Định hình “khẩu vị” nhà đầu tư của Chính phủ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sau 17 năm tham gia tiến trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, hiện là thời điểm thích hợp để SCIC “chuyển mình”. Ý tưởng và tầm vóc của SCIC phải lớn hơn để thích ứng với những “cuộc chơi” mới.
Trong danh mục của SCIC hiện có 4 doanh nghiệp dược lớn, bao gồm Dược Hậu Giang, Traphaco, Domesco, Tổng công ty Dược Việt Nam - CTCP Trong danh mục của SCIC hiện có 4 doanh nghiệp dược lớn, bao gồm Dược Hậu Giang, Traphaco, Domesco, Tổng công ty Dược Việt Nam - CTCP

Đầu tư Chứng khoán đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Chí Thành, Chủ tịch Hội đồng thành viên SCIC nhân dịp đầu Xuân 2024.

Chiến lược phát triển SCIC đến năm 2030, tầm nhìn đến 2035 đã được phê duyệt, mở ra cơ hội và những định hướng mới để Tổng công ty “chuyển mình” ra sao, thưa ông?

Trong chiến lược được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1336/QĐ-TTg có 2 nội dung cơ bản là chiến lược phát triển SCIC đến năm 2030, tầm nhìn đến 2035 (chiến lược phát triển) và kế hoạch đến 2025 (kế hoạch 5 năm).

Trong kế hoạch 5 năm, chúng tôi đã có các dự án cụ thể, bao gồm các dự án đầu tư vào cơ sở hạ tầng, các dự án chuyển đổi số và đầu tư vào lĩnh vực tài chính. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng chuẩn bị nguồn lực để có thể tái cơ cấu một số doanh nghiệp, tăng vốn cho các doanh nghiệp này, trong đó có lĩnh vực sản xuất thép.

Những dự án cụ thể, chúng tôi đã có và được phê duyệt đến năm 2025. Sau năm 2025 chúng tôi đi theo các hướng như các quỹ đầu tư khác, phân bổ theo tài sản. Lúc đó, nếu chưa có các dự án phân bổ theo tài sản cụ thể, nguồn lực vốn sẽ được phân bổ vào các lĩnh vực Nhà nước cần ưu tiên, đặc biệt là cơ sở hạ tầng, bao gồm dự án chuyển đổi số, dự án xanh, dự án đầu tư về đổi mới sáng tạo.

Ông Nguyễn Chí Thành, Chủ tịch Hội đồng thành viên SCIC

Ông Nguyễn Chí Thành, Chủ tịch Hội đồng thành viên SCIC

Đầu tư lớn cần nguồn lực lớn. Với quy mô vốn còn khiêm tốn như ở SCIC hiện nay, các giải pháp cần thiết để gia tăng năng lực cho nhà đầu tư của Chính phủ là gì?

Chúng tôi nhận thức được rằng, để thực hiện chiến lược trên, đầu tiên phải có nguồn lực về vốn, cơ chế và con người. Đối với vấn đề vốn, chúng tôi đề xuất có lộ trình tăng vốn của SCIC từ nay đến năm 2030 và kiến nghị, các nguồn lực về thoái vốn sẽ được giữ lại để SCIC tái đầu tư vào các lĩnh vực Nhà nước cần đầu tư, cũng như đã được phê duyệt trong chiến lược.

Thứ hai, SCIC cần tiếp tục bổ sung các nguồn lực khác, vì như các chuyên gia đã nêu, Singapore có quy mô GDP khoảng 450 tỷ USD, tương đương Việt Nam, nhưng một số quỹ đầu tư lớn của chính phủ nước này đang quản lý các tài sản vài trăm tỷ USD, trong khi vốn hóa danh mục của SCIC chỉ 8 tỷ USD.

Quy mô vốn quá khiêm tốn thì khó có thể đạt được các kỳ vọng và thực hiện được mục tiêu là nhà đầu tư của Chính phủ. Cho nên, chúng tôi mong muốn Chính phủ cho phép chuyển đổi mô hình SCIC là quỹ đầu tư của Chính phủ và bổ sung nguồn lực cho Tổng công ty trong thời gian tới.

Trong giai đoạn “chuyển mình”, SCIC sẽ phải chấp nhận thử thách để vượt qua. Vậy tính chuyên nghiệp ở nhà đầu tư của Chính phủ được thể hiện như thế nào?

Ngoài thép, cơ sở hạ tầng, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, lĩnh vực xanh, SCIC sẽ tập trung đầu tư vào những lĩnh vực hiệu quả, trong đó có ngành dược.

