Tái phạm nhiều lần
Cụ thể, theo danh sách nợ thuế đợt 7 năm 2018 vừa được Cục Thuế Hà Nội công bố, trên địa bàn Thành phố có 331 doanh nghiệp nợ thuế, phí và tiền sử dụng đất. Trong đó, có tới 189 doanh nghiệp nợ thuế, phí đã được nhắc tên từ giai đoạn 2015 - 2017, nhưng đến nay số tiền nợ thuế vẫn rất lớn.
Có thể kể đến Công ty cổ phần Kỹ thuật nền móng và xây dựng 20 nợ hơn 66 tỷ đồng, Công ty cổ phần Contrexim - Đầu tư và xây lắp cao tầng nợ gần 13 tỷ đồng, Công ty cổ phần Xây dựng số 9 Thăng Long nợ gần 15 tỷ đồng, Công ty cổ phần Xây dựng số 1 Sông Hồng nợ hơn 14 tỷ đồng, Công ty cổ phần Cơ khí và Xây dựng số 10 Thăng Long nợ gần 12 tỷ đồng, Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng công trình 128 - Cienco 1 nợ hơn 9 tỷ đồng, Công ty cổ phần Tập đoàn Địa ốc Viễn Đông nợ hơn 12 tỷ đồng, Công ty cổ phần Cơ khí và Xây lắp số 7 gần 32 tỷ đồng, Tổng công ty Licogi - CTCP: Chi nhánh Licogi số 1 gần 31 tỷ đồng…
Tình trạng pháp lý dự án và uy tín chủ đầu tư là vấn đề nên được xem xét trước khi đặt bút ký hợp đồng
Trong số này, có nhiều doanh nghiệp tái phạm nhiều lần như Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Lũng Lô 5 nợ gần 342,5 tỷ đồng; Công ty TNHH Xây dựng công trình Hoàng Hà nợ trên 158 tỷ đồng; Công ty cổ phần Quốc tế CT Việt Nam nợ 121,7 tỷ đồng; Công ty TNHH Đá quý Thế Giới nợ 113,5 tỷ đồng. Ngoài ra, Công ty cổ phần Lilama Hà Nội nợ hơn 111 tỷ đồng, Công ty cổ phần Tập đoàn Điện tử Công nghiệp Việt Nam nợ trên 80 tỷ đồng, Công ty cổ phần Cơ khí và Xây dựng Viglacera nợ trên 60 tỷ đồng, Công ty TNHH Đầu tư và Quản lý tòa nhà Ion Complex hơn 28 tỷ đồng.
Đặc biệt, Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Lũng Lô 5, Công ty cổ phần Lilama Hà Nội, Công ty cổ phần Cơ khí và Xây dựng Viglacera... là những doanh nghiệp đã bị Cục Thuế Hà Nội áp dụng các biện pháp cưỡng chế tài khoản, hóa đơn, nhưng vẫn chây ỳ thuế trong một thời gian dài.
Hoài nghi về năng lực triển khai dự án mới
Điều đáng nói là dù bị cơ quan thuế liên tục bêu tên nợ thuế tại các dự án hiện hữu, nhưng không ít doanh nghiệp trong số này vẫn “nhiệt tình” công bố ra mắt dự án mới.
Đơn cử, Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Lũng Lô 5 nợ gần 342,5 tỷ đồng, nhưng doanh nghiệp này đã và đang chuẩn bị thực hiện các dự án như Khu công nghiệp Cam Thượng (Ba Vì, Hà Nội), Khu đô thị Vành đai 4, Dự án Khu đô thị mới Nam đường 32 - Westpoint (Hoài Đức, Hà Nội)…
Nợ thuế, tiềm lực tài chính có vấn đề đã đẩy các khách hàng mua nhà tại dự án của đơn vị này đối mặt với rủi ro, ít nhất là việc chưa thể nhận Giấy chứng nhận sở hữu nhà. Cụ thể, tại Dự án Ao Sào (Thịnh Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội), được Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Lũng Lô 5 thực hiện trong giai đoạn dài từ 2009 đến năm 2017. Đến nay, dự án đã hoàn thành xây và bán sản phẩm nhà ở thương mại, nhưng nhiều hạng mục cơ sở hạ tầng vẫn chưa thực hiện. Do đó, UBND quận Hoàng Mai đã xếp dự án này vào nhóm các dự án chậm tiến độ dưới 24 tháng.
Ngoài ra, Dự án Ao Sào cũng bị UBND quận Hoàng Mai đưa vào danh sách đen nợ thuế tới 323 tỷ đồng. Do dự án đã đi vào hoạt động, cơ quan thuế xếp dự án vào nhóm có khả năng thu nhưng thực tế lại khó thu. Việc chủ đầu tư chây ỳ nợ thuế khiến khách hàng mua nhà tại dự án này dù đã về ở nhiều năm, nhưng đến nay vẫn không thể làm được giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở.
Kế đến là Công ty TNHH Xây dựng công trình Hoàng Hà với số nợ lên đến 158 tỷ đồng. Theo thông tin từ Cục Thuế TP. Hà Nội, Công ty TNHH Xây dựng công trình Hoàng Hà có mã số thuế 0100738707 với ngành nghề hoạt động kinh doanh chủ yếu là xây dựng với địa chỉ trụ sở tại lô Số 2 Khu đô thị Đại Kim, phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội.
Địa chỉ trên cũng chính là một trong những khu đất còn nợ thuế khiến số tiền thuế tồn đọng của doanh nghiệp này lên đến hàng trăm tỷ đồng. Theo quan sát thực địa của phóng viên, khu đất khá rộng này hiện biến thành nơi đỗ, gửi xe ô tô các loại.
Trong khi đó, theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, Công ty TNHH Xây dựng công trình Hoàng Hà lại đang triển khai Dự án Khu đô thị mới mở rộng Đại Kim - Định Công. Dự án này cũng từng bị nhiều đơn thư phản ánh của người dân khi chưa đủ hồ sơ pháp lý, thậm chí chưa có quyết định giao đất đã rao “bán nhà trên giấy”.
Tiếp đến, Lilama Hà Nội cũng có số tiền nợ thuế khoảng 178 tỷ đồng, trong đó hơn 111 tỷ đồng tiền nợ thuế phí và gần 67 tỷ đồng nợ tiền sử dụng đất. Không chỉ nợ thuế, doanh nghiệp này còn dính nhiều khiếu kiện của người dân tại Dự án 52 Lĩnh Nam khi sử dụng hơn 200 tỷ đồng tiền mua nhà của người dân sai mục đích khiến hàng trăm hộ dân rơi vào cảnh 5 năm chưa có nhà và đến nay vẫn còn nhiều bất đồng chưa được giải quyết.
Cũng trong tình trạng trên, Tổng công ty Licogi - CTCP đang phải đối mặt với nhiều vấn đề tại Dự án Khu đô thị mới thịnh Liệt khi dự án chậm tiến độ, xuất hiện nhiều đơn phản ánh của người dân về phương án bồi thường và các thủ tục pháp lý liên quan đến tính chính danh của dự án.
Để tránh rủi ro, tranh chấp, theo các chuyên gia, khách hàng nên cân nhắc, tìm hiểu kỹ các thông tin về dự án, tính pháp lý, điều kiện bán hàng, năng lực của chủ đầu tư trước khi quyết định “xuống tiền” sở hữu một dự án nhà ở nào đó. Kể cả khi đã nhận được nhà, việc chủ đầu tư chây ỳ nghĩa vụ thuế cũng sẽ khiến khách hàng gặp rủi ro khi không thể làm Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com