DN nội gia nhập lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ: Không dễ!

Theo số liệu của Bộ Tài chính, đến thời điểm này có gần 50 DN bảo hiểm đang hoạt động trong các lĩnh vực: bảo hiểm nhân thọ (BHNT), bảo hiểm phi nhân thọ (BHPNT), môi giới bảo hiểm và tái bảo hiểm. Trong số 11 DN BHNT chỉ có một DN bảo hiểm của Việt Nam là Bảo Việt nhân thọ. Gần đây, một số DN trong nước ngấp nghé nhảy vào lĩnh vực này. Phải chăng, gió đã xoay chiều?

Tiềm năng

Nhìn vào con số tăng trưởng của thị trường BHNT có thể thấy, đây là một lĩnh vực còn rất nhiều tiềm năng. Đương đầu với khó khăn về kinh tế và sự gia tăng cạnh tranh, tình trạng bất ổn của nền kinh tế toàn cầu và thị trường tài chính thế giới, hầu hết DN hoạt động trong lĩnh vực BHNT trong năm qua và 6 tháng đầu năm nay đều đạt kết quả kinh doanh khả quan. Các DN không ngừng tăng cường phát triển bằng việc nâng cao chất lượng phục vụ, mở rộng hệ thống đại lý, liên doanh liên kết và tạo ra nhiều sản phẩm mới.

Theo tính toán của các chuyên gia, tiềm năng thị trường BHNT Việt Nam còn rất lớn. Hiện mới chỉ có khoảng 5% dân số Việt Nam tham gia bảo hiểm, trong khi có ít nhất 30% gia đình Việt Nam có khả năng tham gia BHNT.

Theo số liệu của Bảo Việt nhân thọ, sau gần 14 năm hoạt động, từ doanh thu 1 tỷ đồng và hơn 1.300 hợp đồng năm 1996, đến năm 2009, tổng doanh thu của Công ty đã đạt 5.170 tỷ đồng, với gần 1,5 triệu hợp đồng có hiệu lực.

Trong năm 2009, tổng doanh thu phí bảo hiểm của Bảo Việt nhân thọ đạt trên 3.705 tỷ đồng, tăng khoảng 9% so với năm 2008, trong đó doanh thu khai thác mới đạt hơn 800 tỷ đồng và tăng trên 43% so với năm 2008.

Tiềm năng lớn là lý do lớn nhất kích thích các DN tham gia vào lĩnh vực này. Cách đây hai năm, Vietcombank, SeaBank và Công ty Cardif (thuộc Tập đoàn BNP Paribas - Pháp) đã ký kết hợp đồng thành lập công ty TNHH bảo hiểm nhân thọ mang tên Vietcombank - Cardif (VCB Cardif). Vốn điều lệ của Công ty là 140 tỷ đồng, trong đó tỷ lệ sở hữu của các bên là Vietcombank 45%, Cardif 43% và SeaBank 12%.

Xác định chiến lược phát triển dài hạn sau khi thực hiện cổ phần hóa, ông Nguyễn Quang Tùng, Tổng giám đốc Công ty Bảo hiểm Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIC) cho biết, Công ty sẽ mở rộng sang hoạt động kinh doanh bảo hiểm nhân thọ. Hình thức sẽ là liên doanh với đối tác nước ngoài, nhưng phía BIC sẽ nắm cổ phần chi phối.

Một số nguồn tin cho biết, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) đã liên hệ với đối tác Sumitomo Life; Ngân hàng Công thương Việt Nam (Vietinbank) liên hệ với European Life để xem xét thành lập liên doanh kinh doanh BHNT.

 

Thách thức

Giải thích lý do vì sao đến bây giờ mới chỉ có 1 DN 100% vốn trong nước hoạt động trong lĩnh vực BHNT, một chuyên gia về bảo hiểm cho biết, hoạt động trong lĩnh vực này đòi hỏi cao về nhiều phương diện. Do số lượng hợp đồng lớn nên việc quản lý yêu cầu một nền tảng công nghệ tốt. Các DN BHNT cạnh tranh bằng việc đưa ra những sản phẩm mới, trong khi đó công tác tính phí, đo lường rủi ro của DN trong nước còn yếu. Mặt khác, yêu cầu vốn kinh doanh BHNT cũng lớn, không phải DN nào cũng đáp ứng được (vốn tối thiểu đối với DN kinh doanh BHNT là 500 tỷ đồng, trong khi BHPNT chỉ là 300 tỷ đồng).

Một nguyên nhân nữa là chi phí gia nhập thị trường đối với BHNT khá lớn, trong 4 - 5 năm đầu tiên nhiều khả năng không có lãi. Như vậy, chỉ có những tập đoàn lớn, "trường vốn" mới có thể "chịu" được. Đối với các công ty cổ phần, cổ đông khó lòng chấp nhận việc chịu lỗ lâu như vậy. Ngoài ra, lĩnh vực BHNT yêu cầu phải có mạng lưới phân phối rộng khắp, cũng như việc đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng được cả về số lượng và chất lượng. Đây cũng là thách thức với không ít DN.

Cách đây vài năm, một DN kinh doanh bất động sản đã đầu tư khá lớn cho việc thành lập công ty bảo hiểm nhân thọ 100% vốn nội. Tuy nhiên, DN này đã thoái lui, cho dù chỉ cách "cuộc chơi" này vài bước chân.

Mặc dù đi vào hoạt động được gần 3 năm, nhưng gần đây, liên doanh bảo hiểm Vietcombank - Cardif mới đưa ra thị trường sản phẩm đầu tiên. Điều này cho thấy, để xây dựng được một "bộ khung" cho DN BHNT là điều không dễ dàng.

Nhìn lại những DN Việt Nam gần đây có ý định kinh doanh BHNT thường là những tổ chức tài chính, ngân hàng và thực hiện theo hình thức liên doanh, nhằm tận dụng công nghệ kinh doanh BHNT của DN nước ngoài, kết hợp với mạng lưới hệ thống có sẵn trong nước. Thị trường BHNT Việt Nam hứa hẹn sự cạnh tranh mạnh mẽ hơn và khách hàng sẽ là những người được thụ hưởng các sản phẩm ưu việt khi có sự tham gia của nhiều DN Việt Nam liên doanh với nước ngoài.

Đông Hải
Đông Hải

Tin cùng chuyên mục