Vì sao chậm nộp tiền sử dụng đất?
Thực trạng doanh nghiệp nợ tiền sử dụng đất tại Hà Nội không phải bây giờ mới được nhắc tới, mà trong nhiều năm vừa qua, công tác quản lý nợ đọng thuế luôn được Cục thuế TP. Hà nội xác định là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong chỉ đạo, điều hành và thực hiện nhiệm vụ.
Xuất phát từ chủ trương của Chính phủ và UBND TP. Hà Nội từ đầu năm 2013 liên quan đến việc yêu cầu các bộ, sở, ngành phải tạo điều kiện, có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp địa ốc.
Trên thực tế, kể 2009 - 2013, do tác động của suy giảm kinh tế, phần lớn các doanh nghiệp gặp khó khăn thực sự. Do đó, nhiều doanh nghiệp đã được hưởng khá nhiều ưu đãi của nhà nước từ miễn, giảm, giãn thuế đến nhiều hỗ trợ khác trong việc đầu tư kinh doanh, triển khai các dự án.
Tuy nhiên, sau thời điểm 2013, khi thị trường bắt đầu hồi phục trở lại, dòng tiền vào các dự án đã tăng đáng kể, nhiều dự án bắt đầu triển khai lại. Dù khó khăn đã qua, nhưng việc thu hồi nợ tiền sử dụng đất vẫn tỏ ra rất chậm chạp. Tình trạng này không chỉ diễn ra tại riêng Hà Nội, mà còn ở rất nhiều địa phương trên cả nước.
Chính vì thế, từ năm 2015, theo chỉ đạo của Bộ Tài chính, cùng với Tổng cục Thuế, Cục Thuế Hà Nội đã công khai, đồng thời tiến hành đôn đốc các doanh nghiệp nợ tiền sử dụng đất.
Tại báo cáo Bộ Tài chính về kết quả thực hiện kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ về việc thực hiện nghĩa vụ tài chính của chủ đầu tư các dự án bất động sản trên địa bàn Thành phố hồi đầu 2018 của Cục thuế Hà Nội, theo Kết luận Thanh tra Chính phủ vào năm 2012, có 24 dự án nợ tiền sử dụng đất với số tiền là 1.256 tỷ đồng. Ngoài ra, còn có 75 dự án nợ tiền chậm nộp với tổng số tiền là 1.880 tỷ đồng.
Cục Thuế Hà Nội cho biết, đến cuối tháng 11/2017, số tiền chậm nộp mà cơ quan thuế phải thu của doanh nghiệp vẫn còn 856 tỷ đồng. Tuy nhiên, do các dự án sẽ tiếp tục điều chỉnh giảm hơn 455 tỷ đồng, nên số tiền chậm nộp còn phải thu vào khoảng 400 tỷ đồng.
Cục Thuế Hà Nội cũng cho biết, cơ quan này đã trực tiếp làm việc với các dự án chỉ đạo các Chi cục thuế liên quan đến tiếp tục rà soát, phân tích đánh giá nguyên nhân nợ và đề xuất các giải pháp thu hồi tiền sử dụng đất và tiền chậm nộp còn nợ đọng.
Tuy nhiên, tính đến hết tháng 5/2018, vẫn còn nhiều dự án ngoài ngân sách có sử dụng đất đang nợ tiền sử dụng đất. Chẳng hạn, tại quận Hoàng Mai còn 7 dự án, trong đó nợ khó thu 1 dự án, nợ chờ xử lý 1 dự án, nợ có khả năng thu nhưng thực tế khó thu 5 dự án và 5 dự án có khả năng thu nhưng thực tế khó thu.
Tương tự, tại quận Hà Đông cũng có 6 dự án chậm triển khai đang nợ 101,4 tỷ đồng hay tại quận Thanh Xuân trong số 15 dự án nợ tiền sử dụng đất thuộc danh mục báo cáo giám sát tháng 5/2015 của HĐND Thành phố đến nay, 8 dự án đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính và 7 dự án chưa hoàn thành nghĩa vụ này.
Doanh nghiệp nên chủ động để tránh phát sinh chi phí
Theo phân tích của các chuyên gia, tại quy định tại Điều 3 và Điều 55, Luật Đất đai 2013, tiền sử dụng đất là số số tiền mà người sử dụng đất phải trả cho Nhà nước khi được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, công nhận quyền sử dụng đất. Trong đó, tổ chức kinh tế được giao đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở để bán hoặc để bán kết hợp cho thuê nằm trong nhóm giao đất có thu tiền sử dụng đất.
Cũng tại điều 14 Nghị định 45/2014/NĐ-CP, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày ký Thông báo của cơ quan thuế, người sử dụng đất phải nộp 50% tiền sử dụng đất theo Thông báo.
Trong vòng 60 ngày tiếp theo, người sử dụng đất phải nộp 50% tiền sử dụng đất còn lại theo Thông báo. Quá thời hạn quy định tại Điểm a, Điểm b Khoản này, người sử dụng đất chưa nộp đủ số tiền sử dụng đất theo Thông báo thì phải nộp tiền chậm nộp đối với số tiền chưa nộp theo mức quy định của pháp luật về quản lý thuế trừ trường hợp có đơn xin ghi nợ tiền sử dụng đất đối với những trường hợp được ghi nợ.
Cũng quy định tại điểm I, khoản 1, Điều 64, Luật Đất đai 2013 quy định, đất được Nhà nước giao, cho thuê để thực hiện dự án đầu tư mà không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục hoặc tiến độ sử dụng đất chậm 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa phải đưa đất vào sử dụng thì bị thu hồi.
Trường hợp không đưa đất vào sử dụng, thì chủ đầu tư được gia hạn sử dụng 24 tháng và phải nộp cho Nhà nước khoản tiền tương ứng với mức tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với thời gian chậm tiến độ thực hiện dự án trong thời gian này; hết thời hạn được gia hạn mà chủ đầu tư vẫn chưa đưa đất vào sử dụng thì Nhà nước thu hồi đất mà không bồi thường về đất và tài sản gắn liền với đất, trừ trường hợp do bất khả kháng.
Từ các quy định nêu trên, có thể thấy, quy định của Nhà nước rất chặt chẽ đối với tiền sử dụng đất khi giao dự án đầu tư cho các tổ chức kinh tế thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở để bán hoặc để bán kết hợp cho thuê.
Trong bất kỳ trường hợp nào, với các quy định này có thể thấy việc chậm nộp tiền sử dụng đất không chỉ khiến doanh nghiệp đối mặt với mức phạt tiền chậm nộp lớn, mà còn có nguy cơ rơi vào diện thu hồi cho chậm nộp các khoản tiền sử dụng đất theo quy định của pháp luật.
Do đó, theo các chuyên gia, bất chấp việc chậm nộp thuế của một số doanh nghiệp hiện nay vẫn còn gặp khó khăn, chủ yếu là do yếu tố tài chính chưa thể giải quyết được thì cơ quan quản lý vẫn có thể nương tay để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn.
Tuy nhiên, khi khó khăn qua đi, dù lý do dòng tiền chưa về hay lý do đang làm các thủ tục để khôi phục dự án, các doanh nghiệp vẫn nên chủ động trong việc hoàn tất nghĩa vụ tài chính để tránh bị nêu tên, ảnh hưởng xấu tới hình ảnh thương hiệu đối với khách hàng, đồng thời cũng tránh bị phạt nặng do chậm nộp tiền sử dụng đất theo quy định, bởi hiện nay cơ quan thuế đang rất mạnh tay trong việc truy thu nợ thuế. Đặc biệt, với những doanh nghiệp đang có kế hoạch kết hợp với một "mạnh thường quân" bên ngoài để vực dậy dự án.
Ghi nhận thực tế, trong giai đoạn vừa qua, có khá nhiều doanh nghiệp đã phải ngậm ngùi nộp thêm số thuế phạt khá lớn.
Chẳng hạn, trường hợp Dự án Thành An Tower tại số 21 Lê Văn Lương, quận Thanh Xuân (Hà Nội) do CTCP Đầu tư Ba Đình làm chủ đầu tư và đơn vị phát triển dự án là CTCP Landmark Holding.
Từ 2015, dự án này từng bị cơ quan quản lý thuế nhắc nhở số tiền nộp thuế lên tới gần 143 tỷ đồng. Landmark Holding đã đồng ý hỗ trợ tài chính để dự án trở lại, nhưng do thủ tục hợp tác kéo dài, dẫn đến tới cuối tháng 6/2016, doanh nghiệp này mới nộp đủ số tiền gốc và vẫn phải chịu phạt chậm nộp thêm đến vài chục tỷ đồng tiền thuế.
Đến nay, dù đã hoàn tất đầy đủ nghĩa vụ về tiền sử dụng đất, dự án đã được đẩy nhanh tiến độ nhưng cũng là bài học để các doanh nghiệp khác chú ý, tránh phát sinh các thiệt hại không đáng có.