Giao thông nội đô TP.HCM “vỡ trận”: Lỗi không từ dự án bất động sản

(ĐTCK) Những kế hoạch giãn dân, di dời trường đại học, bệnh viện, các cơ sở sản xuất ra khỏi trung tâm Thành phố… đang bị “treo” quá nhiều. Đây được coi là nguyên nhân chính dẫn tới giao thông nội đô TP.HCM luôn quá tải.
Hạ tầng giao thông trung tâm TP.HCM chù yếu do các trường đại học, bệnh viện, cơ sở sản xuất trong trung tâm Thành phố. Ảnh: Gia Huy Hạ tầng giao thông trung tâm TP.HCM chù yếu do các trường đại học, bệnh viện, cơ sở sản xuất trong trung tâm Thành phố. Ảnh: Gia Huy

Sức ép từ trường đại học, bệnh viện

Việc TP.HCM phát thông báo sẽ siết chặt việc phát triển những dự án cao ốc tại trung tâm Thành phố để giảm gánh nặng cho hạ tầng giao thông đang quá tải nghiêm trọng ở nội thành được người dân và giới chuyên gia giao thông, kinh tế cho là cần thiết và cấp bách trong lúc này.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, giải pháp cót lõi vấn đề kẹt xe không hoàn toàn vì những tòa nhà cao tầng, mà còn ở việc Thành phố hiện có quá nhiều trường đại học, bệnh viện, cơ sở sản xuất ở quận trung tâm.

TP.HCM hiện có hàng trăm ngàn sinh viên đại học, cao đẳng đang theo học tại 74 trường cao đẳng và đại học. Trong đó, đa phần các trường này đều nằm tại các quận trung tâm như Đại học Ngân hàng, Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Cao đẳng Cao Thắng (quận 1), Đại học Kinh tế TP.HCM (quận 3), Đại học Khoa học tự nhiên (quận 5)…

Sinh viên các trường này thường ở trọ các quận, huyện vùng ven và đi vào trung tâm Thành phố học, góp phần tăng mật độ đi lại trong các giờ cao điểm.

Được biết, câu chuyện di dời các trường đại học ra khỏi trung tâm TP.HCM đã được Thủ tướng Chỉnh phủ đưa ra năm 2006, với phương hướng từ năm 2006 - 2020, phải di dời hết các trường đại học, cao đẳng đang có trụ sở tại các quận trung tâm chuyển ra các quận vùng ven. Sau khi quyết định này được công bố, tại TP.HCM, đã có nhiều trường đại học được cấp đất để xây dựng trường mới theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Bất động sản trung tâm TP.HCM trước lệnh siết phát triển dự án mới

Tuy nhiên, tới nay, mới chỉ có Trường đại học Tôn Đức Thắng được di dời ra quận 7, còn lại vẫn chưa được di dời ra ngoài dù đã được Thành phố cấp đất.

Bên cạnh đó, TP.HCM còn có 58 bệnh viện tuyến Trung ương và quận huyện. Trong đó, đa phần các bệnh viện này đều nằm tại trung tâm Thành phố và là nơi khám chữa bệnh của hầu khắp người dân từ các tỉnh thành tại miền Tây, Tây Nguyên, miền Đông, miền Trung… đổ về, như Bệnh viện Chợ Rẫy (quận 10), Bệnh viện 115, Bệnh việc Đại học Y dược (quận 5)…

Năm 2010, TP.HCM cũng có quy hoạch di dời các bệnh viện này ra khỏi trung tâm Thành phố, nhưng tới nay, vẫn chưa có bệnh viện nào được di dời ra bên ngoài trung tâm Thành phố.

Ngoài ra, tại TP.HCM hiện nay còn một tác nhân nữa gây ra cảnh quá tải hạ tầng giao thông tại các quận trung tâm là các cơ sở sản xuất. Cụ thể, Báo cáo của UBND TP.HCM mới đây cho biết, hiện Thành phố có khoảng 10.000 cơ sở sản xuất tại các khu dân cư, trong đó gần một nửa nằm ở các quận trung tâm như quận 3, quận 5, quận 10, quận 1…

Mặc dù năm 2006, UBND Thành phố đã có kế hoạch từ 2006 - 2020, phải di dời các sơ sở này ra khỏi khu dân cư, nhưng tới nay, quy hoạch này vẫn dậm chân tại chỗ.

Theo TS. Nguyễn Mạnh Hùng, Giảng viên ngành kinh tế vận tải, Đại học Giao thông - Vận tải TP.HCM, đây là tác nhân lớn dẫn tới việc làm cho hạ tầng giao thông Thành phố quá tải.

Hạ tầng giao thông: “Đầu kéo” cho bất động sản vùng ven TP.HCM

“Nhiều ý kiến cho rằng, việc các cao ốc trung tâm Thành phố làm quá tải giao thông, gây cho trung tâm Thành phố luôn kẹt xe ở bất cứ thời điểm này trong ngày. Tuy nhiên, tôi thì nghĩ khác. Nhân viên văn phòng chỉ ra đường vào lúc sáng sớm tới công sở và chiều về, chứ trong ngày họ ít khi ra khỏi công ty.

Đối với chung cư tại trung tâm Thành phố, cũng khó có chuyện người dân sinh sống tại đây chạy xe đi làm ngay trung tâm Thành phố khi mà họ có thể đi bộ. Việc kẹt đường chủ yếu đến từ giới sinh viên, người dân đi khám bệnh, người lao động tại các cơ sở sản xuất ở trung tâm Thành phố. Nhìn thực thế có thể thấy, giờ học tại các trường đại học tại TP.HCM được chia làm nhiều ca nên sinh viện đi học cũng nhiều khung giờ khác nhau.

Tại các bệnh viện, khám bệnh luôn tại khung giờ sáng và chiều, lượng người khám bệnh cũng theo giờ khám. Người lao động tại các cơ sở sản xuất cũng luân phiên giao hàng, chạy hàng và theo giờ từ 7h sáng tới 17h chiều… Nhìn cách ăn mặc của người dân tại các tuyến đường tại trung tâm Thành phố thời điểm từ 9h sáng tới 15h chiều sẽ thấy kẹt do đâu”, TS. Hùng nói.

Chỗ thắt, chỗ mở

Trước “vấn nạn” quá tải giao thông của TP.HCM hiện nay, mới đây, UBND TP.HCM cho biết, sẽ siết chặt cấp phép xây dựng mới các cao ốc tại quận trung tâm Thành phố. Trong đó, tất cả dự án xây dựng cao ốc trước khi được Sở Xây dựng cấp phép đều phải qua Sở Quy hoạch - Kiến trúc và Sở Giao thông - Vận tải để đánh giá tác động về giao thông.

Việc cấp phép xây dựng sẽ có một tổ chuyên gia do Sở Xây dựng chủ trì (gồm đại diện các sở, ngành có liên quan như Quy hoạch - Kiến trúc, Tài nguyên - Môi trường, Giao thông - Vận tải, Tài chính…) để xem xét từng trường hợp cụ thể. Những trường hợp đặc biệt phải xin ý kiến Sở Giao thông - Vận tải bằng văn bản về tác động giao thông.

Chẳng hạn, một tuyến đường quy hoạch là 20 m, tầng cao là 30 tầng, nhưng đường hiện hữu mới chỉ có 10 m và Nhà nước chưa xây dựng đường theo quy hoạch, thì chỉ số tầng cao có thể sẽ giảm xuống còn 15 tầng. Khi nào giao thông được thực hiện đúng theo quy hoạch mới cho làm đúng tầng cao như quy hoạch. Điều dễ thấy nhất hiện nay là hạ tầng giao thông và dự án bất động sản không đồng bộ, đã gây ra ùn tắc nghiêm trọng.

Thị trường đất nền, chờ làn sóng tăng giá mới

Tuy nhiên, thông báo này vừa ra đầu tháng 9, thì giữa tháng 9, UBND TP.HCM đã thông báo, cấp phép cho 8 dự án chung cư cao cấp, trong đó có dự án căn hộ và văn phòng cao tầng tại số 11D đường Thi Sách, phường Bến Nghé, quận 1 do Công ty TNHH Trung tâm Thương mại và Căn hộ Sài Gòn làm chủ đầu tư; Dự án Khu liên hợp nhà ở Văn phòng thương mại Tản Đà - Hàm Tử tại phường 10, quận 5 do Công ty TNHH Một thành viên Đầu tư Kinh doanh bất động sản Hùng Anh Năm làm chủ đầu tư…

Trong khi ở những tuyến đường này đang được cho là có mật độ dân số tăng và quá tải. Việc cấp phép này cho thấy, chính chủ trương của Thành phố đã không có sự đồng nhất.

Đặc biệt, theo ông Đào Mạnh Cường (Bộ Xây dựng), việc hạ tầng giao thông TP.HCM đang hằng ngày oẳn mình gánh những trận kẹt xe không kể khung giờ có thấy sự yếu kém của Thành phố.

Ông Cường cho rằng, việc giảm tải giao thông cho Thành phố đã được nhìn từ những năm 2006, nên mới có kế hoạch di dời các trường đại học, bệnh viện, cơ sở sản xuất ra khỏi trung tâm Thành phố. Tuy nhiên, tới giờ này, kế hoạch trên vẫn chưa có tiến triển, trong khi lượng người bệnh, sinh viên đổ về Thành phố chữa bệnh và học tập ngày một tăng cao.

“Muốn hạ tầng giao thông trung tâm Thành phố được thông thoáng, trước hết, TP.HCM phải giải quyết ngay kế hoạch di dời trường học, bệnh viện, cơ sở sản xuất ra khỏi trung tâm Thành phố, tạo độ thoáng cho vùng lõi trung tâm. Sau đó, tính tới việc phân bổ lại những tòa nhà văn phòng và quy hoạch lại mật độ dân số, bởi Thành phố hiện đã có kế hoạch giãn dân từ vùng lõi ra vùng ven nhưng vẫn chưa có tác dụng”, ông Cường nói.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Gia Huy
Báo Đầu tư Bất động sản

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục