Nền tảng vĩ mô tiếp tục ổn định
Có thể thấy, có nhiều yếu tố thuận lợi hỗ trợ cho đà tăng trưởng của thị trường Việt Nam trong năm 2017. Nền kinh tế thế giới, với đầu tàu là Mỹ, châu Âu, Trung Quốc, Nhật Bản đều có sự cải thiện, giúp cho các thị trường chứng khoán chủ chốt tăng trưởng mạnh và với xu hướng liên thông, thị trường chứng khoán trong nước cũng tích cực hơn.
Ở trong nước, về vĩ mô, nền kinh tế đã lấy lại được đà tăng trưởng nhờ quyết tâm mạnh mẽ của Chính phủ trong cải cách môi trường kinh doanh, hỗ trợ khối doanh nghiệp tư nhân, cùng với đóng góp lớn từ khối doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Lạm phát vẫn duy trì ổn định ở mức thấp.
Trên nền tảng ấy, thị trường chứng khoán trong nước càng sôi động hơn nhờ hoạt động cổ phần hóa, thoái vốn, niêm yết mới của các doanh nghiệp nhà nước và sự ra đời của một số sản phẩm mới như chứng khoán phái sinh.
Sang năm 2018, bối cảnh thế giới dự báo sẽ tiếp tục hỗ trợ tốt cho tăng trưởng kinh tế trong nước. Việc tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) như FTA với Hàn Quốc, Liên minh kinh tế Á - Âu, Cộng đồng chung ASEAN, TPP mới… sẽ thúc đẩy tích cực cho hoạt động xuất khẩu và khuyến khích các dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
Tất nhiên, cũng cần lưu ý đến làn sóng bảo hộ mậu dịch trên toàn cầu khi Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn duy trì chính sách này và tiến trình Brexit (Anh rời Liên minh châu Âu - EU) vẫn còn dở dang. Thêm vào đó, các tác động từ bên ngoài như bong bóng công nghệ mới, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất, hay các chính sách điều chỉnh tiền tệ - lãi suất của Trung Quốc và Nhật Bản có thể khiến cho lạm phát trong nước tăng.
Trong nước, nền tảng chính trị ổn định là điểm cộng đối với triển vọng kinh tế trong năm 2018 với kỳ vọng có thêm những quyết sách mới, tạo cơ hội cho kinh tế phát triển trong giai đoạn 3 năm tiếp theo. Chính phủ đang tỏ rõ quyết tâm cải cách bộ máy hành chính, hệ thống pháp luật, chống tham nhũng và cải cách kinh tế.
Năm 2017, mặc dù gặp nhiều khó khăn như hạn hán rồi đến lũ lụt, có những quan ngại về khả năng hoàn thành mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7%, nhưng theo thông tin từ cuộc họp thường kỳ Chính phủ tháng 11 diễn ra cuối tuần qua, tình hình kinh tế tiếp tục có những chuyển biến tích cực và nền kinh tế sẽ hoàn thành 13/13 chỉ tiêu trong kế hoạch phát triển năm nay.
Về cơ bản, các nhân tố chính thúc đẩy GDP trong thời gian qua như ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát và chính sách tài khóa - tiền tệ phù hợp tiếp tục đóng vai trò nền tảng.
Ngoài ra, ngành công nghiệp chế biến chế tạo đang đang tăng trưởng mạnh, chủ yếu do Samsung tiếp tục đầu tư xây dựng nhà máy và sản xuất điện thoại Việt Nam, trực tiếp đóng góp mạnh vào mức tăng trưởng của ngành công nghiệp điện tử nói riêng và mức tăng trưởng của GDP Việt Nam nói chung.
Lạm phát cơ bản dự kiến duy trì ổn định trong bối cảnh giá cả nhiên liệu và hàng hóa toàn cầu dự kiến ổn định trong năm 2018. Lạm phát ổn định là cơ sở quan trọng để khẳng định sự bền vững trong quản lý kinh tế vĩ mô, kích thích tiêu dùng nội địa, tạo điều kiện cho các chính sách tiền tệ nới lỏng làm giảm lãi suất kích thích đầu tư.
Chính sách tiền tệ duy trì định hướng nới lỏng, hỗ trợ sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp nhờ nền tảng lạm phát thấp. Điểm tích cực là thanh khoản dồi dào trên cả thị trường 1 và 2 của hệ thống ngân hàng, khiến cho mặt bằng lãi suất liên ngân hàng cũng như trái phiếu chính phủ các kỳ hạn được duy trì ở mức thấp, tạo điều kiện tiếp tục giảm lãi suất cho vay và huy động.
Chính sách điều hành tỷ giá sẽ duy trì phương hướng linh hoạt, mềm dẻo, nhằm giữ vững tính ổn định của tỷ giá và tiến tới thúc đẩy các hoạt động thương mại mậu dịch. Tính ổn định của tỷ giá sẽ được giữ vững khi Ngân hàng Nhà nước vẫn đang nắm được một lượng dự trữ ngoại hối kỷ lục là 45 tỷ USD.
Đầu tư và thương mại, thể hiện qua hoạt động xuất nhập khẩu và các dòng vốn đầu tư, tiêu biểu là FDI giữ tín hiệu lạc quan. Các doanh nghiệp, bao gồm cả doanh nghiệp nội địa và có vốn đầu tư nước ngoài đẩy mạnh sản xuất hàng hóa xuất khẩu.
Trên cơ sở đó, nền kinh tế Việt Nam trong năm 2018 dự báo sẽ tăng trưởng tích cực hơn năm 2017. Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội về cơ bản tiếp tục xoay quanh mục tiêu tổng quát của kế hoạch 5 năm 2016 - 2020 là “Bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, phấn đấu tăng trưởng kinh tế cao hơn 5 năm trước. Đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh”.
Hai kịch bản tăng trưởng của VN-Index
VN-Index liên tục xác lập đỉnh mới và đang hướng tới mốc 1.000 điểm. Mốc tăng này có quá nóng hay vẫn còn cơ hội tăng?
Dù chỉ số đang tiến gần tới mốc đỉnh trong lịch sử 1.170 điểm trong năm 2007, nhưng có thị trường chứng khoán giai đoạn này nhiều khác biệt so với 10 năm trước.
Nếu như thời điểm 2007, đà tăng diễn ra ở tất cả các mã, thì trong giai đoạn tăng điểm mạnh của VN-Index từ tháng 8 đến nay, dòng tiền chỉ tập trung ở nhóm cổ phiếu bluechips. Nếu đà tăng lan tỏa sang các cổ phiếu khác, thị trường xác lập được mặt bằng giá mới, đà tăng của chỉ số sẽ tiếp tục bùng nổ.
Một cơ sở tích cực cho đà tăng của chỉ số trong thời gian tới là dòng vốn ngoại đang đổ mạnh vào thị trường, tìm kiếm những cơ hội đầu tư hấp dẫn từ các đợt cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước. Đợt thoái vốn nhà nước của Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) tại CTCP Sữa Việt Nam (VNM) tháng 11 vừa qua đã thu về gần 9.000 tỷ đồng, tương đương 400 triệu USD từ một quỹ đầu tư.
Tính từ đầu năm tới nay, đã có khoảng 1,37 tỷ USD vốn ngoại chảy vào thị trường và con số này dự kiến sẽ tăng vọt khi có những đợt bán vốn tại các doanh nghiệp đầu ngành, có lợi thế lớn như Sabeco, Nhựa Bình Minh, Nhựa Tiền phong, Đạm Cà Mau, FPT… và một loạt doanh nghiệp “khủng” sẽ lên sàn. Thực tế cho thấy, thị giá nhiều cổ phiếu đã tăng mạnh nhờ hiệu ứng thoái vốn nhà nước.
Xét về định giá thị trường, dù chỉ số chung tăng mạnh, nhưng hệ số giá cổ phiếu trên lợi nhuận (P/E) toàn thị trường khoảng 18,7 lần, cao hơn trung bình khu vực. Nếu loại bỏ 5 mã cổ phiếu có P/E đột biến thì mức P/E bình quân thị trường về mức 14 - 15 lần, vẫn là mức khá hấp dẫn.
Nhìn lại giai đoạn thị trường chứng khoán sốt nóng những năm 2005 - 2007, lượng hàng hóa trên sàn nhỏ, trong khi thị trường thu hút số lượng lớn nhà đầu tư tham gia dẫn đến đẩy giá cổ phiếu tăng vọt, vượt xa giá trị thực tế. P/E bình quân lên tới 53,6 lần năm 2006 và 32,4 lần năm 2007. Chỉ số P/E và thời điểm trước khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 của Thái Lan cũng chỉ là 31,4; Indonesia là 24,7; Malaysia 30,9 và Hàn Quốc là 31,4.
Về lý thuyết, một chu kỳ tăng giá mới và bền vững trên thị trường chứng khoán, cần có đầy đủ các yếu tố hỗ trợ như nền tảng vĩ mô, dòng tiền trong nước – quốc tế và sự cải thiện về kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp.
Năm 2018, thị trường chứng khoán Việt Nam cũng đang hội tụ đầy đủ các điều kiện để tăng trưởng mạnh như giai đoạn 2005 – 2007, với hai khả năng xảy ra: Một là, bước vào chu kỳ tăng trưởng trong khoảng 1,5- 2 năm tới và lập lại đỉnh 2007, VN-Index có thể đạt tốc độ tăng tương đương năm 2017 (trên 40%) với thanh khoản cao.
Hai là, thị trường tăng trưởng vừa phải sau khi đạt đỉnh 2007, tiếp tục duy trì tốc độ tăng khoảng 20% trong năm 2018, đi kèm với các điều kiện vĩ mô, dòng tiền và kết quả kinh doanh cải thiện từ các công ty niêm yết mới thì chu kỳ tăng trưởng có thể kéo dài 4-5 năm như các quốc gia Đông Nam Á sau khủng hoảng 2007.
Tất nhiên, cơ hội tăng sẽ không trải đều cho mọi cổ phiếu.