Do tác động của kinh tế chia sẻ tại Việt Nam

Kinh tế chia sẻ được nhận định sẽ mang lại cả cơ hội và thách thức cho Việt Nam. Khi xu thế ứng dụng công nghệ vào sản xuất - kinh doanh là không thể đảo ngược, thì việc chủ động xây dựng chính sách quản lý là điều cần thiết để khai thác điểm mạnh, đồng thời hạn chế bất cập của kinh tế chia sẻ.

Thị trường trị giá 335 tỷ USD vào năm 2025

Tại Việt Nam, thuật ngữ “kinh tế chia sẻ” mới xuất hiện, nhưng theo đánh giá của các chuyên gia tại Hội thảo “Kinh tế chia sẻ: Các xu thế lớn và tác động tới nền kinh tế Việt Nam”, mô hình này đang có tiềm năng lớn để phát triển.

Do tác động của kinh tế chia sẻ tại Việt Nam ảnh 1

Xe ôm Grab hoạt động theo mô hình chia sẻ, đã phát triển ngoạn mục tại Việt Nam. 

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng, so với thế giới, kinh tế chia sẻ tại Việt Nam xuất hiện muộn hơn, nhưng phát triển mạnh mẽ, với các sản phẩm điển hình như Uber, Grab đã phát triển nhanh chóng, được chấp nhận và dần quen thuộc với người dân. 

“Từ chỗ ‘nhập khẩu’ những sản phẩm chia sẻ như Uber, Grab, Airbnb…, cộng đồng chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp Việt Nam đã chủ động phát triển sản phẩm mang tính chất kinh tế chia sẻ như đặt chỗ du lịch, đặt xe, sử dụng chung các thiết bị điện tử”, ông Thắng phân tích.

Đồng tình với chia sẻ của ông Thắng, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Đại Dương đánh giá, mô hình kinh tế chia sẻ đang chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong nền kinh tế các quốc gia.

“Tại Việt Nam, những biểu hiện của mô hình kinh tế này đã xuất hiện và tác động đến sự phát triển của kinh tế đất nước”, ông Dương nói.

Theo một nghiên cứu của Công ty kiểm toán PricewaterhouseCoopers tại Anh, doanh thu toàn cầu từ các công ty cung cấp nền tảng ứng dụng kinh tế chia sẻ đạt 15 tỷ USD vào năm 2014 và dự báo đạt tới 335 tỷ USD vào năm 2025, tức là tăng gấp 22 lần trong 10 năm.

Trong khi đó, tại Việt Nam, một dẫn chứng về sự tăng trưởng này là số lượng xe gia nhập thị trường Uber, Grab tại TP.HCM đã tăng từ 180 xe (năm 2014) lên 24.000 xe vào năm 2017.

Cơ hội và thách thức đối với Việt Nam

Theo bà Nguyễn Thị Tuệ Anh, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, về bản chất, kinh tế chia sẻ là mô hình kinh doanh tận dụng lợi thế của công nghệ số, qua đó tiết kiệm chi phí giao dịch và tiếp cận một số lượng lớn khách hàng thông qua các nền tảng số.

Những lợi ích này tạo ra cơ hội cho Việt Nam trong việc thúc đẩy phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, đồng thời cải cách bộ máy hành chính theo hướng chính phủ số và cải cách thể chế, phát triển nền kinh tế số và tham gia cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Tuy nhiên, bà Tuệ Anh cũng chỉ ra các thách thức không hề nhỏ mà kinh tế chia sẻ mang lại cho Việt Nam, như làm nảy sinh các mối quan hệ mới trên thị trường (quan hệ 3 bên, thay vì 2 bên trong hợp đồng kinh tế), đồng thời tạo ra xung đột lợi ích với mô hình kinh doanh truyền thống.

Trong khi đó, TS. Stefan Hajkowicz, Trưởng nhóm Data61, Tổ chức Nghiên cứu khoa học và công nghiệp Australia (CSIRO) lại đưa ra một góc nhìn mang tính cảnh báo, đó là các máy móc thông minh, trí tuệ nhân tạo (AI) đang thay đổi cách làm việc của con người.

Bà Stefan Hajkowicz cho biết, nghiên cứu của CSIRO chỉ ra rằng, 48% công việc hiện nay bị thay đổi vì tự động hóa và 14% nghề nghiệp sẽ hoàn toàn biến mất.

Singapore đã ứng phó với tình hình này bằng việc thành lập Quỹ Đào tạo số để giúp người lao động có thể học để chuyển đổi sang ngành nghề khác nếu công việc hiện tại có nguy cơ bị thay thế.

Theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), Việt Nam là quốc gia chịu rủi ro cao nhất trong khu vực về việc làm do kinh tế chia sẻ, với tỷ lệ ước tính khoảng 70%.

Nhận rõ các cơ hội và thách thức của kinh tế chia sẻ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư hồi đầu năm nay đã có báo cáo với Chính phủ và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý về việc xây dựng Đề án Mô hình kinh tế chia sẻ, trong bối cảnh các quy định pháp luật “hầu như còn bỏ ngỏ" đối với mô hình kinh tế này.

Trong khi xu thế ứng dụng công nghệ vào sản xuất - kinh doanh là không thể đảo ngược, thì vấn đề quan trọng với Việt Nam hiện nay là làm thế nào để khai thác tối đa điểm mạnh của mô hình kinh tế chia sẻ, đồng thời hạn chế tới mức thấp nhất những bất cập.

Theo Thứ trưởng Vũ Đại Thắng, quan trọng nhất là xây dựng hệ thống chính sách mới và sửa đổi cơ chế chính sách hiện hành, nhằm đạt mục tiêu phát huy lợi ích của kinh tế chia sẻ, đặc biệt là thúc đẩy tiến bộ khoa học - công nghệ, góp phần nâng cao hiệu quả nền kinh tế đa dạng, tránh tác động tiêu cực đến kinh tế vĩ mô nói chung.

Đồng tình với quan điểm trên, Thứ trưởng Phạm Đại Dương cho rằng, dưới góc nhìn của Bộ Khoa học và Công nghệ, những chính sách mới đó sẽ không chỉ quản lý những đối tượng của kinh tế chia sẻ, mà còn là chính sách công nghệ nằm ở phía sau.

“Cùng với sự phát triển của cách mạng công nghiệp 4.0, chúng ta đã có những cơ sở khoa học, nền tảng công nghệ để ứng xử với sự phát triển, biến thể của những mô hình kinh tế như kinh tế chia sẻ”, ông Dương nói.

Kỳ Thành
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục