Nếu như trước đây, dọc đường Lý Thường Kiệt (quận 10, TP.HCM), hàng trăm cửa hàng bán vật liệu xây dựng lúc nào cũng tấp nập người ra vào, thì giờ đây là khung cảnh ảm đạm bao trùm. Nhiều chủ cửa hàng cho biết, việc kinh doanh thời điểm này không mấy khả quan do nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng vật liệu như sắt, thép, gạch men, thiết bị vệ sinh, nhà bếp… giảm mạnh.
“Sau khi có đôi chút cải thiện vào cuối năm 2021, thì từ giữa năm nay, tình hình kinh doanh trở nên rất khó khăn. Nguyên nhân là do các dự án bất động sản bị đình trệ và nhu cầu thị trường chững lại”, anh Lê Minh Tú, chủ cửa hàng bán vật liệu và chuyên nhận thiết kế nội thất cho các chung cư, nhà phố ngậm ngùi nói.
Những cửa hàng bán đủ thứ từ vật liệu xây dựng cho đến đồ nội thất ở đường Lý Thường Kiệt là minh chứng sống động cho mối liên kết giữa thị trường bất động sản với các lĩnh vực khác. Trên khắp TP.HCM, không thể đếm xuể những con đường, khu chợ như thế để phục vụ cho ngành bất động sản.
Sự phát triển của thị trường địa ốc mang đến cơ hội cho hàng chục, thậm chí cả trăm ngành nghề khác, ngay cả những lĩnh vực có vẻ không liên quan như hội họa, điêu khắc… cũng có thể bị ảnh hưởng khi bất động sản “hắt hơi, sổ mũi”.
Với xây dựng - lĩnh vực có mối liên hệ mật thiết nhất với thị trường bất động sản, mức độ ảnh hưởng càng nghiêm trọng hơn. Nếu như đầu năm nay, “cơn bão giá” vật liệu xây dựng đã bào mòn lợi nhuận, đẩy nhiều doanh nghiệp, nhà thầu thi công vào tình thế khó khăn thì việc thị trường bất động sản trầm lắng trong thời gian dài càng khiến doanh nghiệp ngành này suy kiệt.
Mới đây, Thuận Việt Holding - một doanh nghiệp chuyên xây dựng ở TP.HCM, đã phải ra thông báo điều chỉnh giảm lương cán bộ, nhân viên tại hội sở chính cũng như các đơn vị thành viên. Cụ thể, đối với khối công trình, giữ nguyên lương cho những nhân viên có mức lương dưới 10 triệu đồng/tháng. Nhân viên có mức lương từ 10-20 triệu đồng sẽ điều chỉnh giảm 40% đối với phần lương trên 10 triệu đồng. Nhân viên có mức lương trên 20 triệu đồng, mức giảm là 50% đối với phần lương trên 10 triệu đồng. Chính sách này áp dụng đối với toàn bộ nhân sự tại các dự án, trừ các công trình tại Đà Lạt, Quảng Ninh sẽ kết thúc trong tháng 11/2022.
Tương tự, một công ty đầu ngành xây dựng khác ở phía Nam cũng thông báo điều chỉnh kỳ lương tháng 11 và tháng 12/2022. Theo đó, các cấp có mức lương trên 100 triệu đồng/tháng sẽ điều chỉnh giảm từ 35-41%; từ 50-100 triệu đồng/tháng giảm từ 30% đến dưới 35%; từ 30-35 triệu đồng/tháng giảm từ 22% đến dưới 30%; từ 15- 30 triệu đồng/tháng giảm từ 3-20%. Riêng các cấp có mức lương dưới 15 triệu đồng/tháng sẽ không bị điều chỉnh.
Lãnh đạo doanh nghiệp này cho biết, việc giảm lương chỉ tạm giữ và sẽ truy hoàn lại cho nhân viên khi tình hình kinh doanh công ty ổn định trở lại. Ngoài ra, từ ngày 19/11/2022, tất cả nhân viên tại khối văn phòng sẽ nghỉ làm việc vào mỗi ngày thứ Bảy để giảm chi phí vận hành. Đối với các trường hợp làm việc tại công trình sẽ được nhận lương bình thường.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Đàm Hà Phú, Tổng giám đốc Công ty Không Gian Đẹp cho biết, hầu hết doanh nghiệp ngành xây dựng hoạt động dựa trên vốn tạm ứng một phần của chủ đầu tư, kế đến là vốn vay ngân hàng, làm xong 1-2 tháng mới được quyết toán. Tuy nhiên, hiện nay, tín dụng cho doanh nghiệp xây dựng bị hạn chế và mặt bằng lãi suất tăng cao như càng đẩy doanh nghiệp vào “dầu sôi, lửa bỏng”.
“Thời gian tới, nếu thị trường bất động sản còn khó khăn, không ít nhà thầu xây dựng đứng trước nguy cơ dừng hoạt động bởi nguồn vốn cạn kiệt, kết hợp với không được thanh toán dẫn đến nợ không thể trả. Ngoài ra, những nhà thầu không có sự hỗ trợ của ngân hàng hay thiếu tài sản có tính thanh khoản để có thể duy trì bộ máy sẽ rất khó khăn”, ông Phú cảnh báo.