Có lượng tiền mặt dồi dào, đạt mức lãi suất đứng đầu nhóm cổ phiếu bảo hiểm - tài chính là Tập đoàn Bảo Việt (mã BVH). Báo cáo tài chính quý III/2022 của Tập đoàn Bảo Việt (mã BVH) cho thấy, đến cuối tháng 9, lượng tiền gửi tại các ngân hàng của tập đoàn này vào khoảng 100.000 tỷ đồng.
Cộng thêm số tiền nằm ở kênh trái phiếu thì khoản tiền mà Bảo Việt nắm giữ lên tới 167.000 tỷ đồng. Theo đó, nguồn thu từ lãi trong 9 tháng đầu năm của Tập đoàn đạt gần 4.500 tỷ đồng.
Tại Công ty cổ phần PVI, tổng tiền gửi và trái phiếu (bao gồm cả ngắn hạn lẫn dài hạn) tại thời điểm cuối quý III là hơn 10.015 tỷ đồng; lãi tiền gửi, tiền cho vay là 317 tỷ đồng; lãi đầu tư trái phiếu là 193 tỷ đồng.
Trên sàn chứng khoán, hiện có 9 cổ phiếu bảo hiểm đang niêm yết, gồm PTI, MIG, BMI, PGI, PRE, VNR và BIC, PVI và BVH và một số cổ phiếu đang giao dịch trên thị trường UPCoM như AIC, ABI, BLI… Trong bối cảnh lãi suất tiết kiệm tăng mạnh, nhà đầu tư kỳ vọng các doanh nghiệp ngành này sẽ được hưởng lợi lớn khi sở hữu những khoản tiền gửi khổng lồ.
TS. Hồ Quốc Tuấn, giảng viên Đại học Bristol (Anh quốc) cho biết, ở thị trường chứng khoán các nước, mỗi khi lãi suất tăng thì cổ phiếu bảo hiểm cũng tăng theo, vì về nguyên tắc, doanh nghiệp bảo hiểm đầu tư tiền vào “fixed income securities” (được hiểu là chứng khoán có thu nhập cố định, cho phép người đầu tư đưa ra yêu cầu thu nhập cố định mà không cần quan tâm quá nhiều đến kết quả kinh doanh của đơn vị phát hành) và dòng tiền mới phát sinh mỗi năm để đầu tư tăng thì phần đầu tư sẽ hưởng lợi.
Báo cáo phân tích của Công ty Chứng khoán FPT mới đây cũng nhận định, lãi suất tiền gửi được dự báo quay trở lại mức trung bình trước dịch bệnh Covid-19 vào đầu năm 2023, tác động tích cực đến hoạt động đầu tư của doanh nghiệp bảo hiểm. Tính đến hết tháng 6/2022, tiền gửi đang chiếm 74% tổng danh mục đầu tư của nhóm doanh nghiệp bảo hiểm niêm yết, danh mục đầu tư có xu hướng gia tăng tỷ trọng các khoản đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp.
Tuy vậy, theo ông Trần Nguyên Đán, giảng viên Trường Đại học Kinh tế TP.HCM, về lý thuyết, nhóm bảo hiểm sẽ hưởng lợi từ việc lãi suất tăng cao, nhưng việc hưởng lợi ở mức nào thì còn phụ thuộc vào kỳ hạn tiền gửi và ngân hàng gửi tiền. Thông thường, công ty bảo hiểm hay gửi kỳ hạn dài, nên có thể doanh nghiệp bảo hiểm sẽ khó hưởng lợi trong ngắn hạn.
Theo nhìn nhận của giới phân tích tài chính, xu hướng tăng lãi suất có lợi cho nhóm doanh nghiệp này là có, nhưng mà lợi ích mang lại có thể không nhiều như kỳ vọng của các nhà đầu tư.
Lãnh đạo một doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ quy mô lớn cũng tiết lộ, lãi suất cao giúp lợi nhuận đầu tư của doanh nghiệp tốt hơn, nhưng lạm phát cao hơn sẽ dẫn đến chi phí bồi thường cao, ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu quả của nghiệp vụ kinh doanh bảo hiểm.
9 tháng đầu năm, Tập đoàn Bảo Việt dù ghi nhận khoản lãi gần 4.500 tỷ đồng tiền gửi, nhưng tổng lãi chung đạt 1.551 tỷ đồng. Cùng thời gian, PVI lãi 846 tỷ đồng, Vinare lãi 309 tỷ đồng; ABIC lãi 210 tỷ đồng, Bảo hiểm Bảo Minh lãi 257 tỷ đồng, BIC lãi 239 tỷ đồng, Bảo hiểm Bảo Long lãi 163 tỷ đồng, Bảo hiểm Quân đội lãi 170 tỷ đồng, Bảo hiểm Petrolimex lãi 201 tỷ đồng, Bảo hiểm Hàng không lãi 10 tỷ đồng. Trong khi PTI lỗ 349 tỷ đồng và VASS lỗ 46 tỷ đồng.