
Mỹ và Trung Quốc đều tuyên bố ghi nhận "tiến triển đáng kể" sau hai ngày đàm phán tại Thụy Sĩ nhằm hạ nhiệt căng thẳng thương mại, đánh dấu điều mà Phó Thủ tướng Trung Quốc He Lifeng gọi là "bước đầu tiên quan trọng" để hướng tới giải quyết những khác biệt.
Mặc dù chưa quốc gia nào công bố ngay các biện pháp cụ thể, nhưng Phó Thủ tướng He Lifeng cho biết, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã nhất trí tạo ra một cơ chế cho các cuộc đàm phán tiếp theo, do Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent và ông dẫn đầu.
"Như chúng tôi vẫn nói ở Trung Quốc, nếu món ăn ngon thì thời điểm không quan trọng... Bất cứ khi nào công bố, đó sẽ là tin tốt cho thế giới", Thứ trưởng Thương mại Trung Quốc Li Chenggang cho biết.
Matteo Giovannini, cộng sự tại Trung tâm Trung Quốc và Toàn cầu hóa (CCG) và là giám đốc tài chính cấp cao tại Ngân hàng Công thương Trung Quốc cho biết: "Phía Mỹ đang chịu áp lực chính trị để thể hiện chiến thắng… Mặt khác, Trung Quốc xem đàm phán không phải là kết quả đơn lẻ mà là một quá trình chiến lược để quản lý cạnh tranh song phương, khả năng phục hồi kinh tế và các mục tiêu phát triển dài hạn.
Thông qua việc xây dựng khả năng phục hồi, Trung Quốc đặt mục tiêu cách ly nền kinh tế trong nước khỏi những cú sốc bên ngoài, trong khi tham gia có chọn lọc vào các thị trường toàn cầu”.
Stephen Olson, thành viên cao cấp thỉnh giảng tại Viện ISEAS – Yusof Ishak ở Singapore và là cựu nhà đàm phán thương mại Mỹ chuyên về tác động kinh tế của sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc cho biết, thỏa thuận thiết lập cơ chế tham vấn không cấu thành một thỏa thuận thương mại, mà là một thỏa thuận để tiếp tục đàm phán.
Mặc dù chưa quốc gia nào nói chính xác những chủ đề nào đã được thảo luận, nhưng các nhà phân tích dự đoán rằng, các nhà đàm phán đã đề cập đến khả năng cắt giảm thuế quan đối với hàng hóa mà một bên hoặc bên kia rất cần. Tuy nhiên, các tín hiệu ngôn ngữ khác nhau báo hiệu một quá trình đàm phán có khả năng kéo dài.
"Với nguồn lực chính trị mà cả hai bên đã đầu tư vào việc triệu tập các cuộc thảo luận và sau đó mô tả các cuộc đàm phán theo những điều khoản rất tích cực, thì bối cảnh hiện tại dường như đã sẵn sàng cho ít nhất một đợt giảm thuế quan, và có khả năng đạt được tiến triển về các vấn đề khác như fentanyl trong những tuần và tháng tới", ông Stephen Olson nói.
Brian Wong, thành viên tại Trung tâm nghiên cứu Trung Quốc đương đại và thế giới tại Đại học Hồng Kông (Trung Quốc) cho biết, trong khi Mỹ xem thỏa thuận này là một câu chuyện thành công, thì kế hoạch của Trung Quốc là tập trung vào việc củng cố quan hệ thương mại với phần còn lại của thế giới.
Theo Rajiv Biswas, Tổng giám đốc điều hành của công ty nghiên cứu Asia-Pacific Economics, việc cắt giảm thuế đối với hàng dệt may, quần áo và hàng điện tử xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ có thể đang được thảo luận, cùng với các lô hàng dầu, khí đốt và hàng hóa nông nghiệp của Mỹ sang Trung Quốc. Nếu cả hai bên thảo luận về việc có nên tiếp tục xuất khẩu máy bay dân dụng sang Trung Quốc hay không, thì có thể đã đề cập đến nhà sản xuất máy bay Boeing của Mỹ.
Căng thẳng giữa các nền kinh tế lớn nhất thế giới đã đạt đến đỉnh điểm mới sau khi Tổng thống Donald Trump liên tục tăng thuế đối với Trung Quốc lên 145%. Các mức thuế này được cho là để giải quyết vai trò của Trung Quốc trong hoạt động buôn bán fentanyl, thặng dư thương mại khổng lồ của nước này với Mỹ và đáp trả các biện pháp trả đũa của Trung Quốc. Đáp lại, Trung Quốc đã tăng thuế đối với hàng hóa của Mỹ lên 125%. Việc trả đũa thuế quan đã dẫn đến sự bế tắc khi không bên nào muốn nhượng bộ và dường như không có lối thoát. Cuối cùng, cả hai bên đều thừa nhận cần phải hạ nhiệt căng thẳng về thuế quan và công bố các cuộc đàm phán công khai.
“Trong khi chúng ta chờ xem những tiến triển đáng kể có nghĩa là gì, phân tích của chúng tôi cho thấy, ngay cả khi thuế quan giảm mạnh từ mức cao ngất ngưởng hiện tại vẫn sẽ để lại một lỗ hổng lớn trong thương mại song phương”, Jennifer Welch, nhà phân tích địa kinh tế của Bloomberg Economics cho biết.
“Mặc dù chúng tôi vẫn hoài nghi rằng bất kỳ điều gì có giá trị thực chất có thể được thống nhất chỉ sau hai ngày đàm phán, nhưng rõ ràng là cả hai bên đều đang tìm cách hạ nhiệt tình hình”, Win Thin, Giám đốc chiến lược thị trường toàn cầu tại Brown Brothers Harriman & Co. cho biết.
Theo Martin Chorzempa, thành viên cấp cao tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, mặc dù lời lẽ tích cực là đáng khích lệ, nhưng vẫn chưa rõ con số thuế quan cuối cùng sẽ đi đến đâu.
"Ít nhất là một giải pháp ngắn hạn với Trung Quốc - quốc gia có mối quan hệ song phương gai góc và phức tạp nhất với Mỹ - cũng sẽ được xem là một dấu hiệu tốt cho tiềm năng đàm phán mang tính xây dựng với các quốc gia khác", ông cho biết.