng loại hàng hóa, nhưng riêng chi phí bốc vác là 42 triệu đồng, chưa kể phí lưu xe, các chi phí khác trong quá trình chờ được kiểm hàng.

Trong thư gửi VCCI đề nghị tổ chức cuộc đối thoại với đại diện Tổng cục Hải quản, các hiệp hội đại diện cho các doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa quá cảnh bằng đường bộ rất bức xúc với tình trạng này. Hiện tại, các doanh nghiệp chịu sức ép rất lớn từ phía chủ hàng nước ngoài. Nhiều chủ hàng không trả tiền thuê vận chuyển cho doanh nghiệp Việt Nam, yêu cầu doanh nghiệp Việt trả tiền phạt và bồi thường thiệt hại do không đảm bảo thời gian giao hàng, không đảm bảo giữ nguyên niêm phong của chủ hàng nước ngoài khi hàng hóa bị rạch ra kiểm tra thủ công…

“Điều chúng tôi muốn nhấn mạnh là, sau các lần kiểm tra, chúng tôi chưa bao giờ bị phạt do vi phạm các quy định giám sát hải quan trong quá trình vận chuyển hàng hóa quá cảnh. Lỗi thường bị phạt là lỗi khai sai số lượng, chủng loại, nhãn mác. Đúng là vi phạm rồi, nhưng về bản chất, các doanh nghiệp vận chuyển không thể biết hàng hóa quá cảnh có bị khai sai không. Nếu sai, cần phải phạt thì phải phạt chủ hàng, chứ không thể bắt phạt doanh nghiệp vận chuyển được”, ông Trần Đức Nghĩa, Chủ tịch Hiệp hội Logistics Hà Nội thẳng thắn.

Ai đang được hưởng lợi?

Dù chia sẻ với những bức xúc của doanh nghiệp, đại diện Tổng cục Hải quan tham gia Tọa đàm trên cho biết, theo quy định pháp luật hiện hành về hải quan, thì người đứng tên tờ khai hải quan sẽ chịu trách nhiệm. “Tôi từng đề nghị xử lý chủ hàng, trong trường hợp với hàng hóa trong kho ngoại quan, nhưng theo quy định thì người khai phải chịu trách nhiệm. Có ý kiến là xử phạt chủ hàng nước ngoài, nhưng họ có đăng ký kinh doanh ở Việt Nam đâu”, vị đại diện bình luận.

Những vấn đề thuộc về sửa đổi văn bản pháp luật, chuyển đổi hình thức kiểm tra, giám sát sẽ cần thời gian, tuân thủ các quy trình sửa đổi văn bản. Nhưng chúng ta đang nói đến thời cơ của doanh nghiệp Việt Nam, đến việc cạnh tranh của doanh nghiệp nước ngoài trong lĩnh vực này. Thời cơ không chờ chúng ta. Tôi đề nghị cơ quan hải quan có giải pháp giải quyết vấn đề trước mắt cho doanh nghiệp.

- Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam

Cũng theo vị đại diện này, 2 tháng qua, trong 80 container hàng hóa quá cảnh bị kiểm tra, hải quan phát hiện 50 container vi phạm, liên quan đến 44 vụ việc, trong đó 3 vụ việc liên quan đến hàng cấm, 9 vụ việc liên quan đến sở hữu trí tuệ và 32 vụ việc sai về khai báo xuất xứ, số lượng, chủng loại.

Như vậy, theo các đại diện của cơ quan hải quan, dù phát hiện vấn đề chưa hợp lý, muốn thay đổi, cũng không được vì hải quan là cơ quan thực thi pháp luật, gác cổng cho Nhà nước về hoạt động xuất nhập khẩu. Thậm chí, khi các doanh nghiệp dẫn các điều ước quốc tế và thực tiễn các vụ án từng diễn ra để chứng minh thông lệ các doanh nghiệp vận chuyển được miễn trách nhiệm với các sai phạm liên quan đến hàng hóa khi tuân thủ đúng quy định về vận chuyển hàng quá cảnh, đại diện cơ quan hải quan cho rằng, sẽ ghi nhận và đề xuất khi tiến hành sửa đổi các văn bản liên quan.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Ngô Khắc Lễ, Phó tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam thực sự lo lắng. “Các doanh nghiệp nước ngoài không quan tâm chúng ta sẽ phải sửa đổi cái gì, mất thời gian ra sao, quy trình thế nào, nhưng việc hàng của họ bị xé ra kiểm tra thủ công lan đi rất nhanh. Nếu chúng ta không giải quyết nhanh, thì lợi thế rất lớn của Việt Nam trong lĩnh vực logistics, thậm chí cơ hội để trở thành trung tâm logistics của khu vực sẽ bị bỏ lỡ, trong khi các nước khác ít lợi thế hơn đang tranh thủ tạo ra cơ hội, mà họ đi rất nhanh…”, ông Lễ nói.

Thực ra, các doanh nghiệp vận tải đã kiến nghị sự việc này từ năm 2019 - 2020, khi cơ quan hải quan thực hiện dừng toàn tuyến để kiểm tra tính tuân thủ của doanh nghiệp. Thời điểm đó, trong một cuộc đối thoại giữa doanh nghiệp với cơ quan hải quan, đề nghị sửa đổi các quy định để đảm bảo xử lý đúng người, đúng sai phạm đã được các doanh nghiệp đặt ra.

Ông Trần Văn Hào, Giám đốc Công ty cổ phần Vận tải Thái Việt Trung kể, cơ quan hải quan cũng nhìn nhận ra vấn đề về quy định pháp lý, hứa sẽ xem xét. “Từ đó đến giờ, việc rà soát pháp lý đã được thực hiện chưa? Nếu chỉ vì không tìm được chủ hàng là doanh nghiệp ngoại để phạt, mà phạt doanh nghiệp nội thì có sai không?”, ông Hào đặt vấn đề.

Điều quan trọng nữa là, trong trường hợp các doanh nghiệp vận tải bị phạt, họ cũng không thể khắc phục sai phạm.

Có cách nào khác không?

Là người đại diện cho nhóm doanh nghiệp vận tải trình bày một số bất cập dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc Công ty Luật TNHH Nguyễn Mạnh Cường cho rằng, trong các trường hợp trên, doanh nghiệp vận chuyển Việt Nam không có lỗi để chịu xử phạt hành chính.

“Nếu phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật về khai sai và các vấn đề liên quan đến hàng hóa như số lượng, tên hàng, xuất xứ, hay xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, thì cơ quan hải quan nên xử phạt chủ hàng nước ngoài”, ông Cường đề xuất phương án.

Đồng tình với ý kiến này, ông Nguyễn Minh Đức, chuyên gia pháp chế Ban Pháp chế (VCCI) cho biết, các nước đều đối diện với tình huống tương tự, nhưng phần lớn cách ứng xử theo nguyên tắc là ai thực hiện hành vi sai thì xử phạt người đó.

Theo ông Đức, các nước sẽ vẫn ra quyết định xử phạt đối tượng vi phạm, gửi đến địa chỉ của doanh nghiệp, dù doanh nghiệp đó ở nước ngoài. Nếu doanh nghiệp đó nộp phạt thì vụ việc kết thúc, nhưng nếu không, tên của doanh nghiệp không chấp hành lệnh xử phạt sẽ bị ghi vào sổ đen, sẽ bị chặn nếu họ xuất hiện hay làm ăn ở quốc gia đó.

“Tôi nghĩ đây là cách ứng xử phù hợp mà cơ quan hải quan có thể tham khảo. Chúng ta cũng không nên cho rằng, vì không thi hành được quyết định xử phạt với doanh nghiệp ở nước ngoài nên không ra quyết định xử phạt. Vì nếu không ra quyết định xử phạt, chúng ta không có cơ sở để ngăn chặn, xử lý họ ở các giao dịch sau đó…”, ông Đức chia sẻ.

Phía cơ quan hải quan cũng đưa ra đề nghị, các doanh nghiệp áp dụng cách khai đơn giản, thay vì khai chi tiết số lượng hàng hóa như bao nhiêu vải, bao nhiêu khuy, có thể khai số lượng kiện hàng nguyên phụ liệu dệt may… để tránh các sai sót về số lượng, chủng loại.

Tuy nhiên, ông Lễ sốt ruột hơn. Trong thời gian chưa thể sửa đổi kịp các văn bản liên quan, ông đề nghị Tổng cục Hải quan có thể gửi văn bản cho các cửa khẩu hướng dẫn cách ứng xử với các hàng hóa quá cảnh theo hướng chỉ kiểm tra thực tế hàng hóa, khám xét container, phương tiện vận chuyển hàng hóa quá cảnh có dấu hiệu vận chuyển hàng cấm, không đi đúng tuyến đường, không đúng thời gian quy định.

“Cuối năm 2020, Tổng cục Hải quan cũng đã có Công văn 7369 hướng dẫn tương tự rồi”, ông Lễ đề xuất.

Trong văn bản gửi Tổng cục Hải quan, các hiệp hội đề nghị dừng việc kiểm tra thực tế với hàng hóa quá cảnh tại các cửa khẩu.

"Không thể vì một người đau bụng mà bắt cả làng uống thuốc"

Ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng thư ký VCCI

Rõ ràng, hệ thống pháp luật của ta trong lĩnh vực này có vấn đề. Doanh nghiệp đang bị xử phạt bởi những thứ doanh nghiệp không tác động được, xử phạt rồi cũng không khắc phục được. Các doanh nghiệp sẽ tiếp tục rà soát, báo cáo xem sửa ở đâu, sửa văn bản nào, điều nào, dù biết thời gian sẽ không nhanh, nhưng không thể không đề xuất.

Chúng tôi cũng mong các cơ quan nhà nước xem xét thực tiễn, thông lệ quốc tế, để có thể tham khảo, học hỏi, từ đó có giải pháp phù hợp. Dù hiện trạng pháp luật chưa đổi được ngay, nhưng trong không gian hiện nay, cần có cách thức để tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp bằng cách tổ chức thực hiện. Không thể vì một người đau bụng mà bắt cả làng uống thuốc.

Khánh An
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục