Uber, Airbnb và thách thức pháp lý của “nền kinh tế chia sẻ”

(ĐTCK) Thời đại công nghệ thông tin lên ngôi, “nền kinh tế chia sẻ” đang trở thành một xu hướng phát triển mới trong vài năm gần đây. Những startup cung cấp dịch vụ chia sẻ xe, chỗ ở như Uber, Airbnb được định giá lên tới hàng chục tỷ USD, phổ biến tại hàng trăm quốc gia. Song, những thách thức dành cho mô hình này cũng không hề nhỏ.
Uber, Airbnb và thách thức pháp lý của “nền kinh tế chia sẻ”

Mô hình “kinh tế chia sẻ” ra đời mang đến cơ hội kiếm tiền cho tất cả mọi người. Ở mô hình này, người dùng sẽ tận dụng nguồn lực sẵn có từ cộng đồng, thuê tất cả mọi thứ khi cần mà không phải sở hữu chúng.

Airbnb và Uber là 2 cái tên nổi tiếng nhất trong lĩnh vực này. Airbnb là một dịch vụ chia sẻ chỗ ở, ra đời năm 2008, giúp kết nối giữa những người cho thuê chỗ ở với những người có nhu cầu như khách du lịch. Dịch vụ này nhanh chóng bùng nổ và chỉ sau 9 năm, Airbnb đã có mặt tại hơn 33.000 thành phố ở 192 quốc gia, đến nay đã được định giá tối thiểu tới 30 tỷ USD.

Tương tự, Uber là một dịch vụ chia sẻ xe, kết nối những người muốn đi nhờ xe với những người sở hữu phương tiện di chuyển rảnh rỗi. Startup đình đám này ra đời năm 2009, hiện đã có mặt tại hơn 250 thành phố trên toàn cầu, trở thành startup được định giá cao nhất thế giới: 68 tỷ USD.

Tốc độ phát triển nhanh như tên lửa, tuy nhiên, cả Uber, Airbnb và nhiều doanh nghiệp khác trong mô hình “kinh tế chia sẻ” đều đang đối mặt với những vấn đề chung và gây ra nhiều tranh cãi, nổi bật là những vấn đề về pháp lý trên toàn cầu.

Không “hòa thuận” với chính quyền

Airbnb đã nhiều lần gặp rắc rối với các cơ quan chính phủ, khi các cơ quan này muốn giảm thiểu thiệt hại từ việc cho thuê nhà ngắn hạn. Lý do chính mà các chính quyền “không ưa” Airbnb chính là khả năng lách thuế. Nhờ vào cấu trúc tài chính phức tạp, Airbnb đã lách được thuế tại 191 nước trên thế giới. Bởi vậy, chính quyền của nhiều địa phương đã có những biện pháp mạnh tay hơn nhằm kiểm soát dịch vụ cho thuê phòng này.

Ngày 20/10/2016, Thống đốc Thành phố New York Andrew Cuomo đã ký một sắc lệnh khẳng định Airbnb gây thiệt hại cho hoạt động kinh doanh bất động sản tại thị trường lớn nhất của Airbnb ở Mỹ.

Tại San Francisco, chính quyền thành phố này cũng yêu cầu Airbnb không được nhận tiền dịch vụ nếu các chủ nhà không đăng ký. Tại Paris, Berlin, Barcelona, Amsterdam và nhiều thành phố lớn khác ở châu Âu, Airbnb phải đối diện với những luật cấm, xử phạt khắt khe đối với các căn hộ cho thuê.

Về phía Uber, là startup lớn nhất thế giới, dịch vụ chia sẻ xe cũng đồng thời dính vào nhiều vụ kiện nhất tại Thung lũng Silicon.

Mới đây, Uber đã chính thức bị “cấm cửa” tại Italia, Đan Mạch sau khi thua kiện. Cuối năm nay, Tòa án châu Âu sẽ quyết định liệu Uber có phải là công ty vận tải, hay chỉ là một dịch vụ kỹ thuật số.

Nếu được phán quyết là công ty vận tải, Uber sẽ phải tuân thủ các quy định cấp phép, bảo hiểm và an toàn nghiêm ngặt hơn, khiến cho chi phí ở khu vực châu Âu tăng mạnh. Một tòa án Anh cũng sẽ sớm đưa ra phán quyết liệu Uber có phải trả thuế giá trị gia tăng đối với các khoản thu nhập từ dịch vụ của mình.

Trong bài viết “Thuế về nền kinh tế chia sẻ” đăng trên Tạp chí Forbes hồi tháng 7 năm ngoái, tác giả Ryan Ellis đã mô tả các mô hình kinh doanh như Uber hay Airbnb thực sự là bài toán khó đối với với các nhà hoạch định chính sách thuế, bởi không dễ xác định chính xác vai trò của những thành phần tham gia trong đó.

Xung đột lợi ích với mảng kinh doanh truyền thống

Bên cạnh rào cản từ các chính quyền địa phương, cả Uber lẫn Airbnb còn gặp phải làn sóng phản đối từ các mô hình kinh doanh truyền thống. Thực tế, ngành công nghiệp taxi, khách sạn chắc chắn bị ảnh hưởng về năng suất do sự bành chướng của Uber, Airbnb và các mô hình tương tự.

Để chống lại sự bành chướng đó, các nghiệp đoàn taxi truyền thống tại nhiều nước từ Âu Mỹ đến châu Á đã nhiều lần tổ chức biểu tình phản đối “cạnh tranh không công bằng” và đòi cấm Uber được hợp pháp hóa. Với Airbnb, nhiều chuỗi nhà hàng, khách sạn và hãng du lịch tại Mỹ đã yêu cầu các cơ quan chức năng kiểm tra lại cách thức Airbnb đánh giá người chia sẻ nơi ở để xem có hiện tượng gian lận số liệu nhằm hút khách hàng hay không.

Trong lịch sử phát triển kinh tế, bất cứ mô hình mới nào xuất hiện cũng có thể gây tổn thương đến những thành phần kinh tế đang có và phải trải qua một vài “cuộc chiến” mới có thể phát triển (hoặc bị loại trừ).

Nói tóm lại, chừng nào khung pháp lý đối với “nền kinh tế chia sẻ” được định hình rõ ràng để dung hòa lợi ích giữa các thành phần kinh tế - xã hội, thì mối mâu thuẫn giữa các công ty như Uber, Airbnbn với chính quyền và các doanh nghiệp truyền thống mới có thể được giải quyết.

Mai Thảo (Theo báo chí nước ngoài)

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục