Hàng chục tỷ USD từ biển
Ngày 20/5/2021, Công ty cổ phần Phát triển Dự án Điện gió La Gàn, đơn vị phát triển Dự án Trang trại điện gió ngoài khơi La Gàn (tỉnh Bình Thuận), quy mô công suất 3.500 MW, thuộc sở hữu của Copenhagen Infrastructure Partners, cùng Asiapetro và Novasia đã ký kết Hợp đồng Khảo sát địa vật lý và Hợp đồng Nghiên cứu địa chất với Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên - môi trường biển khu vực phía Bắc (CPIM) thuộc Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, với trị giá nhiều triệu USD.
Trước đó, hồi tháng 2/2021, đơn vị này đã ký các bản ghi nhớ với 4 nhà thầu tại Việt Nam, gồm: Tập đoàn CS Wind, Công ty TNHH một thành viên Dịch vụ cơ khí hàng hải PTSC (PTSC M&C), Công ty cổ phần Xây lắp dầu khí miền Nam (Alpha ECC) và Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro về cung cấp móng cọc và hậu cần cảng biển.
Dự án có quy mô vốn khoảng 10,5 tỷ USD này đang kỳ vọng trở thành một trong những dự án điện gió ngoài khơi quy mô lớn đầu tiên được đưa vào vận hành tại Việt Nam và giúp hạn chế lượng khí thải lên đến 130 triệu tấn CO2 trong suốt thời gian vận hành.
Trước La Gàn, Dự án Điện gió ngoài khơi Thăng Long Wind (Bình Thuận) cũng đề xuất quy mô 3.400 MW với quy mô đầu tư gần 12 tỷ USD. Theo kế hoạch, dự án này sẽ hoàn tất việc lắp đặt phao nổi để tiến hành thu thập số liệu hải dương học (sóng, gió, dòng chảy...) tại khu vực khảo sát vào tháng 7/2021.
Không chỉ có 2 dự án trên, số liệu từ Bộ Công thương cho thấy, đã có 157 dự án điện gió ngoài khơi với quy mô công suất hơn 61.000 MW được đề nghị khảo sát, phát triển dự án và bổ sung vào quy hoạch toàn quốc. Đơn cử, tại Bình Thuận, các dự án điện gió ngoài khơi đề nghị bổ sung quy hoạch lên tới 22.000 MW.
Số liệu của Hội đồng Năng lượng gió toàn cầu (GWEC) cho hay, thị trường điện gió ngoài khơi tăng trưởng 106% trong 5 năm qua với gần 6.000 MW lắp đặt hàng năm. “Ngành này đang trên đà lắp đặt 235 GW (235.000 MW) vào năm 2030 và có thể trở thành trụ cột cốt lõi của quá trình chuyển đổi năng lượng toàn cầu”, bà Liming Quiao, Giám đốc khu vực của GWEC nhận xét.
Cũng theo bà Liming Quiao, điểm mạnh của điện gió ngoài khơi là hiệu suất cao, khoảng 29-52%, gấp đôi điện mặt trời, cao hơn điện gió trên bờ và tương đương điện khí.
Dẫu vậy, việc đầu tư điện gió ngoài khơi cũng có những thách thức nhất định. So với chi phí đầu tư vào điện gió trên bờ, ven bờ, suất đầu tư điện gió ngoài khơi cao hơn gấp đôi. Thời gian mỗi dự án từ lúc xây dựng tới vận hành thường kéo dài 5 - 7 năm, chưa gồm thời gian chuẩn bị các thủ tục đầu tư dự án, xin cấp phép, khảo sát địa chất, đo gió... Ngoài ra, điều kiện thi công trên biển cũng không dễ dàng, chi phí thi công, xây dựng lớn.
Theo tính toán, chi phí xây lắp tại một dự án điện gió ngoài khơi chiếm khoảng 53% tổng chi phí dự án; chi phí phát triển khoảng 3%; khảo sát, dự phòng khoảng 4-5%...
Hiện suất đầu tư điện gió ngoài khơi chỉ còn 83 USD/MWh, giảm nhiều lần so với mức 255 USD/MWh trong những năm 2012-2013 và dự kiến giảm còn 58 USD vào năm 2025.
Tuy nhiên, bà Liming Quiao cũng cho rằng, giá sản xuất điện gió ngoài khơi chỉ giảm khi thị trường đạt tới công suất lắp đặt nhất định. Theo khuyến nghị của các tổ chức quốc tế và các nhà đầu tư, Việt Nam nên tăng công suất điện gió ngoài khơi lên 10 GW đến năm 2030, nhằm tận dụng tiềm năng sẵn có. Mặt khác, chỉ có dự án quy mô lớn mới đủ hấp dẫn để thu hút các nhà đầu tư phát triển các dự án điện gió ngoài khơi ở Việt Nam. Tất nhiên, đi kèm với đó phải là cơ chế chính sách tương ứng cho phát triển loại hình này, một trong số đó là cơ chế về giá ưu đãi.
Giá FIT hay đấu thầu?
Hiện tại, mức giá mua điện gió được thực hiện theo phương thức giá cố định (FIT), với dự án điện gió trên biển là 9,8 UScent/kWh và trên bờ là 8,5 UScent/kWh, trong thời gian 20 năm và áp dụng cho các phần công suất vào vận hành thương mại trước ngày 1/11/2021.
Ông Benard Casey, Giám đốc Phát triển Tập đoàn Mainstream Renewable Power Việt Nam cho hay, nếu áp dụng ngay cơ chế đấu thầu cho các dự án điện gió ngoài khơi, thay vì có lộ trình thực hiện giá FIT, sẽ khiến nhà đầu tư gặp không ít rủi ro và kém thu hút vào lĩnh vực này.
“Không phải cứ thực hiện cơ chế đấu thầu ngay là có mức giá thấp hơn giá FIT. Thậm chí, nếu không có giai đoạn chuyển tiếp từ giá FIT sang cơ chế đấu thầu, thì giá điện có thể tăng cao hơn”, ông Sebastian Hald Buhl, Giám đốc Orsted tại Việt Nam nhận xét.
Một lập luận được nhiều nhà đầu tư nhắc tới khi muốn giữ giá FIT với điện gió ngoài khơi là vấn đề phát triển chuỗi cung ứng ngay tại địa phương, bởi các cơ sở phụ trợ này tại Việt Nam đang thiếu và yếu.
Với thực tế các dự án điện gió ngoài khơi không chỉ thuần túy là vấn đề năng lượng, mà còn liên quan tới chủ quyền quốc gia, thì việc ràng buộc điều kiện với các nhà đầu tư nước ngoài ở các dự án điện gió ngoài khơi cũng rất cần thiết, tránh những hậu quả trong việc chuyển nhượng dự án để kiếm lời. Theo hướng này, bên cạnh việc đưa điện gió ngoài khơi vào Danh mục ngành nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài, hay phát triển chuỗi cung ứng địa phương để thực hiện các công việc liên quan ở trên biển cũng rất cần thiết.
Được biết, để xây dựng các chính sách hỗ trợ và cơ chế đột phá cho phát triển điện gió ngoài khơi gắn với triển khai thực hiện Chiến lược Biển Việt Nam, hay thúc đẩy phát triển mạnh mẽ các nguồn năng lượng tái tạo nhằm thay thế tối đa các nguồn năng lượng hóa thạch như Nghị quyết 55/NQ-TW của Bộ Chính trị đưa ra, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công thương) đã phối hợp với Ngân hàng Thế giới và Cơ quan Năng lượng Đan Mạch nghiên cứu, xác định lộ trình phát triển điện gió ngoài khơi Việt Nam để nhanh chóng có các chính sách phù hợp.
Theo các chuyên gia, Việt Nam với lợi thế đường biển dài hơn 3.000 km, mực nước biển thấp và tốc độ gió thổi thường xuyên cao, đặc biệt vùng phía Nam tốc độ gió trung bình ở độ cao 100 m đạt hơn 7 - 10 m/giây đang rất hấp dẫn các nhà đầu tư làm điện gió ngoài khơi, nhất là sau khi lĩnh vực này đã có những đột phá bất ngờ trong vài năm gần đây.