Tính chuyên nghiệp được thể hiện ở 2 khía cạnh. Thứ nhất, về môi trường pháp lý, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất - kinh doanh tại doanh nghiệp đang được sửa đổi. Dự thảo luật có một chương riêng về đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước, trong đó có nhà đầu tư của Chính phủ, quy định những cơ chế, lĩnh vực cần đầu tư, những cách thức, phương thức để bảo toàn và phát triển vốn theo thông lệ quốc tế. Chúng tôi cho rằng, đó là môi trường chuyên nghiệp, có hành lang pháp lý chuyên nghiệp đó mới thực hiện được các nội dung chuyên nghiệp.

Thứ hai là các vấn đề bên trong, tự SCIC phải ban hành kế hoạch thực hiện chiến lược, thực hiện tổ hợp các nhóm giải pháp về con người, về cơ sở hạ tầng thông tin, công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, hợp tác quốc tế, nhất là hợp tác với các quỹ đầu tư. Đặc biệt, huy động các nguồn lực như kinh nghiệm của Ấn Độ, Nga, Indonesia, hay hợp tác với các quỹ đầu tư vùng Vịnh. Chúng tôi nghĩ, đó là những yếu tố cần thiết để thực hiện tái cơ cấu hiệu quả các doanh nghiệp nhà nước.

Việc bàn giao vốn nhà nước tại các doanh nghiệp về SCIC thời gian tới liệu có gì mới?

Chúng tôi sẽ nghiêm túc thực hiện Quyết định số 1479/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tái cơ cấu các doanh nghiệp trên cả nước, trong đó có nội dung bàn giao phần vốn nhà nước ở các địa phương và các bộ về SCIC. Vừa qua, chúng tôi đã làm việc với Bộ Công thương, Bộ Xây dựng, Bộ Y tế, một số địa phương và ghi nhận tín hiệu tích cực trong việc thực hiện việc bàn giao này.

Điểm mới là chúng tôi triển khai công việc tái cấu trúc và bàn giao các doanh nghiệp quyết liệt hơn nhiều so với trước đây, đồng thời đề xuất sửa đổi cơ chế bàn giao về SCIC phù hợp hơn và hỗ trợ các bộ, ngành, địa phương để họ tập trung vào quản lý nhà nước theo chức năng, nhiệm vụ. Dự kiến, vài chục doanh nghiệp sẽ được bàn giao vốn nhà nước về SCIC.

Thực tế hiện nay cho thấy, nhiều doanh nghiệp địa phương có bề dày lịch sử hoạt động, có năng lực chuyên ngành, nhưng có hạn chế lớn về quy mô vốn. SCIC có thể tham gia đầu tư vào các doanh nghiệp đó hay không?

Quả thực, một số doanh nghiệp có quy mô địa phương, “khoác áo” địa phương nên khó đạt quy mô toàn quốc hoặc mở rộng đầu tư ra nước ngoài, trong khi có điều kiện để thực hiện điều đó như Becamex Bình Dương, Sonadezi Đồng Nai… Chúng ta có thể “quốc gia hóa” các doanh nghiệp này để họ lớn hơn, có thể tham gia hợp tác quốc tế. Doanh nghiệp có thể tăng vốn và SCIC có đủ căn cứ pháp lý cũng như tài chính để đầu tư vào doanh nghiệp.

Ông có đề cập đến việc đầu tư vào doanh nghiệp hiện hữu trong danh mục của SCIC, ngoài thép thì các lĩnh vực nào sẽ được ưu tiên?

Ngoài thép, cơ sở hạ tầng, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, lĩnh vực xanh, SCIC sẽ tập trung đầu tư vào những lĩnh vực hiệu quả, trong đó có ngành dược. Hiện trong danh mục của SCIC có 4 doanh nghiệp dược lớn, thuộc tốp đầu Việt Nam gồm Dược Hậu Giang, Traphaco, Domesco, Tổng công ty Dược Việt Nam - CTCP. Chúng tôi đã có chương trình hành động và bàn bạc với các doanh nghiệp này, chia sẻ hợp tác trong hệ sinh thái, hợp tác với các cổ đông nước ngoài, tăng vốn cho doanh nghiệp để phát triển sản phẩm, chuyển giao công nghệ, tăng cường bán hàng, cung cấp cho người dân thêm nhiều sản phẩm chất lượng cao.

Anh Việt thực hiện.

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục