Đo sức chống chịu của VND thời Trump 2.0

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Với dự báo căng thẳng thương mại toàn cầu tiếp tục gia tăng dưới thời Trump 2.0 và sức mạnh của USD đi kèm là mối lo ngại đang gia tăng, áp lực giảm giá đối với VND là điều cần chú ý.
Đo sức chống chịu của VND thời Trump 2.0

Diễn biến tâm lý trái chiều với USD

Báo cáo nghiên cứu tháng 11/2024 của Ngân hàng DBS (Singapore) cho biết, USD đã tăng mạnh kể từ sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, phản ánh kỳ vọng về mức thuế cao hơn và ít đợt cắt giảm lãi suất hơn của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

Ngược lại, giá vàng đã giảm, đảo ngược đà tăng liên tục trong suốt một năm qua. DBS cho rằng, những động lực này khó có thể kéo dài trong ngắn hạn. Nhiệm kỳ Trump 2.0 có thể sẽ đi kèm với nhiều động thái đối đầu để thúc đẩy những người muốn “đa dạng hóa” khỏi USD.

“Điều này có nghĩa là USD sẽ yếu hơn và giá vàng sẽ mạnh hơn khi cơn sốt thị trường sau bầu cử lắng xuống”, DBS nhận định và cho rằng, có một kịch bản ngắn và trung hạn cho USD. Kịch bản ngắn hạn đã diễn ra mạnh mẽ với cuộc bầu cử của ông Donald Trump vào ngày 5/11/2024 vừa qua.

Hiện tại, các giao dịch liên quan đến ông Trump đang diễn ra sôi động với sự tăng vọt của tiền điện tử, cổ phiếu và USD, trong khi thị trường thu nhập cố định đã bán tháo. Những giao dịch này đang hỗ trợ cho thuế quan và mở rộng tài khóa.

Sự suy đoán xung quanh đồng USD đã thay đổi kể từ cuộc họp của Fed vào tháng 9/2024, nhưng sự trở lại của những người ủng hộ “đồng bạc xanh” chỉ mới xuất hiện những ngày gần đây.

Dẫu vậy, không phải tất cả đều liên quan đến Tổng thống đắc cử của Mỹ. Thị trường bắt đầu đặt câu hỏi về mong muốn và khả năng cắt giảm lãi suất của Fed. Ngay cả khi không có các chính sách của ông Trump, dữ liệu mới nhất cho thấy, nền kinh tế Mỹ đang tăng trưởng mạnh mẽ.

Bên cạnh đó, động lực lạm phát vừa phải nhưng vẫn cao hơn đáng kể so với mục tiêu 2% của Fed và thị trường lao động vẫn mạnh, với tỷ lệ việc làm cao và tăng trưởng lương thực tế tích cực. Những yếu tố này cho thấy không có sự cấp bách để điều chỉnh, cho phép Fed có thời gian để xem xét mức độ cần thiết của việc cắt giảm lãi suất trong những tháng tới.

“Khi kỳ vọng tập trung vào mức lãi suất cuối cùng cao hơn trong chu kỳ này, đó là động lực cho những người ủng hộ USD”, DBS nhấn mạnh.

Vượt qua sự hưng phấn của các giao dịch liên quan đến ông Trump, theo DBS, một triển vọng thách thức hơn đang chờ đợi USD. Chênh lệch lãi suất danh nghĩa không phải là yếu tố duy nhất thúc đẩy đồng tiền này, các quan điểm trung hạn về lạm phát, phát hành trái phiếu chính phủ, thị trường chứng khoán và địa chính trị cũng rất quan trọng.

Xem xét những yếu tố này, DBS cho rằng, có một số lý do để trở thành người bi quan về đồng USD trong thời gian tới.

USD có thể chịu áp lực nếu có sự sụp đổ của thị trường tài sản và/hoặc việc phát hành trái phiếu kho bạc tăng vọt, làm giảm sức hấp dẫn của tài sản Mỹ. Trong trường hợp này, lãi suất chính sách của Fed có thể phải giảm ngay cả khi cuộc chiến chống lạm phát chưa kết thúc hoàn toàn, đây rõ ràng là một viễn cảnh tiêu cực với USD.

Ngoài ra, việc “vũ khí hóa” đồng USD trong những năm gần đây đã thúc đẩy các ngân hàng trung ương và kho bạc toàn cầu tìm kiếm các tài sản thay thế, trong khi khu vực tư nhân ngày càng trở nên nhiệt tình với tiền điện tử và vàng. Một chính quyền Trump quyết đoán trong nhiều vấn đề địa chính trị có thể làm tăng thêm động lực này.

Diễn biến giao dịch USD từ năm 2021 tới nay.

Diễn biến giao dịch USD từ năm 2021 tới nay.

Cuối cùng là vấn đề thâm hụt kép. Những năm gần đây, thâm hụt tài khóa của Mỹ đã ở mức 5-6% GDP và 1/3 số trái phiếu kho bạc Mỹ phát hành để tài trợ cho các thâm hụt này được mua bởi các nhà đầu tư nước ngoài.

Nguồn cung USD của họ đến từ thâm hụt tài khoản vãng lai của Mỹ, hiện ở mức 2-3% GDP. Nếu các mức thuế của ông Trump thành công trong việc giảm nhập khẩu, giảm thâm hụt thương mại và tài khoản vãng lai, sẽ có ít USD hơn để phần còn lại của thế giới tái chế.

“Triển vọng của USD sẽ bị nghi ngờ trong kịch bản này”, DBS nêu quan điểm.

Tiền đồng chịu sức ép giảm giá

Bà Nguyễn Thúy Hạnh - Tổng giám đốc Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam nhận định, đồng USD có khả năng mạnh lên trong năm 2025 nhưng có thể gặp khó khăn và suy yếu trong những tháng đầu năm do Fed tiếp tục cắt giảm lãi suất cùng sự bất ổn trong triển khai các chính sách kinh tế. Áp lực từ việc tăng lãi suất nhanh chóng và sự tăng mạnh đồng USD từ tháng 10/2024 có thể tạo thêm áp lực lên đồng tiền này.

Theo bà Hạnh, việc USD tăng mạnh tạo ra thách thức cho các đồng tiền trong khu vực châu Á chủ yếu do chênh lệch lãi suất gia tăng, nhất là với các nền kinh tế có triển vọng tăng trưởng yếu.

Đối với các đồng tiền như IDR (Rupiah Indonesia) và PHP (Peso Philippines), lãi suất cao của Mỹ có thể tạo thêm áp lực, làm chậm quá trình nới lỏng chính sách tiền tệ trong nước, dẫn đến khó khăn trong việc duy trì giá trị của các đồng tiền này.

“Việc cắt giảm lãi suất gần đây của Fed được kỳ vọng sẽ hỗ trợ các loại tiền tệ châu Á, bao gồm đồng Việt Nam. Tuy nhiên, dữ liệu kinh tế Mỹ khả quan hơn dự kiến đã gia tăng áp lực cho thị trường ngoại hối châu Á. Các yếu tố như sự bất ổn trong chính sách thương mại và các biện pháp có thể gây lạm phát dưới thời Tổng thống Trump có thể làm giảm tính ổn định của chính sách tiền tệ trong khu vực”, bà Hạnh nhận định.

Do đó, Việt Nam cũng nên chuẩn bị cho khả năng dòng vốn chảy ra nước ngoài nếu lãi suất của Mỹ vẫn duy trì ở mức cao. Đồng thời, sự bất ổn xung quanh chính sách thương mại và tăng trưởng kinh tế toàn cầu có thể gây thêm áp lực lên đồng Việt Nam.

“Standard Chartered dự báo, việc cắt giảm lãi suất của Fed sẽ làm đồng USD yếu hơn trong vài quý tới, qua đó, dẫn đến tỷ giá quy đổi USD/VND ở mức 25.250 đồng/USD vào cuối năm 2024 và 25.450 đồng/USD vào quý II/2025”, bà Hạnh cho hay.

Các chuyên gia phân tích của Ngân hàng UOB cho rằng, với dự báo căng thẳng thương mại toàn cầu tiếp tục gia tăng dưới nhiệm kỳ Trump 2.0 và sức mạnh của USD đi kèm là mối lo ngại đang gia tăng, Ngân hàng Nhà nước sẽ phải chú ý tới áp lực giảm giá đối với VND, kỳ vọng lãi suất tái cấp vốn sẽ duy trì ở mức hiện tại là 4,5%/năm.

“VND đã trải qua một giai đoạn nhiều biến động trong vài tháng qua. Sau khi ghi nhận mức tăng theo quý lớn nhất (3,5%) kể từ năm 1993 vào quý III/2024, VND đã đảo ngược tất cả các mức tăng trong tháng 10 và 11. Mặc dù có nền tảng vững chắc, nhưng VND vẫn bị kìm kẹp bởi các yếu tố bên ngoài như việc USD mạnh lên khi thị trường định giá lại với kịch bản Fed sẽ cắt giảm lãi suất ít hơn trong nhiệm kỳ Trump 2.0”, chuyên gia phân tích UOB nhận định.

Cũng theo bà Nguyễn Thúy Hạnh, các yếu tố có thể hỗ trợ cho sự ổn định của đồng Việt Nam bao gồm sự phục hồi trong thặng dư thương mại (đạt 3 tỷ USD mỗi tháng kể từ tháng 6/2024) và dòng vốn FDI ròng tăng trong các quý gần đây.

Bên cạnh đó, ngành du lịch phục hồi mạnh mẽ giúp mang lại thêm nguồn thu USD và lãi suất thấp hơn của Mỹ có thể giúp ngăn chặn dòng vốn chảy ra nước ngoài và hỗ trợ sự ổn định của tiền đồng.

Bà Trần Thị Khánh Hiền - Giám đốc Khối Nghiên cứu, Công ty Chứng khoán MB (MBS) nhận định, áp lực tỷ giá sẽ giảm dần và đạt mức 25.000 đồng/USD vào cuối năm nay với những yếu tố hỗ trợ như: Thặng dư thương mại tích cực (khoảng 23,3 tỷ USD trong 10 tháng đầu năm 2024), vốn FDI gia tăng (đạt 19,6 tỷ USD trong 10 tháng, tăng 9% so với cùng kỳ) và du lịch phục hồi mạnh mẽ (tăng 41,3% trong 10 tháng so với cùng kỳ). Sự ổn định của môi trường vĩ mô nhiều khả năng sẽ được duy trì và cải thiện hơn nữa là cơ sở để ổn định tỷ giá trong năm 2025.

“Việc Fed bắt đầu chu kỳ giảm lãi suất (kể từ tháng 9 tới nay đã giảm tổng cộng 75 điểm cơ bản) và nhiều khả năng duy trì việc cắt giảm trong thời gian tới sẽ tiếp tục giúp giảm sức ép lên tỷ giá, cho dù với tốc độ chậm hơn”, bà Hiền nói.

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục