Đất đai đứng thứ hai trong danh sách nợ thuế
Thống kê từ Tổng cục Thuế cho thấy, tính đến hết tháng 8/2018, tổng số tiền thuế nợ đến 90 ngày và trên 90 ngày vẫn là hơn 48.000 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 58% tổng số tiền thuế nợ, bao gồm các khoản thuế, phí, nợ liên quan về đất và các khoản phạt vi phạm hành chính và tiền chậm nộp thuế.
Đáng chú ý trong đó, riêng các khoản nợ liên quan đến đất đai là 8.856 tỷ đồng (đứng thứ hai, chiếm tỷ trọng 10,7% tổng số tiền thuế nợ).
Ngoài ra, nhóm nợ không có khả năng thu hồi (của người nộp thuế đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự, liên quan đến trách nhiệm hình sự, đã tự giải thể, phá sản, ngừng, nghỉ và bỏ địa chỉ kinh doanh) là hơn 34.800 tỷ đồng.
Số nợ này chiếm tỷ trọng đến 42% tổng số tiền thuế nợ, tăng 3.349 tỷ đồng so với thời điểm 31/12/2017 và tăng 409 tỷ đồng so với thời điểm 31/7/2018.
Chỉ tính riêng Hà Nội, Cục Thuế Hà Nội là một trong những đơn vị có số nợ thuế đứng đầu cả nước. Tám tháng đầu năm, đơn vị này đã “chỉ mặt điểm tên” hơn 1.000 đơn vị nợ tiền thuế, phí, các khoản thu liên quan đến đất với tổng số tiền nợ đã đăng công khai là 3.960 tỷ đồng.
Trong danh sách công khai này, nhiều cái tên được hé lộ với số nợ “khủng” và chây ỳ từ năm này qua năm khác mà cơ quan chức năng phải “bó tay” không có cách nào thu hồi.
Điển hình phải kể đến Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Lũng Lô 5 với số nợ tiền sử dụng đất hơn 342 tỷ đồng tại Dự án khu chức năng đô thị Ao Sào - Lexington Etaste (Hoàng Mai - Hà Nội).
Theo Cục Thuế Hà Nội, đơn vị này đã nợ thuế từ năm 2015 và cơ quan thuế đã áp dụng các biện pháp cưỡng chế theo quy định như trích tiền từ tài khoản, thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng nhưng Lũng Lô 5 vẫn chưa nộp đủ số tiền còn nợ vào ngân sách.
Ngoài ra, có không ít doanh nghiệp đã nợ dai dẳng đến vài năm và trong đó có những dự án được cơ quan thuế nhận định là có khả năng thu nhưng thực tế khó thu.
Có thể điểm những cái tên cụ thể như: Dự án văn phòng, trung tâm thương mại và nhà ở 52 Lĩnh Nam của Công ty Cổ phần Lilama với số tiền nợ 65 tỷ đồng; Dự án Khu nhà ở bán cho cán bộ chiến sỹ Công an quận Hoàng Mai của Công ty TNHH Xây dựng công trình Hoàng Hà với số nợ 14 tỷ đồng;
Dự án nhà ở Công an quận Hoàng Mai của Công ty TNHH xây dựng công trình Hoàng Hà với 140 tỷ đồng; Khu nhà ở cán bộ chiến sỹ Vụ tổ chức cán bộ - Tổng cục III - Bộ Công an chủ đầu tư chủ là Công ty cổ phần Quốc tế CT Việt Nam, số tiền nợ 117 tỷ đồng…
Tương tự, tại TP.HCM, trong 8 tháng vừa qua, Cục thuế Thành phố đã 3 lần công khai danh sách doanh nghiệp nợ thuế với gần 2.000 doanh nghiệp nằm trong diện yêu cầu có biện pháp mạnh mẽ nhằm thu hồi nợ thuế.
Đặc biệt, rất nhiều doanh nghiệp có số nợ lên đến hàng chục tỷ đồng đã bị Cục Thuế TP.HCM áp dụng các biện pháp cưỡng chế như thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng, trích tiền từ tài khoản ngân hàng để nộp thuế, thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
Cần sớm có biện pháp hữu hiệu cưỡng chế nợ thuế để đảm bảo công bằng xã hội
Trong số các doanh nghiệp bị thu hồi giấy phép kinh doanh có Công ty TNHH một thành viên Đầu tư Phát triển công nghiệp tàu thủy phía Nam nợ hơn 35,7 tỷ đồng; Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Contec nợ hơn 29 tỷ đồng...
Công ty cổ phần Vạn Phát Hưng (trụ sở tại quận 7, TP.HCM) nợ hơn 35 tỷ đồng cũng đã bị Cục Thuế TP.HCM áp dụng biện pháp cưỡng chế bằng cách ngăn chặn việc sử dụng hóa đơn của doanh nghiệp này.
Ngoài ra, một số ông lớn khác hiện cũng đang bị Cục Thuế TP.HCM "điểm mặt", ngăn chặn việc sử dụng hóa đơn vì chây ỳ trong việc nộp thuế như Công ty Cổ phần Bất động sản Khải Hoàn Land (trụ sở tại quận 7) nợ hơn 27,4 tỷ đồng;
Công ty cổ phần Tư vấn - Đầu tư - Xây dựng - Thương mại - Sản xuất Nhựt Thành (trụ sở tại huyện Bình Chánh), nợ gần 17,5 tỷ đồng; Công ty cổ phần Vận tải và dịch vụ du lịch Phương Trang (trụ sở quận 7) nợ gần 9,5 tỷ đồng.
Đoạn trường đòi nợ
Tại quy định tại Điều 3 và điều 55 Luật Đất đai 2013, tiền sử dụng đất là số tiền mà người sử dụng đất phải trả cho Nhà nước khi được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, công nhận quyền sử dụng đất.
Trong đó, tổ chức kinh tế được giao đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở để bán hoặc để bán kết hợp cho thuê nằm trong nhóm giao đất có thu tiền sử dụng đất.
Theo điều 14 Nghị định 45/2014/NĐ-CP, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày ký thông báo của cơ quan thuế, người sử dụng đất phải nộp 50% tiền sử dụng đất theo thông báo.
Trong vòng 60 ngày tiếp theo, người sử dụng đất phải nộp 50% tiền sử dụng đất còn lại theo thông báo. Quá thời hạn quy định tại Điểm a, Điểm b Khoản này, người sử dụng đất chưa nộp đủ số tiền sử dụng đất theo thông báo thì phải nộp tiền chậm nộp đối với số tiền chưa nộp theo mức quy định của pháp luật về quản lý thuế, trừ trường hợp có đơn xin ghi nợ tiền sử dụng đất đối với những trường hợp được ghi nợ.
Cùng với đó, quy định tại điểm I, khoản 1, điều 64 Luật Đất đai 2013 nêu rõ, đất được Nhà nước giao, cho thuê để thực hiện dự án đầu tư mà không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục hoặc tiến độ sử dụng đất chậm 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa phải đưa đất vào sử dụng thì bị thu hồi.
Trường hợp không đưa đất vào sử dụng thì chủ đầu tư được gia hạn sử dụng 24 tháng và phải nộp cho Nhà nước khoản tiền tương ứng với mức tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với thời gian chậm tiến độ thực hiện dự án trong thời gian này; hết thời hạn được gia hạn mà chủ đầu tư vẫn chưa đưa đất vào sử dụng thì Nhà nước thu hồi đất mà không bồi thường về đất và tài sản gắn liền với đất, trừ trường hợp do bất khả kháng.
Từ các quy định nêu trên, có thể thấy Nhà nước đã có những quy định rất chặt chẽ đối với tiền sử dụng đất khi giao dự án đầu tư cho các tổ chức kinh tế thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở để bán hoặc để bán kết hợp cho thuê.
Trong bất kỳ trường hợp nào, với các quy định này có thể thấy, việc chậm nộp tiền sử dụng đất không chỉ khiến doanh nghiệp đối mặt với mức phạt tiền chậm nộp lớn, mà còn có nguy cơ ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh và uy tín thương hiệu.
Tuy nhiên, trên thực tế, thực trạng doanh nghiệp chây ỳ nợ tiền sử dụng đất tại nhiều địa phương vẫn diễn ra khá phổ biến.
Theo chia sẻ từ một lãnh đạo lãnh đạo ngành thuế, trong nhiều nguyên nhân khiến doanh nghiệp cố tình chây ỳ, chiếm dụng thuế thì việc chiếm dụng để lấy vốn sản xuất kinh doanh diễn ra khá phổ biến.
Hầu hết các doanh nghiệp đều gặp khó khăn trong việc quay vòng vốn sản xuất - kinh doanh dẫn đến việc chây ỳ, khất nợ thuế để có vốn tiếp tục đầu tư. Theo đó, doanh nghiệp càng lớn, hạch toán và kiểm tra càng khó.
Bên cạnh đó, mô hình công ty mẹ và công ty con dễ tạo điều kiện cho doanh nghiệp thực hiện hành vi chuyển giá, trốn thuế thông qua việc mua bán nguyên vật liệu có giá thấp hơn giá thực tế; chuyển thu nhập tại những khu vực bình thường sang khu vực khó khăn để hưởng ưu đãi của Nhà nước.
Bên cạnh đó, theo chia sẻ từ đại diện của nhiều doanh nghiệp, ngoại trừ trường hợp doanh nghiệp cố tình chây ỳ nợ thuế, trong thời gian vừa qua, có không ít trường hợp nợ thuế đất do vướng mắc khâu thẩm định, xác định giá trị tiền sử dụng đất làm đúng, hồ sơ vẫn bị ngâm, lãnh đạo không dám ký.
Chẳng hạn như tại TP.HCM, trước đây việc này chỉ có Sở Tài chính là “chủ xị”, nay có thêm sự tham gia của Sở Tài nguyên - Môi trường và Hội đồng thẩm định giá đất Thành phố.
Vì qua 3 cửa nên thời gian bị kéo dài hơn rất nhiều. Hiện trên địa bàn TP.HCM có khoảng 100 dự án chưa thể đóng tiền sử dụng đất, với số tiền hàng ngàn tỷ đồng.
Nhiều doanh nghiệp trong số đó “xin” được đóng tiền sử dụng đất tạm tính để có thể làm các thủ tục tiếp theo, khi có con số chính thức doanh nghiệp sẽ đóng thêm hoặc được trả lại.
Tuy nhiên, việc này không hề dễ dàng bởi không có quy định nào cho phép, nên chỉ có cách chờ.
Sở dĩ có tình trạng “cám treo, heo nhịn đói”, tiền doanh nghiệp có sẵn nhưng ngân sách chưa thể thu là do quy trình nhiêu khê. Đầu tiên, Sở Tài nguyên - Môi trường xác định phương án giá đất.
Để thực hiện việc này, Sở Tài nguyên - Môi trường phải tổ chức đấu thầu và chọn đơn vị thẩm định giá có chi phí thấp nhất. Khi đơn vị thẩm định đưa ra được giá đất theo giá thị trường sẽ trình liên sở là Sở Tài nguyên - Môi trường và Sở Tài chính thẩm định và phê duyệt.
Cuối cùng, phải được Hội đồng thẩm định giá đất tỉnh, thành phố phê duyệt. Khi đó, doanh nghiệp mới được đi đóng.
“Mục đích của quy định này là muốn có cơ chế kiểm tra chéo để doanh nghiệp không bị “hành” và có một con số chính xác nhất, tránh gây thất thoát cho ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, để hoàn thành được thủ tục này doanh nghiệp cực khổ trăm bề, mất rất nhiều thời gian và tốn kém. Nội chuyện bị đơn vị thẩm định giá đất yêu cầu đủ loại thủ tục là đã mệt mỏi lắm rồi”, vị này cho hay.
"Xét định giá thị trường như hiện nay chưa phù hợp lắm bởi theo Luật Đất đai, thời điểm tính tiền sử dụng đất là thời điểm giao đất, trong khi có rất nhiều dự án thời gian thẩm định kéo dài 2 - 3 năm chưa xong.
Giả sử thời điểm thẩm định thì giá đất rất cao nhưng sau đó 2 năm mới có kết quả, lúc này thị trường khủng hoảng, suy giảm dẫn đến doanh nghiệp thiệt hại rất lớn (trong thời gian này doanh nghiệp phải chờ đợi nên tăng chi phí tài chính và chịu rất nhiều rủi ro do mất cơ hội…)", một lãnh đạo doanh nghiệp chia sẻ.