Đây là vấn đề khá nổi cộm được nhiều đại biểu đưa ra tại Hội thảo khoa học “Những vấn đề đặt ra cho công tác điều chỉnh quy hoạch chung các đô thị lớn ở Việt Nam trong điều kiện hiện nay”.
Theo TS.KTS. Trương Văn Quảng, Phó tổng thư ký Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, một thực trạng chung trong công tác quy hoạch đô thị các địa phương đó là quy hoạch tỉnh đang ở tình trạng tích hợp quy hoạch chưa đáp ứng phương pháp quy hoạch tích hợp. Dường như nội dung quy hoạch phản ánh một phép cộng đơn thuần, bao hàm các nội dung mang tính định hướng, cụ thể và chi tiết.
Theo ông Quảng, bản chất quy hoạch tỉnh vẫn thiên về quy hoạch tổng thể kinh tế, xã hội,… có cộng thêm phần tổ chức không gian nhưng chưa rõ, thậm chí mơ hồ và không cần thiết.
Theo TS. KTS. Nguyễn Thành Hưng, Giám đốc Sở Xây dựng TP. Hải Phòng, hiện còn tồn tại một số vấn đề chồng chéo trong quy hoạch tỉnh.
Cụ thể, quy hoạch chung đô thị dễ bị điều chỉnh sau khi quy hoạch tỉnh và quy hoạch các cấp theo quy định của Luật Quy hoạch 2017 được phê duyệt. Ở chiều ngược lại, khó điều chỉnh quy hoạch chung đô thị cho phù hợp với các điều kiện phát triển kinh tế xã hội, sau khi hệ thống đô thị, phân bổ sử dụng đất đô thị, nông thôn, kết cấu hạ tầng… được tích hợp trong quy hoạch tỉnh và các quy hoạch cấp cao hơn theo Luật Quy hoạch năm 2017. Ngoài ra, việc tích hợp dễ phát sinh trùng lặp về một số nội dung giữa quy hoạch chung đô thị cũng như các quy hoạch ngành, lĩnh vực và quy hoạch tỉnh.
Theo ông Hưng, Luật Quy hoạch 2017 có tính tích hợp, đồng bộ rất cao các loại quy hoạch quốc gia, nhưng do mức độ chi tiết của việc tích hợp giữa các cấp quy hoạch chưa có mẫu số chung, nội dung cần tích hợp chưa phân định cụ thể, rõ ràng, do vậy quá trình lập, tích hợp có tính chồng lớp sẽ không tránh được các mâu thuẫn, trùng lặp về nội dung với các quy hoạch ngành, lĩnh vực, trong đó có quy hoạch chung đô thị.
Do vậy, để đảm bảo tính thống nhất giữa các quy định pháp luật hiện hành về quy hoạch, cần làm rõ một số vấn đề về mối quan hệ, trình tự thực hiện, mức độ tích hợp các loại quy hoạch vào quy hoạch tỉnh, đặc biệt là các quy hoạch chuyên ngành có tính chất kỹ thuật cao, chuyên môn sâu, đặc thù như quy hoạch xây dựng, quy hoạch đất đai… và cần rà soát cụ thể, tỉ mỉ những vướng mắc, thiếu sót, chính sách, bất cập không phù hợp để điều chỉnh cho phù hợp.
Cùng với đó, cần có hướng dẫn chuyển tiếp khi thực hiện cùng thời điểm các quy hoạch chung đô thị, quy hoạch tỉnh khi chưa có quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng, để xử lý các nội dung chuyển tiếp, khắc phục các mâu thuẫn, trùng lặp dẫn đến phải điều chỉnh các quy hoạch cấp dưới như quy hoạch chung đô thị, hạn chế tối đa phát sinh các chi phí, ảnh hưởng đến tiến độ đầu tư phát triển đô thị.
Theo ông Nguyễn Mạnh Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Quảng Ninh, để thực hiện quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030 và tầm nhìn 2050, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã bám sát 11 văn bản luật có liên quan đến quy hoạch. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện lập quy hoạch tỉnh vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Quy hoạch tỉnh thời kỳ này là loại hình quy hoạch mới (quy hoạch tích hợp), có tính chất phức tạp, nội dung bao trùm, phạm vi nghiên cứu rộng, hình thức hoàn toàn mới so với trước đây, chịu sự điều chỉnh của nhiều pháp luật có liên quan, trong khi cả kinh nghiệm trong nước và quốc tế về nội dung còn rất hạn chế.
Cải tạo chung cư cũ là bài toán khó với nhiều đô thị lớn. Ảnh: Thành Nguyễn. |
Còn theo UBND TP. Hà Nội, đánh giá theo quá trình 7 lần quy hoạch TP. Hà Nội (1962, 1974, 1976, 1982, 1992, 1998, 2011), cũng tồn tại không ít hạn chế. Ví dụ giai đoạn 1954 - 1973 chưa nhận thức về quy hoạch vùng và mô hình chùm đô thị. Giai đoạn 1974 - 1991, quy hoạch vùng và mô hình chùm đô thị Hà Nội được đề xuất sơ khai vào năm 1974 đã có nhận thức về quy hoạch vùng và mô hình chùm đô thị (Hà Nội – Vĩnh Yên), song còn tồn tại nhiều hạn chế khi khu vực nội thị và ven đô chủ yếu phát triển về phía Nam sông Hồng…
Đại diện UBND TP. Hà Nội cho biết, Thành phố đang nghiên cứu, đề xuất mô hình và bộ máy quản lý “Thành phố trực thuộc Thủ đô” gắn với phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng đồng bằng sông Hồng và Vùng Thủ đô. Cùng với đó là rà soát, chuẩn hóa danh mục, quy hoạch xây dựng các khu công nghiệp, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp làng nghề (số lượng, tên gọi, quy mô, tính chất chức năng) và các khu chức năng động lực phát triển kinh tế trên địa bàn thành phố Hà Nội. Bổ sung cơ sở tính toán, định lượng các khu ở mới phục vụ công nhân, người lao động, di giãn dân, tái định cư trong quy hoạch nông thôn và quy hoạch khu chức năng, đảm bảo kết nối đồng bộ hạ tầng.
Tuy nhiên, theo đại diện Hà Nội, đến nay, mối quan hệ giữa quy hoạch tỉnh và quy hoạch chung đô thị đối với các đô thị đặc biệt như Hà Nội và TP.HCM chưa từng có tiền lệ; cũng như hệ thống văn bản pháp luật chưa đề cập đầy đủ các diễn biến thực tế đang diễn ra. Vì vậy, để tháo gỡ những vấn đề bất cập đã nêu ở trên, mỗi đô thị cần xác định cho mình những yếu tố đặc thù liên quan đến 2 quy hoạch nhằm xác định mức độ nghiên cứu của từng loại quy hoạch cho phù hợp, tránh chồng chéo, trùng lặp.
Đồng thời, kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Xây dựng hướng dẫn cụ thể về nội dung tích hợp, bản đồ tích hợp, cơ sở dữ liệu khi tích hợp vào Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đồng bộ với Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.
Còn theo đại diện Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM, Thành phố đã trải qua nhiều giai đoạn phát triển mở rộng. Song về mặt quy hoạch và thiết kế xây dựng đô thị, chỉ có đề án Coffin vào cuối thế kỷ 19 quy hoạch cho một thành phố Sài Gòn với 500.000 dân là hoàn chỉnh, hệ thống hơn cả. Sự phát triển thực tế đã vượt xa những dự định ban đầu, nhất là về mặt xây dựng kết cấu hạ tầng, nên Thành phố đang gặp phải nhiều vấn đề về tổ chức và quản lý đô thị, trong cải thiện môi trường và điều kiện sinh sống cho dân cư.
Hiện nay, TP. HCM xác định phát triển theo mô hình tập trung, đa cực nhằm một mặt phát triển thành phố, vừa giảm áp lực cho khu trung tâm hiện hữu vốn đang quá tải. Tuy nhiên, tất cả chỉ dừng lại ở bước lập quy hoạch, vấn đề kêu gọi đầu tư xây dựng, triển khai dự án đã gặp rất nhiều khó khăn và gần như chưa một đô thị nào được xây dựng trong hơn 10 năm qua.
Một trong những nội dung quan trọng được đại diện Sở Xây dựng TP.HCM cho biết, đó là việc TP.HCM hướng đến thành phố toàn cầu. Xây dựng cơ chế, chính sách thu hút, phối hợp và phát huy nguồn lực đầu tư và phát triển đô thị.
Theo đó, thời gian tới, TP.HCM sẽ tập trung vào việc giải quyết các vấn đề cốt lõi, như đổi mới công tác quy hoạch, xây dựng, cải tạo chỉnh trang và quản lý phát triển đa dạng các hình thái và khu vực đặc thù. Cùng với đó là việc phát triển mạng lưới đô thị của thành phố và vùng thành phố với cấu trúc và quy mô phù hợp với nguồn lực thực tế, hướng tăng trưởng xanh, bền vững, có khả năng chống chịu và tự hồi phục. Ngoài ra, việc đẩy mạnh xây dựng công cụ quản lý phát triển thành phố hiện đại, khai thác hiệu quả công nghệ như một phần của nền tảng văn hóa sáng tạo.