Nhiều Dự án Hạ tầng giao thông được đầu tư
Chia sẻ với Báo Đầu tư Bất động sản, bà Đỗ Thị Thu Hằng, Trưởng bộ phận Nghiên cứu Savills Hà Nội đánh giá: “Với vị trí là cửa ngõ phía Nam, khu vực này đang có lưu lượng xe từ các tỉnh, thành đổ về Thủ đô rất lớn. Những dự án bất động sản lớn đầu tiên của Hà Nội cũng bắt đầu từ khu vực này và lan sang các khu vực phía Tây, phía Đông - nơi có quỹ đất lớn”.
Theo bản đồ quy hoạch giao thông của TP.Hà Nội đến năm 2030, Thành phố tiếp tục mở rộng gấp nhiều lần các tuyến giao thông đường bộ ở khu vực phía Nam. Theo đó, trong vòng 2 năm qua, hàng loạt dự án hạ tầng được triển khai và đưa vào sử dụng, giúp cho “bộ mặt” khu vực phía Nam được “thay da đổi thịt”.
Dự án đầu tiên phải kể đến là tuyến đường vành đai 2.5 đang tiếp tục được triển khai hoàn thiện đoạn qua quận Hoàng Mai. Tuyến đường chạy qua khu vực Định Công, bên ngoài phía Bắc ga Giáp Bát và giao cắt với Quốc lộ 1A để tạo thành ngã tư thông thoáng. Dự kiến, sau khi đoạn đường này hoàn thiện sẽ góp phần rút ngắn đáng kể thời gian di chuyển của người dân từ khu vực trung tâm Thủ đô tới các quận, huyện phía Nam.
Cuối năm 2016, quận Hoàng Mai cũng đã khởi công dự án mở rộng gấp đôi đường Tam Trinh, bắt đầu từ cầu Mai Động nối thẳng đến đường vành đai 3 với chiều dài trên 3,5 km. Trong đó, đoạn từ ngã tư Minh Khai đến Nhà máy xử lý nước thải Yên Sở rộng gần 40 m, đoạn cuối giáp với đường vành đai 3 rộng gần 55 m. Dự kiến, khi hoàn thành vào đầu năm 2018, tuyến đường sẽ trở thành nút giao thông trọng điểm, kết nối giao thông nội đô ra ngoại thành, góp phần giảm thiểu ùn tắc cửa ngõ phía Nam.
Năm 2017, Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh triển khai mở rộng các tuyến đường nối từ Minh Khai - Vĩnh Tuy - Yên Duyên đến đường vành đai 2.5, đoạn đường từ Đầm Hồng đến Quốc lộ 1A và mở rộng tuyến đường Lĩnh Nam. Việc mở rộng các tuyến giao thông vành đai, xuyên tâm, các tuyến đường nhánh đã giúp cho hạ tầng giao thông khu vực phía Nam trở nên thông thoáng, dễ dàng kết nối và giảm ùn tắc cục bộ. Nhờ vậy, nguồn cung và giá trị của các dự án bất động sản khu vực này cũng được gia tăng đáng kể thời gian qua.
Theo nhận định của Savills, tính đến thời điểm hiện nay, quy hoạch phát triển giao thông khu Nam đã có những đổi thay đáng kể với những kỳ vọng hoàn thành đường Tân Mai, Kim Đồng, cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, đường Tam Trinh mở rộng sau này…, tác động thêm vào quyết định của khách hàng, cũng như giúp duy trì và cải thiện mặt bằng giá bán bất động sản so với các khu vực khác trong Thành phố.
Bất động sản “lên đời”
Quy luật tất yếu từ xưa tới nay, cứ ở đâu mở đường, thì ở đó hình thành xu các dự án bất động sản. Đón đầu sự phát triển của hạ tầng, khu Nam Hà Nội đã thu hút nhiều nhà đầu tư rót vốn triển khai dự án bất động sản tại đây, như Khu đô thị Gamuda, Hateco Hoàng Mai... Những ngày đầu tháng 3/2017, thị trường Nam Hà Nội đón nhận thêm dự án căn hộ mới Sky Central nằm ở trung tâm Khu đô thị Định Công.
Bên cạnh đó, được đánh giá là khu vực có mật độ dân cư đông đúc, trong đó nhiều địa bàn có lịch sử phát triển lâu đời như Định Công, Minh Khai, Mai Động, nên khu vực này sở hữu hệ thống dịch vụ tiện ích khá hoàn chỉnh như Công viên Yên Sở; bến xe Giáp Bát, Nước Ngầm; Bệnh viện Bạch Mai, Việt Pháp, Thanh Nhàn; Trường đại học Bách Khoa, Kinh tế quốc dân…, là điều kiện cho bất động sản phát triển.
“Khu vực này đứng đầu thị trường về tổng quy mô căn hộ, đang đạt khoảng 35.000 căn, chủ yếu là phân khúc căn hộ tầm trung. Lượng căn hộ bán được của khu vực này cũng luôn ở mức cao so với các khu vực khác. Trong tương lai, thị trường khu vực này cũng sẽ đón nhận một lượng cung khá lớn, đặt áp lực lên giá bán và sức hấp thụ cho toàn khu”, bà Đỗ Thị Thu Hằng nhận định.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com