
Sau cuộc đàm phán vào cuối tuần qua tại Thụy Sĩ, Mỹ sẽ giảm mức thuế quan 145% đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc xuống còn 30%, Trung Quốc sẽ giảm thuế nhập khẩu đối với hàng hóa của Mỹ từ 125% xuống 10%, trong khi các bên tiếp tục đàm phán.
Bất kể thế nào, mức thuế quan hiện đã tăng so với trước khi Tổng thống Donald Trump nhậm chức và cuộc chạy đua để đáp trả sự kết hợp giữa các mối đe dọa và hòa giải của Nhà Trắng có thể khiến các lãnh đạo doanh nghiệp, nhà đầu tư và người tiêu dùng cảm thấy bất an và không muốn chấp nhận rủi ro.
Tổng thống Trump sẽ tiếp tục áp thuế
Nền kinh tế toàn cầu sẽ không quay trở lại ngày 19/1/2025, ngày trước khi Tổng thống Trump nhậm chức. Ngay cả khi ông thường xuyên thay đổi mức thuế quan, Tổng thống Trump và các trợ lý của ông đã nói rõ rằng, hầu hết các mặt hàng nhập khẩu sẽ bị đánh thuế ở mức tối thiểu khoảng 10%.
Con số 10% là mức cơ sở của Tổng thống Trump. Ông đã đưa ra mức này cho hầu hết các quốc gia trong thời gian đàm phán 90 ngày sau khi việc triển khai thuế quan toàn diện vào ngày 2/4 gây ra sự hoảng loạn trên thị trường tài chính. Tổng thống Trump giữ nguyên mức thuế 10% như một phần của khuôn khổ thỏa thuận thương mại với Anh được công bố vào tuần trước. Mức thuế quan 30% của Tổng thống Trump đối với hàng hóa Trung Quốc bao gồm 20% liên quan đến vai trò của Trung Quốc trong việc kiểm soát fentanyl và mức cơ sở 10% được áp dụng ở những nơi khác.
"Chúng tôi có nhiều thỏa thuận sắp tới… Nhưng chúng tôi luôn có mức thuế cơ sở là 10%", Tổng thống Trump cho biết vào ngày 9/5.
Tuy nhiên, Tổng thống Trump cũng đã ám chỉ rằng có thể có những ngoại lệ. Thuế quan theo ngành là 25% đối với ô tô, thép và nhôm vẫn được áp dụng, đặc biệt, các loại thuốc dược phẩm cũng sẽ sớm phải chịu thuế nhập khẩu.
Hiện thực có thể neo giữ các cuộc đàm phán
Taisu Zhang, giáo sư luật chuyên nghiên cứu về lịch sử pháp lý và kinh tế so sánh tại Đại học Yale cho biết, sự hỗn loạn từ tháng trước có lẽ không phải là vô ích. Cả hai quốc gia đều đang thử thách sức mạnh của mình, với việc Tổng thống Trump nhấn mạnh tầm quan trọng mà các công ty nước ngoài đặt ra khi tiếp cận người tiêu dùng Mỹ, trong khi Trung Quốc nhấn mạnh khả năng phục hồi trước một cú sốc bên ngoài.
"Mới đây, vào tháng 2, cả hai bên có lẽ đã ấp ủ những giả định không thực tế về điểm yếu hoặc ý định kinh tế hoặc chính trị của nhau… Người Mỹ đã có cảm giác cường điệu về sức mạnh đàm phán của chính họ ngay từ đầu, và người Trung Quốc có thể đã có cảm giác cường điệu về sự an toàn của họ trước áp lực kinh tế của Mỹ.
Do đó, điều tốt nhất có thể đạt được từ thỏa thuận này có vẻ là cảm nhận thực tế mạnh mẽ hơn ở cả hai bên... Về điều đó, có vẻ như mục tiêu của hai quốc gia phù hợp với nhau, Trung Quốc tiêu thụ nhiều hơn và Mỹ sản xuất nhiều hơn”, ông cho biết.
Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán rất thích tin tức này và có thể định hình những gì sẽ xảy ra tiếp theo. Chỉ số S&P 500 đã tăng 3,3% trong phiên giao dịch thứ Hai (12/5), giúp xác thực quyết định của chính quyền Tổng thống Trump về việc hạ mức thuế quan để các cuộc đàm phán có thể tiếp tục.
Thận trọng với hiệu ứng bullwhip
Nếu mức thuế 145% của Tổng thống Trump ít tàu thuyền từ Trung Quốc tới các cảng của Mỹ hơn và đã làm tăng nguy cơ các kệ hàng trống rỗng tại các cửa hàng ở Mỹ, một hiện tượng gần đây nhất được nhìn thấy trong đại dịch Covid-19 dẫn đến giá cả tăng vọt.
Nhưng với sự thay đổi nhanh chóng sang mức thuế suất thấp hơn, hàng hóa đang nằm trong các nhà kho và nhà máy ở châu Á hiện có thể được chuyển nhanh lên các tàu chở hàng, khiến giá vận chuyển những hàng hóa đó tăng mạnh và gây ra tình trạng tắc nghẽn tại các cảng.
Michael Starr, Phó chủ tịch tăng trưởng tại công ty hậu cần Zencargo cho biết, sẽ có hiệu ứng bullwhip, trong đó tình trạng thiếu hụt hiện chuyển thành đợt cung cấp mới khi các công ty cố gắng đánh bại viễn cảnh mức thuế suất cao hơn quay trở lại.
“Bây giờ họ có thể bắt đầu vận chuyển cho mùa lễ hội… Họ sẽ nhanh chóng giải quyết càng nhiều đơn hàng càng tốt trong 90 ngày”, ông cho biết.
Không có gì chắc chắn về những gì sắp tới
Nhà kinh tế học Justin Wolfers của Đại học Michigan nhấn mạnh, nhiều người sẽ xem các cuộc đàm phán kéo dài 90 ngày là một tín hiệu tích cực trong ngắn hạn, vì "việc chuyển mức thuế quan từ mức cấm đoán và điên rồ sang mức chỉ rất cao là một tin tốt". Nhưng trong suốt bốn tháng qua của chính quyền Tổng thống Trump, ông đã tuyên bố áp dụng thuế nhập khẩu 100% đối với các bộ phim được sản xuất ở nước ngoài, nói về việc sáp nhập Canada và Greenland, và tỏ ra thờ ơ với nỗi đau tài chính có thể xảy ra do động thái của mình.
"Vì vậy, nếu nhìn lại 120 ngày qua, bạn sẽ nói rằng, với sự tích cực có thể cảm thấy ngay bây giờ, thì thật điên rồ khi cảm thấy lạc quan về bất cứ điều gì", ông cho biết.
Một vấn đề quan trọng khác là các doanh nghiệp đã lập kế hoạch cho mức thuế quan 145% mà ông đã công bố trước đó và có thể do dự không muốn sửa đổi chúng cho đến khi bất kỳ chính sách lâu dài nào được thiết lập.
Có khả năng thị trường việc làm phục hồi có thể chịu được những đòn giáng từ thuế quan mà không bị ảnh hưởng nhiều, giống như thị trường này đã vượt qua được đợt tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dưới thời cựu Tổng thống Joe Biden được thiết kế để hạ thấp lạm phát. Nhưng mức thuế quan 30% vẫn là chi phí mà các doanh nghiệp và người tiêu dùng phải gánh chịu và điều đó có thể ngăn cản nhiều công ty tuyển dụng, mở rộng hoạt động.
“Có thể một số công ty trong số đó chịu được mức thuế 30%, ít nhất là trong một thời gian… Nhưng trong 90 ngày nữa, mức thuế quan với Trung Quốc sẽ là bao nhiêu? Chúng sẽ tăng hay giảm từ mức 30%? Nếu tăng thì tăng bao nhiêu? Tôi không biết, và nếu tôi là một công ty phụ thuộc vào hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, điều đó sẽ gây ra tình trạng tê liệt”, Kevin Rinz, thành viên cấp cao tại Trung tâm Tăng trưởng Công bằng Washington cho biết.