Đỉnh 1.170 điểm, gần và xa

(ĐTCK) Ngày 12/3 vừa qua, giới đầu tư có dịp ôn lại mốc đỉnh lịch sử của TTCK khi VN-Index đạt 1.170 điểm vào ngày này năm 2007. Nhiều người ngậm ngùi khi nhớ lại, bởi sau đó thị trường lao dốc mạnh và họ đã mất tiền. 
Đỉnh 1.170 điểm, gần và xa

Nhưng thời điểm này đã khác trước rất nhiều về bản chất, sức khỏe của nền kinh tế và doanh nghiệp, cũng trình độ phát triển của TTCK Việt Nam. Vì vậy, 1.170 điểm được nhắc đến như một mốc điểm có ý nghĩa lịch sử hơn là một khó khăn, thách thức đáng ngại.

Tuy nhiên, khi thị trường vừa trải qua một khoảng thời gian tăng giá khá nhanh dưới tác động của dòng vốn nước ngoài đổ vào thì mốc 1.170 điểm có thể là ngưỡng cản trong ngắn hạn của VN-Index, hiện đang dao động trong khoảng 1.120 - 1.130 điểm. Trong khi đó, lực đỡ, lực đẩy quan trọng của thị trường là cổ phiếu blue-chips hầu hết đã tăng đến mức định giá phù hợp theo đánh giá của nhiều công ty chứng khoán (CTCK). 

Một trong những cổ phiếu thu hút dòng tiền gần đây là VPB. Sau khi đủ điều kiện giao dịch ký quỹ (margin), VPB được nhà đầu tư mua gom nên tiếp tục kéo dài đồ thị tăng giá từ tháng 12 năm ngoái đến nay.

Một số công ty chứng khoán lớn như HSC, Bản Việt… đánh giá, mức 65.000 đồng/cổ phiếu (đạt được ngày 8/3/2018) đã phản ánh đúng giá trị của ngân hàng này.

Tương tự, nhiều cổ phiếu đầu ngành khác như VJC, VCB, VNM, SAB, VIC, HCM… đều đã tăng lên mức giá tương ứng với P/E không hề rẻ. Trong quá khứ, có không ít cổ phiếu như SAB, VNM tăng lên mức giá kỷ lục vì những câu chuyện riêng, thoái vốn nhà nước, bất chấp những khuyến nghị về giá trị hợp lý theo định giá của các CTCK.

Khi câu chuyện thoái vốn qua đi thì những cổ phiếu đó có diễn biến giảm về vùng giá được coi là hợp lý. Câu chuyện này đang lặp lại với BMP và không loại trừ VPB với câu chuyện chia cổ phiếu tỷ lệ hơn 60%, sẽ giảm giá hay chững lại đà tăng như HDB trước đó.

CTCK TP.HCM (HSC) dự báo, năm nay, VN-Index nhiều khả năng đạt 1.200 điểm và trong kịch bản tốt nhất, chỉ số có thể chạm đến ngưỡng 1.320 - 1.360 điểm. Mốc điểm này chỉ nhỉnh hơn mốc lịch sử 1.170 điểm chút ít, nhưng trong bối cảnh thị trường đang được định giá là không rẻ thì cũng không dễ để VN-Index đạt được trong thời gian ngắn.

Nhiều nhân viên môi giới của các CTCK chia sẻ, họ tư vấn khách hàng kiếm lợi nhờ biến động giá cổ phiếu trong biên độ hẹp cùng với sử dụng đòn bẩy margin ngắn ngày nhiều hơn là dùng đòn bẩy tối đa và nắm giữ như cách đây vài tháng. Ðiều này thể hiện ở việc một số cổ phiếu trước đây thường hết margin ở các CTCK lớn thì nay đã có margin trở lại, nhờ nhà đầu tư luân phiên mua vào, bán ra.

Trong bối cảnh thị trường hiện nay, các môi giới cho biết, điều quan trọng là theo dõi dòng tiền, nếu dòng tiền có dấu hiệu rút ra khỏi thị trường thì phải nhanh chóng bán ra. Gần đây, thanh khoản thị trường giảm so với tháng đầu năm, dòng tiền kém sôi động hơn, nhưng tiền vẫn nằm trong tài khoản của nhà đầu tư. Nếu dòng tiền giảm nhiệt từ từ kéo dài thì tài khoản của nhà đầu tư sẽ hao mòn dần, cho đến khi mức giá cổ phiếu đủ sức hấp dẫn dòng tiền trở lại.

Một trong những lý do để lạc quan về TTCK trong bối cảnh định giá không còn rẻ và dòng tiền đang có dấu hiệu chảy chậm lại là thị trường có nhiều câu chuyện riêng của các cổ phiếu như chia thưởng cổ phiếu tỷ lệ lớn, lợi nhuận cao của các ngân hàng, tăng trưởng cao của các cổ phiếu sản xuất và tiêu dùng như MWG, HPG, VJC,CTD…, tái cơ cấu tài chính của cổ phiếu thị giá nhỏ như HAG, HNG, HVG…, các thương vụ thoái vốn nhà nước ở DCM, GAS, PV Oil…

Các câu chuyện trên sẽ là động lực chính để thúc đẩy VN-Index vượt ngưỡng lịch sử. 

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục