Diễn đàn Phát triển Việt Nam: Động lực mới cho phát triển

Với chủ đề “Chính phủ kiến tạo và hành động - Động lực mới cho phát triển”, Diễn đàn Phát triển Việt Nam (VDF) chính thức khai mạc ngày hôm nay (9/12) tại Hà Nội. Đây là thời điểm quan trọng để Chính phủ Việt Nam và các đối tác phát triển cùng đối thoại chính sách và tìm ra những động lực cho tăng trưởng và phát triển của nền kinh tế Việt Nam trong giai đoạn tới.     
Kết cấu hạ tầng đang được hoàn thiện, tạo động lực cho kinh tế Việt Nam tăng trưởng. Ảnh: Đức Thanh Kết cấu hạ tầng đang được hoàn thiện, tạo động lực cho kinh tế Việt Nam tăng trưởng. Ảnh: Đức Thanh

Đã thành thông lệ, tháng cuối năm bao giờ cũng là dịp để Chính phủ Việt Nam và các đối tác phát triển cùng ngồi lại với nhau để đối thoại chính sách, nhằm đưa ra các khuyến nghị chính sách phù hợp cho sự phát triển của Việt Nam.

Năm nay, thay vì mang tên Diễn đàn Đối tác phát triển (VDPF) - như đã được tổ chức từ năm 2013, thay cho Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam (CG) trước đây - Diễn đàn đã được đổi tên thành Diễn đàn Phát triển Việt Nam (VDF), hàm chứa một sự thay đổi về vị thế của Việt Nam, chủ động hơn, tích cực hơn trong việc tổ chức Diễn đàn.

“Việc đổi tên Diễn đàn đã thể hiện ý chí của Việt Nam. Đây sẽ là Diễn đàn Phát triển của Việt Nam, do Chính phủ Việt Nam chủ trì và lựa chọn các vấn đề quan trọng đối với sự phát triển của đất nước, sau đó mời các đối tác phát triển tới để tham vấn chính sách”, ông Lưu Quang Khánh, Vụ trưởng Vụ Kinh tế đối ngoại (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đã nói như vậy với phóng viên Báo Đầu tư.

Như vậy, đã có bước ngoặt mới đối với vị thế của Việt Nam trong hành trình từ Hội nghị CG tới Diễn đàn VDPF và giờ đây là VDF. Ban đầu là nước nhận tài trợ, tổ chức các Hội nghị CG để kêu gọi vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), tiến tới là các đối tác phát triển - đồng tổ chức diễn đàn đối thoại chính sách cấp cao để chia sẻ kinh nghiệm và khuyến nghị chính sách phát triển, và hiện tại, Chính phủ Việt Nam sẽ đóng vai trò “chủ nhà”, mời các đối tác phát triển tới để tham vấn chính sách.

Và một điều cũng nhìn thấy rõ, đó là cùng với hành trình này, thì vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế cũng ngày càng được nâng cao. Kinh tế Việt Nam, dù đang gặp không ít khó khăn, thách thức, song ngày càng khẳng định được sự phát triển ổn định. “Các doanh nghiệp và nhà đầu tư ở Việt Nam đang được hưởng sự ổn định mà nhiều quốc gia khác trong khu vực phải ghen tỵ”, bà Virginia Foote đã nói như vậy tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF), được tổ chức ngay trước thềm VDF.

Trong khi đó, Ngân hàng Thế giới, như thông lệ - ngay trước khi VDF diễn ra - cũng đã công bố Báo cáo Điểm lại kinh tế Việt Nam và nhấn mạnh việc cho dù môi trường toàn cầu còn chưa khởi sắc, kinh tế Việt Nam vẫn ổn định nhờ nhu cầu trong nước cao và ngành sản xuất chế tạo chế biến định hướng xuất khẩu. “Ổn định kinh tế vĩ mô ở Việt Nam là môi trường thuận lợi để các nhà hoạch định chính sách đẩy mạnh tái cơ cấu, đây là điều kiện thiết yếu để tiến tới mô hình tăng trưởng dựa trên năng suất”, ông Ousmane Dione, Giám đốc quốc gia WB tại Việt Nam nói.

Cũng theo ông này, kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020, vừa được Quốc hội thông qua, sẽ xử lý được một số bất cập phát sinh trong quá trình tăng trưởng kinh tế. “Triển vọng trung hạn của Việt Nam vẫn thuận lợi, với tăng trưởng GDP dự kiến đạt 6% trong năm nay”, ông Ousmane Dione nói.

Bất chấp dự báo này của WB, theo nhận định của Chính phủ Việt Nam, kinh tế vĩ mô của Việt Nam vẫn cơ bản tiếp tục ổn định, các cân đối lớn được bảo đảm và đây là điều kiện quan trọng để ổn định và phát triển kinh tế, phấn đấu đạt mức cao nhất các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2016, cũng như triển khai Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2017 và các kế hoạch tài chính, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 mới được Quốc hội thông qua.

“Nền kinh tế tiếp tục đà phục hồi, nhất là trong sản xuất công nghiệp, công nghiệp chế biến, dịch vụ. Sự tăng trưởng cao của công nghiệp chế biến, cải thiện sức mua và tổng cầu, đầu tư trực tiếp nước ngoài và phát triển dịch vụ là các nhân tố bảo đảm cho dự báo tăng trưởng GDP năm 2016 là 6,3% là khả thi”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết như vậy.

Tuy nhiên, câu chuyện đối với nền kinh tế Việt Nam trong hiện thời không chỉ là phát triển ổn định, mà còn là tăng trưởng nhanh và bền vững trong thời gian tới, nhất là khi mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2017 đã được Quốc hội quyết nghị ở mức 6,7%. Vậy đâu sẽ là động lực cho tăng trưởng kinh tế, trong bối cảnh kinh tế còn khó khăn, những động lực tăng trưởng cũ đã tới hạn, nợ xấu còn cao, bội chi ngân sách còn lớn.

Câu trả lời có lẽ nằm chính ở chủ đề của Diễn đàn VDF lần này: “Chính phủ kiến tạo và hành động - Động lực mới cho phát triển”.

Thực tế, ngay khi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc một lần nữa nhấn mạnh thông điệp xây dựng một Chính phủ kiến tạo, liêm chính, phục vụ, không chỉ cộng đồng doanh nhân mà cả người dân cũng rất hồ hởi. Bởi Chính phủ kiến tạo và hành động có nghĩa sẽ tạo ra những cơ hội cho người dân, cho doanh nghiệp được làm giàu chính đáng, bớt đi những cản trở cho sự phát triển.

Một khi Chính phủ hành động đúng, hành động vì lợi ích của quốc gia, dân tộc, của người dân, một khi Nhà nước tập trung xây dựng khung khổ pháp lý, thể chế phù hợp, tạo điều kiện cần thiết để mọi người phát huy năng lực, sức sáng tạo vì lợi ích của chính mình và đóng góp cho xã hội; xóa bỏ rào cản, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp được làm những gì mà pháp luật không cấm… thì mới có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững.

Nói “Chính phủ kiến tạo và hành động - Động lực mới cho phát triển” chính là như vậy. Và nội hàm ấy, ngày hôm nay sẽ chính thức được Chính phủ Việt Nam tham vấn các đối tác phát triển.

Nguyên Đức
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục