Đo lường tác động dịch Covid-19 tới xuất nhập khẩu với Trung Quốc

Dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 xuất phát từ Vũ Hán (Trung Quốc) đã tác động lớn đến kinh tế Việt Nam về nhiều mặt, trong đó quan trọng nhất là xuất, nhập khẩu, du lịch giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Đo lường tác động dịch Covid-19 tới xuất nhập khẩu với Trung Quốc

Xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc năm 2019 có quy mô lớn thứ hai trong các nước và vùng lãnh thổ trên thế giới, chỉ đứng sau Mỹ, với 41,41 tỷ USD.

Trong 45 mặt hàng chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc, có 30 mặt hàng đạt trên 100 triệu USD, đặc biệt có 11 mặt hàng đạt trên 11 tỷ USD (máy tính, sản phẩm điện tử, linh kiện; điện thoại và linh kiện; rau quả; xơ sợi; giày dép; dệt may…).

45 mặt hàng chủ yếu trên được chia thành 3 nhóm quan trọng. Đáng quan tâm nhất là nhóm mặt hàng nông, lâm - thủy sản có kim ngạch đạt 8,205 tỷ USD. Do vậy, sự tăng, giảm kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng này vào Trung Quốc sẽ tác động lớn đối với tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Covid-19 đã khiến Trung Quốc hạn chế thông thương, khiến các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam bị ảnh hưởng lớn.

Với các mặt hàng nông, lâm - thủy sản xuất khẩu sang Trung Quốc, đáng ngại nhất là thủy sản, rau quả… Ngoài việc đây là những mặt hàng có kim ngạch lớn, có một số mặt hàng có tỷ trọng xuất khẩu tiểu ngạch lớn, thì việc bảo quản thường khó khăn, dễ bị hư thối nếu không xuất khẩu kịp thời.

Đo lường tác động dịch Covid-19 tới xuất nhập khẩu với Trung Quốc  ảnh 1

Để giải quyết khó khăn này, ngành nông nghiệp cho biết, một mặt tích cực tìm kiếm thị trường thay thế, mặt khác cần đẩy mạnh cơ cấu sản xuất nông nghiệp…

Về nhập khẩu, trong số 53 mặt hàng có thống kê chi tiết, thì tới 43 mặt hàng Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc. Trong 43 mặt hàng này, có 33 mặt hàng đạt trên 100 triệu USD, đặc biệt có 15 mặt hàng đạt trên 1 tỷ USD (máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng 14.895,9 triệu USD; máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện 12.114,1 triệu USD; vải 7.735,2 triệu USD; điện thoại và linh kiện 7.579,3 triệu USD; sắt thép các loại 3.299,9 triệu USD; sản phẩm chất dẻo 2.687,9 triệu USD; nguyên phụ liệu dệt, may, da giày 2.459,5 triệu USD…).

Do chiếm tỷ trọng lớn và dùng để sản xuất các mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch lớn, nên việc tăng, giảm kim ngạch nhập khẩu các nguyên liệu này sẽ tác động đến sản xuất và xuất khẩu của những mặt hàng trên.

Trong số các mặt hàng nhập khẩu, dệt may chiếm tỷ trong khá cao (kim ngạch nhập khẩu vải, nguyên phụ liệu dệt may, da giày, xơ sợi năm 2019 là 11.518,4 triệu USD). Khi hạn chế thông thương vì dịch Covid-19, nguyên liệu không nhập được, khiến việc sản xuất của ngành bị ảnh hưởng lớn, doanh nghiệp điêu đứng, kéo theo lao động không có việc làm.

Dịch Covid-19 còn ảnh hưởng đến lượng khách Trung Quốc đến Việt Nam. Năm 2019, khánh Trung Quốc đến Việt Nam có quy mô lớn nhất, trên 5,8 triệu lượt (chiếm gần 1/3 tổng số khách ngoại) và tăng khá cao so với năm trước (tăng 16,9%). Đây là quy mô, tốc độ tăng và mức tăng lớn nhất, vượt xa so với các thị trường khác. Với mức chi tiêu bình quân đầu người của khách Trung quốc (92 USD), thì số chi tiêu của tổng số khách Trung Quốc đạt khoảng 5,34 tỷ USD, chiếm khoảng 45,1% tổng chi tiêu của khách quốc tế đến Việt Nam.

Từ đầu năm nay, do dịch Covid-19, lượng khách Trung Quốc đến Việt Nam giảm mạnh, kéo theo các ngành hàng không, du lịch bị ảnh hưởng nặng nề. Thống kê mới nhất của riêng ngành hàng không đã cho thấy, thiệt hại do giảm, hủy chuyến bay đã lên lới 10.000 tỷ đồng.

Minh Nhung
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục