Ngày mai, 11/4, Bộ Công thương sẽ tổ chức Diễn đàn Cách mạng công nghiệp thứ 4. Và một trong những nội dung được tập trung thảo luận là về sự phát triển của kinh tế chia sẻ - một mô hình còn khá mới mẻ ở Việt Nam.
Mô hình này trên thực tế không còn mới mẻ trên thế giới. Đã có nhiều doanh nghiệp kinh doanh dựa trên mô hình kinh tế chia sẻ và đạt những thành công đáng kể, ví như Airbnb hay Uber.
Năm 2008, dịch vụ chia sẻ chỗ ở Airbnb.com ra đời. Đây là công ty tiên phong tiêu biểu và minh chứng cho thành công của xu hướng ứng dụng mô hình kinh tế chia sẻ.
Dịch vụ này cho phép những người có nhu cầu có thể thuê được từ căn phòng trống đơn lẻ trong những căn hộ bình thường cho tới những vila/biệt thự có giá trị. Dịch vụ này nhanh chóng bùng nổ, chỉ sau hơn 8 năm, Airbnb đã có mặt tại hơn 33.000 thành phố ở 192 quốc gia, đến nay đã được định giá tối thiểu khoảng 30 tỷ USD.
Trong khi đó, Uber cũng là một cái tên nổi bật khi nhắc tới kinh tế chia sẻ. Tương tự như Airbnb, Uber đóng vai trò là bên thứ ba, kết nối những người muốn đi nhờ xe với những người có sở hữu phương tiện di chuyển rảnh rỗi, được thành lập vào năm 2009 tại Mỹ.
Ứng dụng Uber là phần mềm kết nối giữa hành khách và tài xế có sự quản lý, điều hành của doanh nghiệp. Uber hiện đã có mặt tại hơn 250 thành phố trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Hiện nay, châu Á được đánh giá là thị trường nước ngoài chủ đạo của Uber, đặc biệt là thị trường Đông Nam Á khi mà tại thị trường này Uber đạt được tốc độ tăng trưởng rất cao. Tốc độ tăng trưởng của doanh nghiệp này được thể hiện một cách rõ nét qua việc định giá 68 tỷ USD sau 8 năm phát triển.
Tại Việt Nam, đến thời điểm này, kinh tế chia sẻ chưa thực sự phát triển, mặc dù việc cho thuê tài sản ít sử dụng đã và đang tồn tại.
Tuy nhiên, một khảo sát mới công bố của Công ty Nielsen cho thấy kinh tế chia sẻ có tiềm năng lớn để phát triển tại Việt Nam. Theo khảo sát, cứ bốn người Việt được hỏi thì có ba người cho biết thích ý tưởng kinh doanh về mô hình này.
Trên thực tế tại Việt Nam, mô hình kinh tế chia sẻ đã xuất hiện với sự góp mặt của các công ty như Uber, Grab, Airbnb, Triip.me, Travelmob.
Tuy nhiên, vì là một mô hình khá mới, nên “kinh tế chia sẻ” đang đặt ra nhiều thách thức đối với các nhà quản lý chính sách, như làm sao tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, đảm bảo hài hòa lợi ích đối với các mô hình kinh doanh dịch vụ truyền thống; kiểm soát việc minh bạch về thông tin; quản lý giao dịch điện tử, thanh toán quốc tế về thương mại bằng thẻ; quản lý chất lượng dịch vụ, sản phẩm; chống thất thoát thuế...
Diễn đàn Cách mạng công nghiệp 4 có thể sẽ là cơ hội để các cơ quan quản lý, các doanh nghiệp tìm được tiếng nói chung trong việc phát triển “Kinh tế chia sẻ” ở Việt Nam.