Đỏ mắt tìm nhà giá rẻ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Căn hộ chung cư mới tầm 1 tỷ đồng dường như biến mất, các hộ gia đình trẻ đang mỏi mắt tìm nhà giá rẻ trong bối cảnh giá nhà leo thang từng ngày.
Nguồn cung căn hộ phù hợp với thu nhập người dân ngày một khan hiếm. Ảnh: Dũng Minh Nguồn cung căn hộ phù hợp với thu nhập người dân ngày một khan hiếm. Ảnh: Dũng Minh

Cung ít, giá cao

Chiều cuối năm, gặp anh Nguyễn Văn Thi (35 tuổi, quê Ninh Bình) trong bối cảnh anh đang nôn nóng tìm kiếm thông tin mua nhà. Truy cập một trang web mua bán bất động sản lớn với nguyện vọng tìm căn hộ có giá từ 800 triệu đồng đến 1 tỷ đồng, nhưng anh cho biết nhận được không nhiều kết quả, chủ yếu là thông tin mua bán lại căn hộ ở một số dự án tại khu vực Đại Thanh, Thanh Hà, Phương Canh, Long Biên…

“Tôi rời quê ra Hà Nội học và ở lại đây làm việc đến nay đã gần 15 năm. Nay dành dụm được khoảng gần 1 tỷ đồng muốn mua một căn hộ chung cư 2 phòng ngủ mà khó quá”, anh chia sẻ và cho biết, đã đi tìm nhà từ nhiều tháng nay với mong muốn tết này được ở nhà mới, nhưng mọi nỗ lực dường như bất thành khi giá căn hộ mà anh muốn luôn ngót nghét 2 tỷ đồng.

“Một dự án ở đường Giải Phóng (quận Hoàng Mai - Hà Nội) đang rao bán căn hộ 2 phòng ngủ rộng 60 m2 với giá hơn 1,8 tỷ đồng. Nó thực sự vượt xa khả năng tài chính của tôi. Vì thế, tôi đang tính đến mua một ngôi nhà cấp bốn đất xen kẹt chưa có sổ đỏ với giá 900 triệu đồng cũng ở khu vực này để có nhà ở, rồi sau này có tiền tính tiếp”, anh nói.

Trong bối cảnh giá nhà nội đô ngày càng đắt đỏ, nhiều người đã chuyển hướng ra vùng ven với hy vọng mua được nhà với giá rẻ hơn. Anh Phạm Trung Kiên (38 tuổi, quê Thanh Hóa) chia sẻ, sau thời gian dài tìm kiếm đã quyết định mua một căn chung cư tại khu vực quận Hà Đông.

“Tôi mua căn hộ 63m có giá 1,7 tỷ đồng. Đó là căn rẻ nhất mà tôi tìm hiểu trong vòng nhiều tháng qua đáp ứng được các tiêu chí của gia đình tôi. Kinh tế gia đình chỉ khoảng 900 triệu đồng, số tiền còn thiếu 800 triệu đồng là đi vay mượn”, anh nói và cho biết thêm, không “may mắn” như anh, một người bạn còn phải đi xa hơn, xuống khu vực An Khánh (Hoài Đức, Hà Nội) mà vẫn chưa tìm được căn hộ có giá phù hợp.

Chị Trần Hoài Phương (32 tuổi, Nghệ An) kể, gia đình chị đang tìm hiểu dự án Tecco Diamond (thuộc quần thể Khu đô thị Tứ Hiệp) của chủ đầu tư Tecco Hà Nội.

“Với mức giá dao động từ 22-25 triệu đồng/m2, tính ra căn hộ định mua có giá khoảng 1,5 tỷ đồng. Mặc dù phải vay tiền để mua và nơi ở cách khá xa so với nơi làm việc, nhưng tôi vẫn quyết định chọn mua bởi một phần đã ‘ngán’ với việc đi tìm kiếm, phần khác dự án này đầy đủ pháp lý và chủ đầu tư có hỗ trợ gói vay từ ngân hàng nên cũng thuận tiện hơn”.

Theo báo cáo mới đây của Bộ Xây dựng, những giao dịch căn hộ thành công trong quý III/2020 chủ yếu tập trung ở phân khúc bình dân, nằm tại các vùng ven như Đông Anh, Gia Lâm, Hà Đông… Tỷ lệ hấp thụ ở phân khúc này thường duy trì ở mức cao, khoảng 70%. Ngược lại sản phẩm phân khúc trung và cao cấp tiêu thụ chậm. Tại những khu vực này, một căn hộ diện tích 65 m2 có giá trung bình từ 1,4-1,6 tỷ đồng, thấp hơn khoảng 800-900 triệu đồng so với khu vực nội đô.

Giá nhà khó xuống thấp

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê và Quỹ Dân số liên hợp quốc công bố tuần qua, hiện cả nước có 39,4 triệu người sống ở các khu vực đô thị, chiếm 40,9% dân số và cứ 1.000 người dân sống ở các đô thị thì có 200 người là người nhập cư. Thống kê cũng chỉ ra rằng, gần một nửa số người di cư phải đi thuê, mượn nhà để ở.

Thực tế, không chỉ người di cư, mà bất cứ ai khác đều mong muốn có được một ngôi nhà của riêng mình để ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, thu nhập của người dân sụt giảm, còn giá nhà thì mỗi ngày một tăng, khiến giấc mơ an cư dường như trở nên xa vời.

Từ đầu năm 2020, đại dịch Covid-19 đã càn quét làm suy yếu nền kinh tế toàn cầu và Việt Nam không là ngoại lệ. Nhiều ngành nghề bị ảnh hưởng trầm trọng như hàng không, dịch vụ, du lịch… khiến nhiều người lao động mất việc làm, thu nhập giảm mạnh, trong khi vẫn chi trả các khoản cố định như ăn uống hàng ngày, tiền điện, nước, học phí cho con cái... Thậm chí, nhiều hộ gia đình phải tiêu vào số tiền tích lũy từ những năm trước đó vì không có việc làm.

Nhưng chờ để giá nhà giảm là điều rất khó. Lãnh đạo một doanh nghiệp tại Hà Nội chia sẻ, để thực hiện một dự án, doanh nghiệp phải mất nhiều thời gian để hoàn thiện thủ tục pháp lý, thường là từ 3-5 năm, thậm chí có dự án mất đến gần 10 năm. Hơn nữa, nhiều chủ đầu tư cũng không mặn mà với kinh doanh căn hộ bình dân bởi biên lợi nhuận thấp, thủ tục kéo dài, quỹ đất ngày càng thu hẹp…, vì thế mà nguồn cung cho phân khúc này luôn trong tình trạng khan hiếm.

Theo Bộ Xây dựng, trong thời gian tới, giá nhà không những không giảm, mà còn tăng dần. Trên cả nước, giá bán trung bình một căn hộ trung cấp dao động từ 20-35 triệu đồng/m2. Tại Hà Nội, giá bán căn hộ chung cư trung bình trong quý III/2020 vào khoảng 24,8 triệu đồng/m2, tăng 0,24% so với quý liền trước, trong đó phân khúc trung cấp tăng 0,44%, phân phúc bình dân tăng khoảng 1,02%.

Giới chuyên gia cũng nhìn nhận, các chủ đầu tư hiện khó có thể thực hiện được dự án nhà ở thương mại có giá dưới 20 triệu đồng/m2 và dưới 15 triệu đồng/m2 với nhà ở xã hội do các chi phí đầu vào như tiền sử dụng đất, giá nhân công, nguyên vật liệu… ngày một tăng.

Tại công văn số 118/2020/CV-HoREA gửi Thủ tướng Chính phủ, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đã đưa ra 7 đề xuất nhằm giảm giá nhà, trong đó đề nghị thay đổi cách thu tiền sử dụng đất dự án nhà ở thương mại, chuyển thành sắc thuế đánh trên “hành vi chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp thành đất ở”, với thuế suất bằng khoảng 15-20% giá đất trong bảng giá đất, xem xét giảm mức thu “tiền bảo vệ đất lúa” tối thiểu 50% bảng giá đất; rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục hành chính, tạo môi trường minh bạch công bằng…

HoREA cũng đề nghị Chính phủ sớm triển khai “Đề án phát triển nhà ở thương mại giá thấp” với các cơ chế, chính sách ưu đãi về tiền sử dụng đất, thuế, tín dụng, để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư các dự án nhà ở thương mại có mức giá căn hộ không quá 20 triệu đồng/m2 ở các tỉnh và không quá 22-25 triệu đồng/m2 ở các đô thị loại I, đô thị đặc biệt.

Tecco nỗ lực tạo ra các sản phẩm nhà ở phù hợp với người có thu nhập trung bình

Trong bối cảnh nguồn cung nhà ở phân khúc trung bình đang khan hiếm hiện nay, nhiều chủ đầu tư không mặn mà vì biên lợi nhuận thấp và việc thực hiện dự án cũng gặp không ít khó khăn thì Tecco vẫn nỗ lực tạo ra những sản phẩm nhà ở phù hợp túi tiền của người có thu nhập trung bình.

Phối cảnh dự án Tecco Diamond

Phối cảnh dự án Tecco Diamond

Chúng tôi mong muốn đóng góp cho xã hội và tạo cơ hội cho người dân có nhà ở bằng những sản phẩm có giá trị. Với dự án Tecco Diamond đang triển khai trong khu đô thị Tứ Hiệp (Thanh Trì - Hà Nội), chúng tôi cố gắng đem đến không gian sống xanh, nhiều tiện ích. Dự án cũng được đánh giá có căn hộ đẹp nhất trong khối các dự án trong khu vực với giá bán hợp lý và có hỗ trợ vay lãi suất ưu đãi.

Ông Nguyễn Văn Lợi Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tecco Hà Nội

Hải Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục