Đô thị nội đô lịch sử với bài toán không gian kiến trúc

(ĐTCK) Trong quá trình đô thị hóa trên thế giới cũng như Việt Nam, nhiều đô thị được nâng cấp, cải tạo, chỉnh trang và phát triển mới để nâng cấp chất lượng sống, phát triển kinh tế - xã hội, nhưng cũng bộc lộ không ít mắc míu giữa bảo tồn và phát triển hiện đại, giữa khai thác không gian kiến trúc với phát triển kết cấu hạ tầng.
Cần nhận diện đặc thù từng đô thị để xác định yếu tố bảo tồn, không để mất đi cội nguồn văn hóa trong quá trình phát triển. Ảnh: Dũng Minh Cần nhận diện đặc thù từng đô thị để xác định yếu tố bảo tồn, không để mất đi cội nguồn văn hóa trong quá trình phát triển. Ảnh: Dũng Minh

Nội đô lịch sử Việt Nam

Việt Nam là quốc gia sớm hình thành đô thị so với nhiều nước trong khu vực, nhưng do hoàn cảnh lịch sử, đô thị Việt Nam chậm hiện đại hóa và đô thị hóa muộn hơn nhiều nước. Mỗi đô thị ra đời đều mang một bản sắc văn hóa, văn minh của một giai đoạn phát triển nhất định.

Không ít đô thị Việt Nam ra đời cách đây hàng trăm năm, song không phát triển tiếp và chỉ được xem là di tích, nhưng cũng có nhiều đô thị đã tồn tại vững vàng, được phát triển, mở rộng và ngày nay được xem là đô thị lịch sử ở Việt Nam.

Đô thị lịch sử Việt Nam không thể so sánh về quy mô, kỳ vĩ và về sự hoa lệ như những nền văn hóa Ai Cập, Hy Lạp, La Mã, Trung Quốc…, song luôn tạo lập được đặc trưng, bản sắc của riêng mình về cấu trúc, về quỹ cảnh quan, quỹ kiến trúc, di sản và nếp sống cộng đồng.

Tiếp cận từ góc độ thời gian và không gian cho thấy, rất cần nhận diện đặc thù từng đô thị, nhất là đô thị lịch sử để xác định yếu tố bảo tồn, phát huy giá trị, mà không để mất đi cội nguồn văn hóa, văn minh trong quá trình phát triển và hội nhập.

Song thực tế phát triển đô thị Việt Nam hiện nay vẫn còn không ít tồn tại, từ định hướng phát triển, từ quản lý không gian kiến trúc cảnh quan, như áp lực xây dựng nhà cao tầng, áp lực giao thông, môi trường với các di sản hoặc khu di sản trong các đô thị lịch sử: Bảo tồn di tích, bảo tồn khu di tích, bảo tồn các khu đặc thù trong đô thị.

TS.KTS. Đào Ngọc Nghiêm, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội cho rằng, lựa chọn tư duy phát triển đô thị sẽ tác động rất nhiều đến quan niệm bảo tồn và phát huy giá trị. Trên thế giới, những năm đầu của thế kỷ 20 đã chú trọng đến chủ nghĩa đô thị hiện đại, đề cao chủ nghĩa công năng của đô thị thời đại công nghiệp. Đến cuối thế kỷ 20 đã nhận thấy nhiều bất cập và đã ra đời xu thế hậu hiện đại, tăng trưởng thông minh với khái niệm đô thị học thông minh.

Quá trình thực hiện, nhất là với các nước phát triển đem lại nhiều nhận thức mới, nhưng cũng bộc lộ một số hạn chế, như quá coi trọng không gian, công trình hỗn hợp, coi trọng tính thẩm mỹ hơn thực tiễn, còn hoài cổ, mà chưa có sự hài hoà giữa truyền thống và hiện đại.

Đơn cư như việc xây dựng các tòa cao ốc trong nội đô Hà Nội, theo nhận định của giới chuyên gia, đây là giải pháp tối ưu để đáp ứng nhu cầu chỗ ở cho người dân và tận dụng được quỹ đất để làm các công trình công cộng. Tuy nhiên, việc phát triển nhà cao tầng trong các khu đô thị phải tuân thủ quy hoạch và thiết kế đô thị đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

  Việc xây dựng các tòa cao ốc trong nội đô Hà Nội là giải pháp tối ưu để đáp ứng nhu cầu chỗ ở cho người dân

Về nguyên tắc quy hoạch xây dựng phải đồng bộ, trong đó có các quy định về mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đất và tầng cao xây dựng công trình. Mặt khác, quy hoạch cũng đã xác định các chỉ tiêu về hạ tầng kỹ thuật, việc kết nối hạ tầng với khu vực xung quanh. Đặc biệt, đảm bảo cung cấp các dịch vụ thiết yếu như giao thông, cấp, thoát nước và cấp điện…

Ở góc độ khác, trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản GS.TS.KTS. Nguyễn Tố Lăng, nguyên Phó hiệu trưởng Trường đại học Kiến trúc Hà Nội cho biết, quản lý không gian quy hoạch là nội dung rất quan trọng trong quá trình thực hiện xây dựng và phát triển đô thị, kể cả không gian kiến trúc cảnh quan các công trình tầng cao.

“Công tác lập quy hoạch cần đề ra các mục tiêu cơ bản nhằm tổ chức không gian chặt chẽ, nhưng vẫn cần mang tính mềm dẻo, linh hoạt. Mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đất cần được quan tâm, tránh tình trạng quá tải về hệ thống hạ tầng đô thị. Đối với các loại nhà cao tầng có chức năng khác nhau thì khoảng lùi, tầng cao và việc vận dụng các nhân tố của hình ảnh đô thị rất quan trọng, đặc biệt là nhân tố điểm nhất (khi các tầng cao đứng độc lập) và tuyến cảnh quan (khi các công trình cao tầng được bố trí theo tuyến)”, GS.TS.KTS. Nguyễn Tố Lăng chia sẻ.

Cần nhận diện đúng để phát triển đô thị bền vững

Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, ông Nghiêm cho rằng: “Trong bối cảnh hiện tại, phát triển đô thị Việt Nam cần định hướng từ nhận diện đúng cơ hội và thách thức để có chiến lược phát triển đô thị bền vững.

Để giải quyết bài toán gắn phát triển với bảo tồn, phải chăng cần chú trọng đến một số vấn đề có tác động đến không gian, kiến trúc cảnh quan như cấu trúc không gian hợp lý, chú trọng tới yêu cầu cư trú tốt và môi trường sinh thái, kết cấu hạ tầng hiện đại, quy mô dân số và phân bố hợp lý, phát triển hài hòa với bảo tồn di sản đô thị, tạo lập diện mạo mới phù hợp xu thế hội nhập, nâng cao hiệu lực quản lý và vai trò cộng đồng”.

Tuy nhiên, theo nhận định của giới chuyên gia kiến trúc, từ định hướng đồng bộ về không gian kiến trúc cảnh quan và nhận diện đúng mức về đô thị lịch sử còn là cả quy trình khó khăn, phức tạp. Nhà nước đã có thể chế cụ thể hóa các quy định, yêu cầu về quản lý không gian kiến trúc cảnh quan và xác định rõ trách nhiệm từng ngành, từng cấp. Nhiều đô thị đã ban hành các quy chế, quy định quản lý chung quy hoặc từng khu vực cụ thể.

Chẳng hạn tại Hà Nội, sau điều chỉnh địa giới hành chính năm 2008 đã có quy hoạch chung được duyệt năm 2011 và cụ thể hóa khoảng 150 đồ án quy hoạch xây dựng các loại, cơ bản hoàn thiện hệ thống quy hoạch phủ kín gần 90% diện tích tự nhiên. Ngoài cơ chế quản lý quy hoạch kiến trúc chung, nhiều quy chế các khu đặc thù như khu phố cổ, khu phố cũ, khu vực hồ Gươm, quy hoạch bảo tồn làng cổ… được phê duyệt đã làm rõ nét hơn về một Hà Nội lịch sử, truyền thống.

Qua thực tiễn phát triển đô thị Hà Nội cho thấy, diện mạo Thủ đô đã bắt đầu có những nét văn minh, hiện đại, đáp ứng đòi hỏi của quá trình đô thị hóa. Tuy nhiên, cũng bộc lộ một số tồn tại về quản lý không gian kiến trúc cảnh quan cần giải quyết.

Đơn cử, tính đồng bộ, thống nhất trong cả hệ thống quy hoạch xây dựng, công tác điều chỉnh cục bộ quy hoạch còn hiện tượng chưa chặt chẽ, nhất là trong nội đô lịch sử. Phát triển không gian kiến trúc, nhất là công trình cao tầng, mặc dù đã có quy định được ban hành, nhưng còn chưa chặt chẽ, nên còn khoảng trống để dễ điều chỉnh trong quá trình triển khai. Phát triển công trình cao tầng chưa gắn với đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, nhất là hệ thống giao thông, nên tại một số khu vực gây nên áp lực quá tải trong việc lưu thông của người dân.

Bên cạnh đó, công tác nhận diện giá trị di sản đô thị còn được xác định “tĩnh” trong quy hoạch, trong các quy định quản lý, nhưng thực tiễn đã là vấn đề “động” chưa được thể hiện rõ trong “tầm nhìn” của hệ thống quy hoạch nhất là cảnh quan đô thị.

Mặt khác, trong quản lý không gian kiến trúc cảnh quan, trả lời các kiến nghị của địa phương, của cộng đồng chưa thường xuyên thanh, kiểm tra để có xử lý vi phạm kịp thời, quyết liệt, dẫn đến có nguy cơ phá vỡ quy hoạch và nhiều sai phạm về quy hoạch đặc biệt các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng.

Quản lý không gian kiến trúc cảnh quan trong đô thị lịch sử, nhất là các khu đặc thù trong nội đô cần có sự phối hợp giữa các ngành và chính quyền các cấp thường xuyên hơn và cần làm rõ “đầu mối” phối hợp cho cả đô thị.

KTS. Vũ Quốc An, Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cũng cho rằng, tính riêng tư của từng không gian cá thể cần được quan tâm thích đáng, kể cả khoảng cách và tầm nhìn. Đơn cử, nhà cao tầng cần hòa nhập với kiến trúc cảnh quan các đường phố và khu đô thị liền kề xung quanh. Hình thức, chi tiết kiến trúc cần hiện đại, phù hợp với môi trường khí hậu từng địa phương.

Từ thực tiễn trên cho thấy, quản lý không gian kiến trúc cảnh quan trong các đô thị lịch sử là vấn đề phức tạp, nhiều khó khăn, cần có đổi mới từ nhận thức đến hoàn thiện cơ sở pháp lý và hiệu lực quản lý, cũng như nâng cao vai trò cộng đồng, các tổ chức xã hội nghệ nghiệp. Có như vậy, mới tạo diện mạo mới có chất lượng cho các đô thị lịch sử hiện nay tại Việt Nam.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Nhất Nam
Báo Đầu tư Bất động sản

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục